Trong xã hội hiện đại, sự truy cầu về sắc dục ngày càng lớn mạnh, bên bàn tiệc bàn chuyện làm ăn của thương gia cũng không thể thiếu những cô gái tiếp rượu. Theo lối tư duy phổ biến hiện nay, mỹ sắc đã trở thành nhân tố quyết định cho sự thành công của một hợp đồng làm ăn. Thông qua phương thức này mà gian thương cấu kết với tham quan hủ bại, từ đó móc nối lẫn nhau về lợi ích. Từ trong các bài học lịch sử, chúng ta có thể thấy những tấm gương điển hình về việc tham nữ sắc đã phá hoại sự nghiệp tiền đồ của 1 người lãnh đạo như thế nào.
Trụ Vương hoang dâm hủy hoại vương nghiệp của cha ông
Trụ Vương của nhà Thương (1600-1046 TCN) là một bạo quân vô đạo nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Các tác phẩm văn học điện ảnh đã khắc họa Trụ Vương với tướng mạo mập mạp, tư chất kém cỏi, đam mê rượu và mỹ nữ. Trụ Vương sủng ái Đát Kỷ và bỏ bê sự an nguy của xã tắc, đối xử rất khắc nghiệt với các chư hầu, quần thần và cả người dân của mình.
Chu Võ Vương của nhà Chu (1046-256 TCN) đã thống lĩnh chư hầu chống lại Trụ vương, đồng thời ông cũng bị nhân dân bỏ mặc. Trụ vương thất bại trong trận chiến quyết định, đã tự thiêu tại Lộc Đài.
Đó là những gì con người ngày nay nhận thức về Trụ Vương, tuy nhiên trong thực tế lịch sử thì không hoàn toàn như vậy. Trong các phiên bản của Trụ Vương trên điện ảnh, chỉ vai Trụ vương trong phim Bảng Phong thần (2006) do Mã Cảnh Đào đóng là khắc họa hình ảnh Trụ Vương gần giống với lịch sử nhất.
Theo những ghi chép trong lịch sử, Trụ Vương (Đế Tân) thời kỳ đầu là người có sức khỏe phi phàm, có thể vác được cả một cây cột nhà, khả năng lĩnh ngộ rất mạnh, tự thân chinh phạt bốn phương, mở mang bờ cõi. “Phi Tướng phiên” trong sách Tuân Tử miêu tả Đế Tân “tướng mạo trông rất đẹp đẽ, là bậc anh kiệt trong thiên hạ; sức mạnh phi thường, địch được trăm người vậy”.
“Ân bản ký” của Sử ký cũng nói: “Đế Trụ thiên chất thông minh, có tài ăn nói, sức lực hơn người, tay không bắt được mãnh thú”. Khi lên ngôi, ông định đô ở Triều Ca (nay là huyện Kỳ, Hà Nam). Đế Tân siêng năng chấn hưng chính trị, khi quốc lực cường thịnh thì ông chủ trương đánh dẹp các tộc Đông di ở phương Đông.
Nhưng từ khi Tô Đát Kỷ – người bị hồ ly phụ thể – tiến cung, Trụ Vương đã bị mê hoặc làm ra rất nhiều chuyện xấu: giết hại trung thần, bỏ bê triều chính, đàn ca hát xướng, lấy việc giết người làm trò tiêu khiển. Do đó, những kẻ đi theo ủng hộ những hành vi bạo ngược của Trụ Vương sẽ bị muôn đời phỉ nhổ, thành ngữ “Trợ Trụ vi ngược” cũng là từ trong quá trình lịch sử này mà lưu truyền lại.
Trụ vương xuất phát điểm là một vị vua anh minh thần võ, năng lực có thừa, lại là người kế nghiệp vương triều từ tổ tiên. Về lý mà nói, ông hội tụ đủ điều kiện để dẫn dắt đất nước mình trở nên phồn thịnh và tươi sáng. Thế nhưng, vì sao mọi thứ trong thời gian ngắn ngủi lại trở thành đảo lộn như vậy? Cũng chính là vì hai chữ “sắc dục” mà ra! Khởi đầu, Trụ vương không vượt qua cám dỗ bản thân khi đến thăm miếu thờ Nữ Oa nên đã khởi dục vọng mà đắc tội với Thần. Triều đại nhà Thương bắt đầu thoái trào từ đây.
Tùy Dạng Đế loạn luân suy vong triều đại
Tùy Dạng Đế (569 – 618), tên thật là Dương Quảng là vị hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Tùy trong lịch sử Trung Quốc.
“Xưa nay bàn luận về quốc kế giàu sang, thì không triều đại nào có thể sánh được với nhà Tùy”. Mã Đoan Lâm – nhà sử học nổi tiếng giữa triều Tống Nguyên đã nói như vậy trong bộ sách Văn Hiến Thông Khảo của mình.
Sự giàu có của Đại Tùy là vượt xa cả triều Hán và Đại Đường. Tùy Dạng Đế Dương Quảng cực kỳ xa hoa lãng phí, ông ta sử dụng đến hàng triệu dân công mở Đại Vận Hà (sông đào lớn), sau đó ngồi thuyền rồng xuống Dương Châu, những chiếc thuyền lớn lần lượt nối tiếp nhau thành một đoàn quanh co hơn 200 dặm.
Tùy Dạng Đế dẫn đất nước trở nên suy vong và sụp đổ sau 13 năm tại vị, khiến cho nhà Tùy trở thành triều đại đáng chê cười nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tùy Dạng Đế nổi tiếng là vị vua hoang dâm hàng đầu, ông hay tìm bắt nhiều mỹ nữ về cung để thỏa mãn dục vọng, ngoài ra còn sai họa sĩ vẽ lại cảnh mình hoan lạc với các thiếu nữ rồi cho treo trong cung. Hành vi loại này thể hiện sự đồi bại cực điểm, trái ngược với phép tắc hoàng cung. Ngoài ra, ông còn phạm 2 tội đại nghịch, đó là giết cha giành ngôi và quan hệ loạn luân với cung phi của cha mình.
Cũng giống như Trụ vương, Dương Quảng thời trẻ được miêu tả là người có tướng mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, do đó rất được vua cha yêu quý. Tùy Văn Đế có lần bí mật sai Lai Hòa xem tướng các con trai của mình, Lai Hòa nói trên người Dương Quảng có song long cốt, số về sau sẽ phú quý tột bậc. Trước mặt cha mẹ, Dương Quảng tỏ ra tiết kiệm và cung kính, được nhiều người xưng tụng là có hiếu đạo. Dương Quảng còn có tài văn chương, thời sau Đường Thái Tông hết sức khen ngợi ông là “văn chương uyên bác”, luận về thơ văn đúng là minh chúa kiểu vua Nghiêu, Thuấn, rồi than thở về Dạng Đế rằng: “Sao hành sự lại ngược lại như vậy?”.
Tùy Dạng đế văn võ song toàn, khôi ngô tuấn tú, từ khi còn nhỏ đã nổi tiếng về thơ văn, năm 20 tuổi đã lập công diệt nhà Trần. Ông ta vốn có thể làm một vị vua anh minh, nhưng những gì ông ta đã làm thật không khác vết xe đổ của vua Trụ. Hoàng đế Trần Minh Tông của Việt Nam khi nhắc đến Tùy Dạng Đế đã có lời như sau:
“Tùy Dạng Đế luôn mồm nói đến Nghiêu Thuấn, nhưng mọi việc làm của ông ta thì lại như Kiệt, Trụ, có phải là ông ta thấy điều thiện mà bắt chước hay sao”.
Tùy Dạng Đế lẽ ra phải dẫn dắt quốc gia tiến lên giàu mạnh, nhưng cuối cùng lại trở thành vị vua vong quốc, thậm chí lúc chết không được chôn theo nghi thức thiên tử. Người đời soi vào tấm gương Tùy Dạng Đế thật sự không thể hiểu nổi, chung quy lại cũng là do hai chữ dục và sắc mà ra.
Ngô Khởi có tài lớn dùng binh nhưng bụng dạ khó lường
Ở trên là nói về 2 vị hoàng đế vì đam mê nữ sắc mà vong quốc, còn bây giờ hãy bàn về đại tướng quân nổi tiếng Ngô Khởi.
Ngô Khởi (440 TCN – 381 TCN) là người nước Vệ, sống trong thời Chiến Quốc, từng làm đại tướng ở hai nước là Lỗ và Nguỵ, sau làm tướng quốc ở Sở. Ông là một nhà quân sự nổi tiếng, nhà chính trị, nhà cải cách lớn thời Chiến quốc.
Tài năng quân sự của Ngô Khởi được ví như Tôn Tử, ông là một 8 nhà quân sự đại tài nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Tuy nhiên, quá khứ của ông lại phạm nhiều nhiều tội bất nhân.Trong Sử Ký Tư Mã Thiên có ghi chép về những việc làm ác của ông như:
- Vì hiềm khích với nhà hàng xóm mà giết liền 30 mạng người.
- Ngô Khởi theo học Tăng Tử, lúc mẹ chết Ngô Khởi không về viếng mẹ, vì điều này mà Tăng Tử tuyệt giao với ông ta. Vào thời cổ đại, hành động của Ngô Khởi được xem là bất hiếu, một trong những việc ác của thời đó.
- Vua nước Lỗ lo lắng vì Ngô Khởi có vợ là người nước Tề, Ngô Khởi giết liền vợ để được vua Lỗ trọng dụng.
Đặc điểm của Ngô Khởi là cách quản lý rất hà khắc, sau khi được trọng dụng thì Ngô Khởi thi hành chính sách bạc đãi đối với quan lại trong triều đình, có điều ông ta lại đối xử rất tốt với thủ hạ. Tuy nhiên, việc ông đối đãi tốt với binh sĩ cũng không phải là thực tâm tốt với họ, mà là có thể khiến binh sĩ hy sinh vì ông. Đây là xảo thuật dùng người cực kỳ lợi hại đã mang lại kết quả rất lớn cho sự nghiệp của họ Ngô. Trong Sử Ký có một đoạn ngắn mô tả về việc này.
“Có người lính mắc bệnh, Khởi hút mủ cho anh ta. Mẹ người lính nghe vậy khóc. Có người hỏi: ‘Con bà là lính, thế mà tướng quân thân hành hút mủ cho, bà còn khóc gì nữa? Bà mẹ nói:’Không phải thế. Năm xưa Ngô Công hút mủ cho cha nó, cha nó chiến đấu không được bao lâu rồi bị địch giết. Nay Ngô Công lại hút mủ cho con tôi, không biết lúc nào hay nơi nào nó sẽ chết. Vì vậy cho nên khóc”.
(Sử Ký)
Ngoài ra, trong tính cách của Ngô Khởi có một khiếm khuyết mà ít người để ý đến, chính là vì tài năng của ông đã khiến cho nó trở thành một điểm nhỏ nhặt không đáng kể. Đó là Ngô Khởi rất hiếu sắc. Trong Sử Ký có chép lại lời bàn của Lý Khắc về Ngô Khởi:
“Khởi tham lam và hiếu sắc, nhưng về mặt dùng binh thì Tư Mã Nhượng Thư cũng không thể hơn được”. (trích Sử Ký)
Trong Đông Chu Liệt Quốc cũng có ghi chép về điều này. Quan tướng quốc nước Tề là Điền Hoà có nhận xét về Ngô Khởi:
“Người ấy là rể họ Điền, chỉ nghề hiếu sắc, có biết việc quân lữ là cái gì! Nước Lỗ đến ngày suy đốn, cho nên mới dùng người ấy” . (Trích Đông Chu Liệt Quốc)
Ngô Khởi đánh cho nước Lỗ đại bại, nước Lỗ mới tìm hai người mỹ nữ và đem một nghìn nén hoàng kim đi mua chuộc Ngô Khởi. Lúc đắc thắng Ngô Khởi không giấu được bản chất là người tham tài hiếu sắc liền nhận lấy lễ vật. Lỗ Mục công nghe biết chuyện ấy, liền than rằng:
“Ta đã biết Ngô Khởi là người bất trắc!”
Điều này cho thấy Ngô Khởi có bản chất háo sắc tham tiền, nhưng những hành xử có vẻ đạo đức của ông ta vốn chỉ để lấy lòng quân vương mà leo lên vị trí tướng quốc. Những việc làm cực đoan của ông ta khiến cho người ngoài luôn e sợ, vì thế Ngô Khởi cuối cùng chết trong loạn lạc.
Giải nghĩa chữ Sắc
Ba trường hợp bên trên tương ứng với 3 loại lãnh đạo mà chúng ta hay gặp trong xã hội:
- Loại thứ nhất đại diện cho những người được thừa kế sự nghiệp mà lên làm lãnh đạo, vừa ra đời đã có trong tay một sự nghiệp đồ sộ, Tuy là sự nghiệp có sẵn , nhưng đó cũng là có áp lực trách nhiệm nặng nề.
- Loại người thứ hai là những người đã cố gắng rất nhiều để đạt sự nghiệp để trở thành lãnh đạo.
- Loại thứ 3 là những người phò tá hay làm quân sư cho lãnh đạo, loại người này tuy không phải là cao nhất nhưng tầm ảnh hưởng cũng rất lớn, chỉ đứng dưới một người trong toàn tập thể.
Nhưng cho dù là loại người nào thì những người này trong mệnh đã có vai trò làm lãnh đạo, tố chất cũng là thiên phú để đảm nhận vai trò của mình. Cả 3 trường hợp nêu trên đều là bại vong sự nghiệp vì tiết hạnh không đoan chính, vì tâm sắc dục đã làm mất đi phẩm chất và năng lực cần thiết để cho họ duy trì vai trò lãnh đạo của mình. Kết quả là sự nghiệp bị tiêu vong.
Người ta thường nói trên đầu chữ “sắc” (色) có con dao, điều này được đúc kết từ thực tiễn do háo sắc mà dễ sinh chuyện, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Kỳ thực, con dao chính là thể hiện chân thực tại một không gian khác của tâm sắc dục, nó cắt phá thân thể con người ở không gian khác, khiến tinh hoa trong thân thể chảy ra ngoài, rồi rót vào đó những thứ bại hoại. Cuối cùng kết quả biểu hiện tại không gian con người chính là người này thân thể suy nhược, bệnh tật toàn thân hoặc liên tục gặp chuyện phiền toái, rắc rối.
Những người có thể leo lên vị trí lãnh đạo, xác thực là trong mệnh đã có những phẩm chất tương xứng để có thể quản lý một tập thể lớn. Nhưng chính vì buông thả vấn đề sắc dục nên khiến cho những đức tính tốt đẹp đã bị biến chất, khí lực cũng tiêu hao nhiều, nền tảng bản thân không còn được vững vàng nữa nên dễ đưa ra các quyết định sai lầm.
Nhất là trong những quyết định then chốt đầy thử thách, người lãnh đạo cần phải có khí chất thì mới nhìn thấy con đường mà người khác nhìn không thấy. Con người trong trạng thái tinh lực đầy đủ vẹn toàn mới có thể đột phá, còn người tinh lực bị tàn khuyết đi nhiều thì sẽ dễ bị sa ngã sang đường tà, kết quả là tình trạng càng lúc càng đi xuống.
Những nhân vật nêu ở trên (Trụ Vương, Tùy Dạng Đế, Ngô Khởi) chỉ là những nhân vật điển hình, ngoài ra trong lịch sử có rất nhiều những nhân vật tương đồng, vốn họ có năng lực rất lớn đứng ở nơi cao nhất mà rớt thẳng xuống đáy vực. Họ chính là những khối nguyên liệu tốt để tạo nên những lãnh đạo có thể lưu danh thiên cổ, nhưng một khi đã phạm phải điều đại kỵ là mất kiểm soát ham muốn sắc dục thì cũng giống như tòa lâu đài bị lở mất nền móng, càng to lớn càng mau chóng sụp đổ.
Do đó nếu đem sắc dục ra để làm mồi nhử lấy lòng lãnh đạo, chính là đang dẫn cả một công ty, tập đoàn đến bước suy vong. Công ty thuộc những người lãnh đạo kém phẩm chất sẽ không có một tương lai lâu bền.
Thiên Bảo