Bởi bản tính ngạo mạn, coi thường người khác mà Trịnh Hựu Huyền đã bỏ lỡ cơ duyên đắc Đạo chân chính. Vậy mới thấy, một người dù có căn cơ tốt nhưng mê lạc trong cõi hồng trần hiểm ác sẽ rất khó để đắc Đạo tu thành.
Trịnh Hựu Huyền người Huỳnh Dương vốn xuất thân từ một dòng họ danh tiếng, sống ở thành Trường An. Anh ta từ nhỏ với con trai nhà hàng xóm họ Lư Khâu là học cùng một thầy. Hựu Huyền bản tính kiêu ngạo, bởi bản thân có tiếng là dòng dõi tôn quý, còn nhà họ Lư Khâu bần hàn thấp kém, nên anh ta thường hay châm chọc, mắng chửi Lư Khâu Tử: “Họ Lư Khâu nhà ngươi vốn không phải là đồng loại với ta, vậy mà lại cùng ta học chung một thầy. Ta thì không nói làm gì, còn nhà ngươi lẽ nào không tự thấy hổ hẹn sao?”.
Lư Khâu Tử nghe nói vậy thì tỏ vẻ hổ thẹn. Mấy năm sau, Lư Khâu Tử lâm bệnh mà chết.
Mười năm sau, Trịnh Hựu Huyền thi đậu cuộc thi Minh kinh, sau đó được điều đến quận Đường An nhậm chức. Quận trưởng lệnh cho Hựu Huyền tạm thay chức huyện úy Đường Hưng. Ở chung nhà có Thù sinh (chàng thư sinh họ Thù) mới 20 tuổi, là con cái của một thương nhân lớn, gia sản nhiều không đếm xuể. Thù sinh mỗi ngày gặp Hựu Huyền, đã gửi tặng rất nhiều tiền bạc của cải cho anh ta, lại thường cùng anh ta ra ngoài du ngoạn và tham dự yến tiệc.
Bởi Thù sinh chỉ là con nhà thương nhân, vậy nên Hựu Huyền trước sau đều không hề dùng lễ đối đãi với chàng. Có một lần, Hựu Huyền bày tiệc rượu gặp mặt bạn bè, nhưng lại không mời Thù sinh. Đợi đến khi bữa tiệc sắp kết thúc, có người nói với Hựu Huyền rằng: “Thù sinh cùng ở chung phòng với cậu, thường cùng đi tham dự yến tiệc, vậy mà Thù sinh lại không được mời, cậu không cảm thấy như vậy là không nên sao?’.
Hựu Huyền cảm thấy hổ thẹn, liền cho người đi gọi Thù sinh đến. Thù sinh đến nơi, Hựu Huyền lấy một cái ly lớn rót rượu cho Thù sinh, Thù sinh chối từ nói bản thân không thể uống hết được, một mực từ chối.
Không ngờ hành vi của Thù sinh đã chọc giận Hựu Huyền, y liền mắng rằng: “Nhà ngươi chỉ là con dân đầu đường xó chợ, thì phải biết được cái dùi và con dao, cớ sao vượt quá bổn phận mà ở nhà quan? Ta làm bạn với ngươi, nhà ngươi nên cảm thấy vinh hạnh mới phải, cớ sao lại dám khước từ rượu mời của ta?”.
Thù sinh xấu hổ, đành khom người cúi đầu lui ra. Sau khi trở về, chàng liền đóng cửa không tiếp khách, cũng không còn giao thiệp với ai nữa, mấy tháng sau lâm bệnh mà chết.
Năm sau, Trịnh Hựu Huyền bị bãi chức, sống trong chùa ở quận Mông Dương. Trịnh Hựu Huyền xưa nay đam mê đạo Hoàng Lão. Lúc đó có Ngô đạo sĩ nổi tiếng với tài nghệ tu đạo sống ở núi Thục Môn. Hựu Huyền kính ngưỡng Ngô đạo sĩ, đi bái kiến ông, hy vọng được làm đệ tử của Ngô đạo sĩ.
Ngô đạo sĩ nói: “Nếu như cậu đã có lòng kính ngưỡng Thần Tiên, thì hãy ở lại trên núi, chớ nên sống những ngày tháng tạm bợm trong cõi trần tục nữa”.
Hựu Huyền mừng rỡ lạy tạ, nói: “Tiên sinh quả thật là người có Đạo, tôi nguyện được theo hầu ngài, được chứ?”. Đạo sĩ đã đồng ý giữ ông ở lại. Sau 15 năm, chí hướng tu Đạo của Hựu Huyền dần dần sao nhãng đi. Ngô đạo sĩ nói: “Nếu như cậu đã không thể kiên định cái tâm tu đạo, vậy thì sống ở trên núi cũng chẳng có ích gì“. Sau đó, Hựu Huyền cáo biệt mà đi.
Sau này Hựu Huyền đi đến thành Bao, khi ở trong quán trọ, gặp được một đồng tử hơn 10 tuổi, tướng mạo thanh tú. Hựu Huyền và đồng tử nói chuyện, trí huệ và tài biện luận của đồng tử đó thiên biến vạn hóa, Hựu Huyền tự nhận không bằng được.
Đồng tử nói với Hựu Huyền: “Ông cùng tôi vốn là cố nhân, còn nhớ tôi chăng?”. Hựu Huyền nói: “Không nhớ!”.
Đồng tử nói: “Tôi đã từng sinh ra trong nhà họ Lư Khâu, sống ở Trường An, cùng học chung với ông, ông cho rằng tôi bần hàn thấp kém, nói rằng tôi không phải là đồng loại của ông. Về sau, tôi lại làm con cái của nhà họ Thù, cùng ở chung với ông. Ông đã nhận rất nhiều lễ vật của tôi, vậy mà ông chưa từng dùng lễ để đối đãi với tôi, mắng chửi tôi là con dân đầu đường xó chợ. Tại sao ông lại ngạo mạn quá mức đến như vậy?”.
Hựu Huyền nghe vậy thì sửng sốt, liền khom mình bái lạy hai cái rồi nói: “Đây quả thật là lỗi của tôi. Tuy vậy cậu không phải là Thánh nhân, sao lại biết được chuyện ba đời vậy?”.
Đồng tử nói: “Tôi là Thái Thanh Chân Nhân. Ngọc Đế cho rằng ông có khí chất tu Đạo, vậy nên đã đặc biệt sai tôi chuyển sinh nơi cõi người, kết bạn với ông, muốn truyền thụ bí quyết Chân Tiên cho ông, nhưng bởi ông bản tính ngạo mạn, cuối cùng không thể đắc được Đạo này. Ài, thật đáng tiếc quá!”. Dứt lời, bỗng không thấy đồng tử đâu nữa.
Sau khi Hựu Huyền biết được những chuyện này, vô cùng hổ thẹn tự trách chính mình, cuối cùng buồn bã mà chết.
Tiểu Thiện, dịch từ epochtimes.com