Trong Luận Ngữ, Khổng Tử từng viết rằng, người quân tử, trông xa thấy trang nghiêm, đến gần thấy ôn hòa, nghe lời nói thấy trang trọng. Phong thái người quân tử có được, đều là do sự tu dưỡng mà thành, cũng là biểu hiện của cảnh giới.
1. Có cảnh giới, ắt sẽ nhìn được xa
Cảnh giới chính là nằm ở cốt cách và tâm nhìn của con người, cảnh giới càng cao, tầm nhìn sẽ càng xa càng rộng. Cảnh giới cao cũng như đứng ở vị trí cao, tự nhiên sẽ nhìn được xa!
Danh tướng của triều đại nhà Thanh – Niên Canh Nghiêu, dựa vào bình định loạn lạc ở Thanh Hải mà lập được nhiều chiến công hiển hách, làm quan đến chức Tổng đốc Tứ Xuyên, Tổng đốc Xuyên Thiểm, Phủ Viễn đại tướng quân. Nhưng tính cách của ông lại ngang ngược kiêu ngạo, thậm chí còn làm càn ở trước mặt hoàng đế Ung Chính.
Thời điểm Niên Canh Nghiêu ở tại Trấn Thủ Tây An, từng tìm kiếm chiêu mộ nhân tài trong khắp thiên hạ. Khi đó, một người có học thức cao, có tài năng tên là Tưởng Hoành, đã được nhận vào để làm trợ lý cho ông.
Niên Canh Nghiêu vui mừng vì tìm được một người tài hoa như Tưởng Hoành. Có một lần Niên Canh Nghiêu nói với Tưởng Hoành: “Ta sẽ giúp cậu trở thành trạng nguyên”. Nếu người khác nghe được câu này, khẳng định sẽ vui mừng khôn xiết, nhưng Tưởng Hoành lại cảm thấy rằng khẩu khí của Niên Canh Nghiêu quá lớn, là người có thể làm loạn.
Tưởng Hoành nói với một số đồng sự có mối quan hệ tốt với mình rằng: “Niên Canh Nghiêu biết tiến không biết lui, sớm muộn gì cũng bị Hoàng đế nghi kỵ. Niên Canh Nghiêu tương lai ắt gặp đại họa, chúng ta nên tìm cách thoát thân sớm cho kịp”.
Vài người không đồng ý với quan điểm này, khuyên Tưởng Hoành ở lại, vì lúc đó quyền thế của Niên Canh Nghiêu như mặt trời ban trưa, rất nhiều người muốn làm cấp dưới của Niên Canh Nghiêu mà chẳng được.
Tưởng Hoành vẫn không thay đổi ý định của mình, nên đã lấy cớ bị ốm để xin được về nhà. Giữ không được Tưởng Hoành, Niên Canh Nghiêu đưa cho Tưởng Hoành 1000 lượng vàng, nhưng Tưởng Hoành chỉ lấy 100 lượng để cho Niên Canh Nghiêu vui lòng.
Tưởng Hoành trở về nhà không lâu, Niên Canh Nghiêu quả nhiên đắc tội lớn, bị ban cho cái chết, ngoài ra còn có rất nhiều người bị liên lụy.
Niên Canh Nghiêu rất xa xỉ, lấy tiền tặng người khác trên 500 lượng vàng thì mới ghi vào sổ sách. Tưởng Hoành chỉ nhận có 100 lượng vàng từ Niên Canh Nghiêu nên tất nhiên không có tên trong sổ sách, nhờ vậy mà được bình an vô sự.
Cảnh giới của Tưởng Hoành và những đồng sự khác là khác nhau, Tưởng Hoành không cho rằng nhận được lợi ích là hảo sự, chính vì có thể nhìn xa trông rộng mà đã tránh được đại họa.
2. Có độ lượng, ắt sẽ nhìn được rộng
Cổ nhân nói: “Độ lượng như là kho đựng vàng, độ lượng càng lớn thì phúc càng lớn; trời bao dung vạn tượng, đất nâng đỡ vạn vật thế gian”.
Một giọt mực nhỏ vào trong cốc nước trong, cốc nước sẽ lập tức biến sắc, không thể uống nữa; một giọt mực rơi vào biển rộng lớn, thì biển cả vẫn xanh thẳm như trước đó. Tại sao? Bởi vì mức độ rộng lớn khác nhau.
Con người cũng như vậy, người có tấm lòng độ lượng lớn, thì sẽ nhìn được càng rộng, vì thế không bị người khác mạo phạm, bất kính.
Thẩm Lân Sỹ trong thời kỳ Nam Bắc Triều chính là người có tấm lòng rộng lớn. Có một lần, người hàng xóm một mực nói rằng đôi giày trên chân Thẩm Lân Sỹ đang mang chính là giày mà ông ấy đã đánh mất mấy năm trước.
Thẩm Lân Sỹ nói: “Là giày của ông à?“, rồi lập tức cởi ra đưa cho người hàng xóm, còn mình thì đi chân trần. Không lâu sau đó, người hàng xóm phát hiện ra mình đã nhầm, liền đem giày trả lại cho Thẩm Lân Sỹ.
Thẩm Lân Sỹ nói: “Không phải là giày của ông sao?”. Rồi lại mỉm cười nhận lại, xỏ vào chân mình.
Tô Đông Pha hết lời ngợi ca tấm lòng độ lượng của Thẩm Lân Sỹ, nói rằng “xử sự như Thẩm Lân Sỹ”.
Tục ngữ nói: “Trăm người, trăm tính, muôn hình muôn vẻ”, con người luôn có sự khác biệt. Muốn ai cũng đều tốt như vậy là điều không thực tế. Vì thế đầu tiên phải thừa nhận hiện thực này, như thế mới có thể khoan dung người khác.
Làm người đối nhân xử thế, cần phải có tấm lòng độ lượng, có khí độ, khi bị người khác phê bình, hiểu nhầm, hoặc bị người khác mạo phạm, đều cần phải nhìn thật rộng, độ lượng bao dung.
Độ lượng, tầm nhìn rộng, giúp chúng ta có thể tránh được rất nhiều rãnh sâu hố hiểm trên đường đời, sẽ không cầu phúc mà được phúc, không cầu tai qua nạn khỏi mà vô họa.
3. Có sắc bén, ắt sẽ nhìn thông
Tử tưởng cần phải có sự sắc bén, mới có thể nhìn thấy sai lầm và quỷ biện. Khoe khoang tài năng, là bất hảo; không có sự sắc bén, cũng là bất hảo. Sự sắc bén là cần thiết, một người quá tốt bụng lại không biết cách từ chối, cái gì cũng được, thì dễ làm hỏng chuyện.
Hiền lành nhưng không được yếu mềm, lương thiện nhưng không mất cương quyết, tạo sự thuận lợi cho người khác cũng không thể đánh mất lập trường và nguyên tắc của mình. Bản thân sự lương thiện không sai, nhưng nhất định cần phải có sự sắc bén.
Đối với những người lợi dụng sự lương thiện của bạn, để bóc lột bạn, khoan dung với họ thì chính dung túng họ. Sự thiện lương thực sự không phải là hữu cầu mà tất ứng, không phải là một tia suy nghĩ muốn giúp đỡ, không phải là nhân nhượng, mà phải là cơ trí, là phải thích hợp.
Thiện lương nếu như không thể phân biệt và lựa chọn thì chỉ có thể trở thành người yếu nhược, đôi khi phải học được cách bảo vệ chính mình.
4. Có hàm dưỡng, ắt sẽ có thể xem nhẹ
Cổ nhân nói: “Hàm dưỡng công phu thâm hậu, quân tử quý tự kiếm chế”. Biểu hiện chủ yếu của một người có hàm dưỡng là có năng lực tự kiềm chế, có thể khống chế được hành vi và tình cảm của mình, không bị ảnh hưởng bởi nghịch cảnh, trước sự chọc giận, càng không giận cá chém thớt đối với người khác, hoặc làm cho các mối quan hệ xã giao của mình trở lên tệ hơn.
Hàm dưỡng chính là lắng đọng trong trong tâm hồn, cũng là thành quả tu luyện tinh thâm. Chỉ cần mọi thứ đều có thể xem nhẹ, thì mới có thể tự kiềm chế, trở thành một người có hàm dưỡng.
Biết xem nhẹ thì vinh nhục được mất không còn trọng yếu nữa, sẽ hiểu được cách tạo cho mình cũng như người khác một con đường mà cả hai đều có thể dễ dàng bước đi, không rơi vào tình trạng không thể buông tha, để rồi cùng kéo nhau rơi xuống nước.
Xem nhẹ, chính là không cưỡng cầu người khác lý giải mình, không cầu rượu ngon gặp bạn hiền, cũng không vì 5 đấu gạo mà khom lưng. Xem nhẹ, là có cái nên làm, có cái không nên làm, có tránh nhiệm với người, có trách nhiệm với mình, có thể tha thứ cho người khác, cũng có thể tha thứ cho mình.
Cuộc đời là trải qua rồi mới biết, thấu hiểu được thì mới có thể quý trọng, hãy coi chuyện cũ như một cơn say, yêu hận trở thành nước chảy hoa rơi, xem nhẹ tất cả, hết thảy chỉ là mây gió thoảng qua. Bất cứ việc gì, bớt phần phức tạp, thêm một phần hài lòng, thêm một phần vui vẻ, chính là có hàm dưỡng.
Lê Hiếu biên dịch