Vào thời Tây Hán từng xảy ra một vụ án oan ở Đông Hải, quan phủ giết oan một người vợ hiếu thảo. Sau đó, quận Đông Hải phải chịu hạn hán 3 năm. Đến khi quan phủ sửa lại vụ án oan đó, tình trạng hạn hán mới thuyên giảm.
Thời Tây Hán, ở quận Đông Hải có một người vợ rất mực hiếu thảo. Chồng mất sớm, cô cũng không có con cháu nối dõi nhưng vẫn một lòng hiếu thuận với mẹ chồng. Người mẹ thương con dâu còn trẻ nên đã khuyên nàng tái giá, nhưng nàng vẫn một mực không chịu.
Mẹ chồng thường nói với hàng xóm rằng: “Đứa con dâu này của tôi một lòng hiếu thuận, đối xử với tôi rất ân cần. Tôi thương xót nó còn trẻ không có con, lại thủ tiết ở góa. Bây giờ tuổi tôi đã lớn, càng về sau sẽ càng liên lụy đến nó, tôi nên làm thế nào mới được đây?” Không lâu sau người mẹ chồng này đã treo cổ tự sát.
Thế nhưng, con cái của người mẹ đã đến quan phủ báo án, nói rằng chính con dâu đã giết chết mẹ mình. Quan phủ phái nha dịch bắt cô con dâu về. Cô vất vả giải thích, nói rằng bản thân không hề giết mẹ chồng. Nhưng cuối cùng dưới sự bức cung của nha huyện, cô đã bị hàm oan.
Sau khi quan địa phương định án xong, bản án được trình lên quan phủ cấp trên. Khi đó, Vu Công đảm nhiệm thẩm phán huyện, chủ quản tư pháp. Ông vốn là một vị quan xử án công bằng, chính trực, am hiểu luật pháp. Sau khi đọc qua bản án, ông cho rằng người con dâu này có thể phụng dưỡng mẹ chồng hơn 10 năm, hơn nữa còn có tiếng hiếu thảo trong xóm, nhất định không thể nào giết mẹ chồng được.
Vu Công giải thích vụ án này cho Thái Thú, không ngờ Thái Thú lại từ chối nghe. Vu Công tranh luận kịch liệt, khiếu nại đủ cách nhưng cuối cùng vẫn không thể cứu được người vợ. Sau đó, Vu Công thậm chí đã ôm lấy bản án khóc thương ở nhà. Ông biết đây là một vụ oan sai, nhưng chứng kiến người tốt bị giết bản thân lại không có khả năng giúp đỡ, nên đã đau lòng không thôi. Sau đó, ông cũng từ chức làm quan.
Sau khi người vợ hiếu thảo đó chết, quận Đông Hải đã phải hứng chịu ba năm hạn hán, ngũ cốc mất mùa. Sau khi Thái Thú mới nhận chức, ông đã cho người xem bói nguyên nhân vụ hạn hán này. Vu Công lúc đó mới đến nói: “Người vợ hiếu thảo năm xưa không nên bị phán tội chết, Thái Thú tiền nhiệm một mình hành động, cưỡng chế phán quyết, giết oan nàng ta. Nguyên nhân của tai họa này hẳn chính là do chuyện đó?”.
Đọc xong bản án về người vợ hiếu thảo, Thái Thú mới đã quyết định lật lại vụ án giải oan cho cô. Ông phái người chủ trì lễ cúng tế, tự mình đứng trước mộ của cô, giết trâu tế điện và lập bia vị, khen ngợi sự hiếu thảo của cô. Khi buổi lễ cúng tế vừa kết thúc, trên trời bỗng đổ cơn mưa lớn, năm đó ngũ cốc bội thu. Vụ án oan của người vợ hiếu thảo được xét xử lại, tình hình hạn hán cũng theo đó mà được hóa giải, bá tánh trong quận cũng càng kính trọng Vu Công.
Trong kiếp sống làm quan của mình, Vu Công luôn xử án công minh. Cho dù là án lớn hay nhỏ, ông đều thẩm định và kiểm tra thật chi tiết sau đó mới phán quyết. Phàm những vụ án mà ông đã phán quyết, phạm nhân đều tâm phục khẩu phục, chưa từng oán hận ông.
Nỗ lực giải oan cho người vợ hiếu thảo là vụ án khiến người đời sau ấn tượng sâu sắc nhất về Vu Công. Bá tánh biết ơn ông hành pháp công bằng nên sau khi ông mất đã lập miếu thờ ông trong quận.
Hồng Liên