Temari là tên gọi của các quả cầu rực rỡ được trang trí đủ màu, làm từ sợi, len, vải và có tiếng kêu leng keng của chiếc lục lạc nếu bạn khẽ chạm vào chúng.
Temari rất phổ biến ở Nhật và là món quà tượng trưng cho tình yêu, may mắn và hạnh phúc được các bậc phụ huynh dành tặng cho trẻ con nhân dịp năm mới.
Temari có nghĩa là “cuộn len bằng tay”. Một số tài liệu cho rằng khi các tín đồ đạo Phật di chuyển về phía đông, bắt đầu từ Ấn Độ, qua Trung Quốc, Hàn Quốc tới Nhật Bản, họ mang theo không chỉ là niềm tin tôn giáo mà còn có cả những nét văn hóa truyền thống. Ban đầu, nghệ thuật làm Temari rất đơn giản.
Quả cầu có thể được nhồi lông ngựa hoặc bọc da thuộc bao quanh một khung bằng tre rồi bơm khí vào trong và chỉ được dùng làm bóng để đá cho tầng lớp quý tộc. Tại thời điểm đó, các phụ nữ và tiểu thư quý tộc bắt đầu làm Temari bằng sợi và chỉ tơ cao cấp để tạo thành các quả cầu được trang trí lộng lẫy.
Những quả cầu đó được dùng để chơi trò tung hứng, chơi chuyền hay đơn giản là đồ trang trí. Cuối thời Heian (Fujiwara) (năm 898-1185), nó được biết đến như Goten-Mari, một thú vui rất được ưa thích bởi các tiểu thư con nhà quý tộc.
Với những ngón tay điêu luyện và nhanh nhẹn, một cụ già 92 tuổi người Nhật Bản đã tạo ra những quả bóng thêu Temari tuyệt đẹp. Các sản phẩm tuyệt vời này còn khiến nhiều người trầm trồ vì để làm được những quả cầu tình yêu muôn sắc phải là người có một thị lực tốt, kiên nhẫn và có một nhãn quan trang phối màu hài hòa, vậy mà cụ bà mới chỉ biết đến những kỹ năng phức tạp làm Temari lúc đã… 60 tuổi, nhưng tính đến nay, sau 32 năm, bà đã làm ra gần 500 thiết kế độc đáo và tất cả chúng đều được cô cháu gái Nana Akua chụp lại làm kỷ niệm.
Hiện tại bà cụ vẫn tình nguyện dạy những ai thực sự yêu thích Temarri và hướng dẫn để họ có thể tạo ra Temari của riêng mình.
Ngày nay, tại Nhật Bản Temari vẫn được coi là món quà quý mà các bậc phụ huynh tặng cho trẻ con nhân dịp năm mới. Món đồ này được tượng trưng cho tình yêu, may mắn và hạnh phúc bởi sự cầu kỳ và tinh tế trong từng đường chỉ trên quả cầu.
Một số quả cầu ngày nay được cải tiến thêm một quả chuông nhỏ được giấu bên trong lõi tạo tiếng kêu leng keng vui vẻ. Thực tế, theo truyền thống, bên trong quả cầu Temari thường được giấu một mảnh giấy nhỏ với những điều ước may mắn được xếp gọn ở trung tâm quả cầu.
Temari được truyền từ đời này sang đời khác, từ mẹ truyền cho con gái. Dần dần nó được mở rộng ra ở các địa phương khác nhau và trở nên phổ biến hơn ở những nơi mà người ta phát triển nó nhờ những kỹ thuật, và vẻ đẹp riêng, khác với các cách phối màu truyền thống. Ví dụ như các loại Edo-Temari, Kishu-Temari, Matsumoto-Temari, Kaga-Temari…. tùy theo vị trí địa lý và cách thiết kế.
Xã hội phát triển đã khiến con người lãng quên nhiều điều thiêng liêng mang tính truyền thống. Tiếc rằng, những người muốn lưu giữ truyền thống vẫn chỉ là những nghệ nhân lớn tuổi.