Xã hội đang thay đổi “chóng mặt” về tất cả các phương diện, nhu cầu của con người cũng khác hẳn trước kia. Các món quà dành tặng nhau các dịp lễ tết cũng “một trời một vực” so với ngày xưa…
Thời học trò cách đây chừng 15 năm, quà 8/3 hay bất cứ dịp lễ nào, thường là mấy nhành hoa dại, cuốn sổ, cây bút máy có kèm theo hủ mực, chiếc khăn thêu bằng tay hoặc cục “xà bông Việt Nam” thơm nhẹ nhàng, cũng có khi là túi cây trái được hái trong vườn nhà, cây trâm cài tóc…Mọi thứ giản đơn và thiết thực nhưng giàu nghĩa tình.
Do sự phát triển của thị hiếu cũng như hàm ý của quà tặng mà món quà ngày nay có xu hướng trọng hình thức hơn, hàm nghĩa “quà tặng” cũng bị biến tướng. Nghe tiêu đề bài báo: “thị trường chuẩn bị quà tặng cho chị em phụ nữ nhân dịp 8/3 có phần chu đáo, không khí sôi sục…” tự nghĩ phải chăng quà tặng ngày nay nghiêng về giá trị vật chất hơn là ý nghĩa việc tặng quà. Người ta trằn trọc tìm một món quà khác biệt, độc nhất, chỉ mình tôi mới có, tặng như vậy mới không mất mặt.
Thay vì gặp nhau trò chuyện và tặng người khác một món quà, ngày nay người ta đặt Grabike, Goviet để ship quà cho tiện.
Thay vì dành vài giờ buổi tối cả nhà quây quần bên mâm cơm, con cái mời mẹ một bữa ăn gia đình nho nhỏ, bây giờ người ta thường đặt qua mạng, rồi ship thức ăn nhanh cho tiết kiệm.
Vì bận rộn nên thay vì chúc nhau trực tiếp, người ta nhắn messenger để gửi đồng loạt các tin nhắn chúc mừng cho nhanh. Thời đại công nghệ 4.0 mà!
Check-in mạng xã hội vài tấm hình với mẹ, sau đó mỗi người lại quay về với cái smartphone của mình, trông như “gần ngay trước mặt” nhưng tâm tư thì để đâu đó tận chân trời.
Quà tặng nhau nhạt thế sao?
Mỗi dịp lễ chính là một hồi chuông nhắc nhở
Người xưa sống đơn giản nhưng rất hòa hợp với quy luật của vũ trụ: “mặt trời mọc làm việc, mặt trời lặn nghỉ ngơi”, nông dân làm lụng vất vả ngoài đồng ruộng từ sáng sớm cho đến chiều tối. Khi hoàng hôn buông xuống họ dắt trâu về nhà, quay quần với nhau bên mâm cơm, trò chuyện dưới ánh đèn dầu ấm áp.
Người ta kể nhau nghe những câu chuyện cổ tích, gương hiếu thảo, chuyện sống tốt thì được Trời Phật ban phúc lành…Tình người cứ thế được gìn giữ, gia đình hòa thuận, yên ổn, con cái lớn lên có được sự yêu thương, có chiều sâu văn hóa và tâm linh, có sự ước thúc về đạo đức, không làm điều xấu, không hại người khác.
Ngày nay, nhịp sống hối hả khiến chúng ta phải làm việc càng lúc càng nhiều, khối lượng công việc quá tải, nhiều lúc phải tăng ca, làm thêm cuối tuần, cơ thể không có thời gian nghỉ ngơi, thân tâm mệt mỏi, stress, trầm cảm…Người ta thường tìm đến smartphone, nhạc sóng, video hài hước để giải trí, uống bia rượu, hút thuốc lá để giải sầu, tìm sự thư giãn nhanh chóng giữa nhịp đời vội vã. Việc kết nối với con người nhạt dần.
8/3 hay bất cứ dịp lễ nào chính là một hồi chuông nhắc nhở ta quay về sự kết nối giữa người với người, chia sẻ cho nhau những niềm vui nỗi buồn, cùng giúp nhau vượt qua những quan ải khó khăn trong cuộc sống.
Đối với người Nhật, khi tặng quà, họ thường nói “có chút quà mọn tặng ông, bà làm kỷ niệm”, ngụ ý rằng mối quan hệ thâm giao mới là quan trọng, còn quà chỉ là vật kỷ niệm. Khi tặng phải trao quà bằng hai tay và đồng thời người nhận cũng phải đón nhận món quà đó bằng hai tay, điều này thể hiện sự lịch sự trong giao tiếp cũng như thái độ chân thành mà họ dành cho nhau.
Quà đắt tiền hay không, có quà hay không không quan trọng, cái chính là tấm lòng, sự quan tâm và sự kết nối với những người yêu thương.
Chúng ta chính là món quà quan trọng
Có một câu chuyện thế này:
Một nhân viên tại cửa hàng điện thoại di động kể rằng: Ngày nọ, có một ông lão mang chiếc điện thoại di động đến trung tâm bảo hành. Ông nói “nó bị hư rồi”. Nhân viên chăm sóc khách hàng nhận điện thoại để kiểm tra. Ông lão mắt dõi theo vẻ chờ đợi, hy vọng.
Cậu nhân viên kiểm tra kỹ, vẫn bình thường: “Ông ơi, cháu thấy vẫn gọi bình thường, ông thấy chỗ nào không sử dụng được để cháu kiểm tra lại lần nữa ạ?”
“Nó không bị hư à? Sao mấy tuần rồi tôi không nhận được cuộc gọi từ con trai nhỉ?”
Cậu nhân viên giật mình xúc động, và ngay sau đó không lâu cậu cũng rút điện thoại gọi về hỏi thăm bố mẹ ở quê.
Cố nhạc sĩ Trần Lập đã từng nhắc nhở trong bài hát Tâm hồn của đá rằng:
“…Đừng sống giống như hòn đá
giống như hòn đá
Sống không một tình yêu
Sống chỉ biết thân mình
Tâm hồn luôn luôn băng giá
Đừng hóa thân thành đá
Vì tâm hồn đá giá băng…”
8/3 tới rồi, hãy tặng nhau sự có mặt, lời hỏi thăm, quan tâm nhau bắt nguồn từ chính trái tim mình, có thể kèm theo một món quà nho nhỏ. Quà thế nào cũng được, vì có lẽ, món quà lớn nhất không nằm ở giá trị vật chất, mà hơn hết chính là sự có mặt của ta đối với đối phương ngay giờ phút này.
Mai Anh