Phượng Hoàng là một con chim lửa huyền thoại thiêng liêng có thể tìm thấy trong các câu chuyện thần thoại của người Ai Cập, Ả Rập, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã và Trung Quốc, Ấn Độ giáo, người Phê-ni-xi, Trung bộ châu Mỹ, người Mỹ bản địa, v..v..
Thần thoại Ai Cập
Trong thần thoại Ai Cập cổ đại và những huyền thoại bắt nguồn từ nó, Phượng Hoàng là một chim lửa cái linh thiêng với bộ lông đẹp có màu đỏ và vàng. Người ta cho rằng cho có thể sống khoảng 500 hay 1461 năm (tùy thuộc vào nguồn), vào cuối vòng đời Phượng Hoàng xây dựng một cái tổ từ những nhành cây quế sau đó tự đốt cháy mình; cả tổ và chim cháy dữ dội và tan thành tro bụi, từ đống tro bụi đó một con Phượng Hoàng mới, đầy sức sống bay lên.
Con Phượng Hoàng mới này lưu giữ tro cốt của Phượng Hoàng già trong một quả trứng làm bằng nhựa thơm và để nó ở Heliopolis (“thành phố của mặt trời” trong tiếng Hy lạp), nằm ở Ai Cập. Những con chim cũng được cho là sẽ tái sinh khi bị thương do kẻ thù tấn công, như vậy nó gần như là bất tử và bất khả chiến bại, một biểu tượng của lửa và sự thần thánh.
Ban đầu, Phượng Hoàng được người Ai Cập xem là một con cò hay loài chim giống cò được gọi là Bennu, được biết đến từ Sách của Thần Chết và các văn bản khác của Ai Cập, nó là một trong những biểu tượng thiêng liêng được thờ phụng tại Heliopolis, liên kết chặt chẽ với Mặt trời mọc và Thần Mặt trời của Ai Cập là Ra.
Thần thoại Hy Lạp
Người Hy Lạp đã phỏng theo từ Bennu và gán cho phượng hoàng cái nghĩa là màu đỏ tím hay đỏ thẫm. Sau đó họ và người La Mã miêu tả về một con chim giống như công hay đại bàng. Theo người Hy Lạp, chim Phượng Hoàng sống ở Ả Rập bên cạnh một cái giếng. Lúc bình minh, nó tắm trong nước giếng, và thần mặt trời Hy Lạp là Apollo sẽ dừng xe ngựa của mình (cỗ xe Mặt trời) để lắng nghe những bài hát đó.
Nguồn cảm hứng tạo nên Phượng Hoàng Ai Cập được cho là chim Hồng Hạc của Đông Phi. Những tổ chim đặt trực tiếp trên các hồ muối sẽ rất nóng và không thích hợp cho sự tồn tại của trứng hay chim non; thế nên chim mẹ đã làm một gò đất cao và đủ lớn để có thể đặt trứng. Các dòng đối lưu quanh gò giống như sự linh động của ngọn lửa.
Thần thoại Slav
Trong dân gian Slav, chim lửa là một con chim phát ánh sáng kỳ diệu từ một vùng đất xa xôi, vùng đất của phước lành.
Phượng Hoàng được mô tả như một con chim lớn với bộ lông hùng vĩ sáng rực màu đỏ, cam và vàng nhạt, giống như một đống lửa linh động. Lông vũ không ngừng phát sáng nếu bị rơi khỏi thân, và chiếc lông đó có thể thắp sáng một căn phòng lớn. Trong các hình tượng sau đó, chim lửa thường là một con công màu lửa, có mào trên đầu và những lông đuôi với “những đôi mắt” rực sáng.
Chim lửa trong truyện cổ tích thường là đối tượng hướng đến của những nhiệm vụ khó khăn, nhiệm vụ này do một người nào đó thực hiện và thường bắt đầu từ việc kiếm một cái lông đuôi bị mất, lúc đó họ sẽ đi tìm và bắt cho được con chim sống, đôi khi theo ý nguyện của mình, nhưng thường là do yêu cầu của người cha hay đức vua. Chim lửa kỳ diệu với chiếc lông đuôi thu hút các anh hùng, từ đó họ tự đưa mình vào những rắc rối.
Thần thoại Trung Quốc
Trâm cài tóc chim Phượng Hoàng vàng từ triều đại nhà Đường như một vật bảo hộ cho người cài nó, giúp người đó có sự uy nghiêm của Phượng Hoàng, một trong tứ tượng (bốn loài vật linh thiêng của Trung Quốc).
Trong thần thoại Trung Quốc, chúng ta sẽ tìm thấy hình tượng chim Phượng Hoàng. Phượng Hoàng có đầu và mào của một con gà lôi và đuôi của một con công. Nó là hiện thân sức mạnh nguyên thủy của các tầng trời.
Nó là một trong Tứ tượng, gồm Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước (Phượng Hoàng), Huyền Vũ (rắn quấn quanh con rùa). Trong Ngũ hành Chu Tước tượng trưng cho phương Nam, thuộc hành Hỏa.
Khi miêu tả cùng với rồng, vốn là biểu tượng của đế vương, Phượng Hoàng trở thành biểu tượng nữ tính tượng trưng cho hoàng hậu, chúng cùng nhau đại diện cho hai khía cạnh quyền lực của một triều đại.
Thần thoại Nhật
Tại Nhật Bản, cũng giống như ở Trung Quốc, Phượng Hoàng trở thành biểu tượng của Hoàng gia, đặc biệt là Nữ hoàng. Loài chim thần thoại này đại diện cho lửa, Mặt trời, công lý, sự phục tùng, trung thành, và các chòm sao phía Nam.
Thần thoại Hindu
Trong thần thoại Hindu, chúng ta tìm thấy những Garuda. Nó được mô tả là có mỏ, cánh, móng vuốt và đuôi của một con đại bàng, cơ thể và đôi chân của một người đàn ông (đôi khi có bốn cánh tay). Garadu là bán thần, là vật cưỡi của thần Vishnu. Garuda là hiện thân của Mặt trời, và cũng là kẻ thù của loài rắn.
Thần thoại Cơ đốc giáo
Phượng Hoàng là biểu tượng phổ biến trong nghệ thuật Cơ đốc giáo, văn học và các biểu tượng của Cơ đốc giáo, nó là một biểu tượng của Chúa Jesus, đại diện cho sự phục sinh, bất tử và cuộc sống sau khi chết của Chúa Jesus.
Trung Bộ châu Mỹ
Các nền văn hóa Aztec, Maya và Toltec tất cả đều có khái niệm về chim Phượng Hoàng. Nó đại diện cho Mặt trời, phước lành, sự phục sinh và hạnh phúc.