Có câu rằng: “Người đang làm, Trời đang nhìn”, nhất cử nhất niệm của thế nhân đều không thoát khỏi ánh mắt của Thần. Vậy nên mới nói, có thể đắc phúc báo hay chiêu mời họa cũng đều là do tâm tính bản thân tạo nên.
Trong tác phẩm “Cảnh hành lục”, đại thần triều nhà Nguyên, Sử Bật viết: “Bất tự trọng giả thủ nhục, bất tự úy giả chiêu họa; bất tự mãn giả thụ ích, bất tự thị giả bác văn”, nghĩa là người không biết tự trọng thì cuối cùng sẽ rước lấy cái nhục vào thân, người không tự biết sợ thì sẽ chiêu mời tai họa, người không tự mãn sẽ nhận được phúc báo lợi ích, còn người không tự cho mình là hay thì sẽ nghe được nhiều, tri thức được mở rộng thêm.
Chỉ một câu nói ngắn gọn của tác giả chúng ta có thể thấy hai kiểu người sau sẽ dễ dàng chiêu mời được phúc và hai kiểu người trước dễ dàng chiêu mời tai họa.
1. Người không tự trọng cuối cùng tự rước lấy nỗi nhục
Cổ nhân nói, núi bởi vì tự trọng nên không đánh mất đi vẻ oai nghiêm, cao lớn. Nước bởi vì tự trọng nên không mất đi vẻ mạnh mẽ, cuồn cuộn. Con người bởi vì có tự trọng nên mới không mất đi vẻ tôn nghiêm. Một người biết tự trọng mới có thể được người khác tôn trọng mình.
Người tôn trọng nhân cách của bản thân sẽ thận trọng từ lời nói đến việc làm, làm người và làm việc đều tuân thủ phép tắc, tự đặt cho mình ranh giới, không hủy hoại nguyên tắc của bản thân.
Người tự trọng sẽ tự biết khuyết điểm của chính mình, thời thời khắc khắc đều tự xét lại mình, không để bản thân trở thành gánh nặng của người khác.
Tự trọng không phải chỉ là nói miệng mà phải thể hiện ở hành động, việc làm thực tế. Người biết tự trọng sẽ luôn thận trọng, vững vàng và tự lập, làm việc kiên định không ỷ lại dựa dẫm vào người khác.
Nếu một người không có tự trọng, không tự lập, không có nguyên tắc và ranh giới thì dễ dàng bị người khác xem thường, lâu dần sẽ tạo ra sự bất hòa trong các mối quan hệ với mọi người, dễ chiêu mời tổn hại và tai họa. Người không có tự trọng sẽ không được người khác tôn trọng, người mà không được người khác tôn trọng thì thật hổ thẹn vô cùng.
2. Người không biết sợ thì cuối cùng sẽ gặp họa
Cổ nhân cho rằng, một người không có tâm kính sợ là người đáng sợ nhất và người ấy sớm hay muộn nhất định sẽ gặp tai họa.
Người xưa có câu: “Trên đầu ba thước có thần linh”, họ tin rằng “Người đang làm, Trời đang nhìn” nên luôn luôn để ý đến hành vi của bản thân, biết dừng lại trước cái ác. Nhưng người không biết sợ thì sẽ không kiêng nể gì, muốn làm gì liền làm nấy, coi trời bằng vung cuối cùng chỉ có thể nhận kết cục bi thương.
Người mà trong lòng biết sợ thì làm việc sẽ có sự ước thúc ràng buộc, nói chuyện sẽ có chừng mực, làm người tuân thủ quy phạm đạo đức. Người như vậy làm gì cũng biết suy xét, không làm những việc trái lương tâm, không vượt quá phép tắc nên không gặp họa.
3. Người không tự mãn cuối cùng sẽ được lợi
Trên thế gian này, có những người có chút học vấn nhưng đã vội vàng kiêu ngạo, luôn tự cho mình là nhất. Các Giác giả chân chính, càng tu luyện đến cảnh giới tinh thần cao thâm, họ càng nhìn thấy những thiếu sót của bản thân mình, càng thấy mình vô cùng nhỏ bé.
Cổ nhân có câu: “Nhân ngoại hữu nhân, thiên ngoại hữu thiên” (Tạm dịch: Người tài còn có người tài hơn, bên ngoài bầu trời còn có bầu trời khác), đời người là hữu hạn nhưng tri thức, sự hiểu biết là không có giới hạn. Bởi vậy, làm người phải biết lấy “Sự học là vô chừng”, khiêm tốn ham học hỏi, kính nghiệp kính sư.
Trong Kinh Dịch cũng giảng rằng, hết thảy pháp tắc làm người và đạo lý đều là thiên địa âm dương biến hóa. Trong mỗi một quẻ hào đều có hung và cát. Quẻ hung là để cảnh giới con người bỏ ác hành thiện. Quẻ cát là động viên, khuyến khích con người phải mỗi ngày làm một việc thiện khác. Chỉ có quẻ khiêm (khiêm nhường) là mỗi một hào đều là cát tường, may mắn.
Đại thần nhà Thanh, Tăng Quốc Phiên từng nói: “Xưa nay, người trong thiên hạ đều bị thất bại bởi hai chữ, một là ‘lười’ và một là chữ ‘ngạo’!”. Con người giống như vật chứa đựng, chỉ có không tự mãn (cho rằng mình đã đầy) mới có thể hấp thu cái mới, mới có thể không ngừng trưởng thành.
4. Người không tự cho là mình hay mới có hiểu biết uyên bác
Xưa nay, bậc trí giả chân chính luôn có thể nhận thức rõ ràng chính bản thân mình. Họ không tự ti xem nhẹ bản thân, cũng không tự cho mình là hay, là giỏi. Tự tin là việc tốt nhưng quá tự tin lại là việc không tốt. Người tự cho mình là hay thường sẽ tự cao tự đại, cho mình là giỏi nhất, không chịu tiếp thu ý kiến của người khác.
Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử giảng: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh”, ý nói biết người là trí, biết mình là sáng. Người có thể tự nhận thức được chính mình mới có thể không ngừng tiến bộ, không ngừng tiến về phía trước. Ngược lại, người mà luôn cho rằng mình vĩnh viễn là đúng, người khác luôn sai thì trong đối nhân xử thế hay trong làm việc đều sẽ chỉ nhận được sự tổn hại mà thôi.
Theo Trithucvn