Người xưa tin rằng, duyên phận vợ chồng là mối nhân duyên rất thiêng liêng do ông Tơ bà Nguyệt se thành. Câu “vợ chồng kết tóc se tơ” là ý chỉ thể hiện lời thề gắn kết, thủy chung, trước sau như một đến chết mới thôi.
Ý nghĩa câu “Phu thê kết tóc”
Người xưa, bình thường dù là nam hay nữ cũng đều để tóc dài. Con trai đến 20 tuổi phải được làm lễ đội mũ (quán lễ) hay còn gọi là “lễ trưởng thành”, tức nghi thức kéo bộ tóc dài lên cao và búi lại, sau đó đội mũ lên để biểu thị là đã trưởng thành. Vì thế con trai 20 tuổi được gọi là “nhược quán“.
Còn những bé gái khi đến 15 tuổi thì được cử hành “lễ cài trâm” (kê trâm tử lễ). Trong nghi thức này người ta cuộn tóc thành một búi, rồi cài thêm một cái trâm vào, để biểu thị là đã trưởng thành. Vì thế con gái 15 tuổi cũng được gọi là “cập kê”.
Tất cả những nghi thức trên thông thường được gọi chung là “kết tóc”, và sau khi nam nữ đã thông qua nghi thức kết tóc này thì có thể tính đến chuyện kết hôn, lấy vợ, lấy chồng.
Còn câu “phu thê kết tóc” nghĩa là trong nghi thức hôn lễ của người xưa tân lang và tân nương sẽ thực hiện nghi thức gọi là: “Giao ti kết long phượng, lũ thải kết vân hà, nhất thốn đồng tâm lũ, bách niên trường mệnh hoa”, nghĩa là: Tân lang và tân nương sẽ cùng ngồi trên giường, con trai ngồi bên trái, gái ngồi bên phải, mỗi người tự cắt một nhúm tóc của mình. Sau đó dùng sợi tóc dài nhất kết lại bó buộc chặt với nhau, để biểu hiện vợ chồng kết tóc đồng tâm, mãi mãi yêu thương, sống chết có nhau mãi không chia lìa. Luôn yêu thương ân ái tôn trọng lẫn nhau, tin tưởng không nghi ngờ lẫn nhau.
Từ “kết” trong từ “kết tóc” còn bao hàm một ý nghĩa vô cùng huyền diệu, ý nghĩa của từ “kết” là bao hàm ý nghĩa vững chắc, kết hợp, kết giao. Trong đám cưới của người xưa, tân nương không được tự mình tháo búi tóc trên đầu.
Theo ghi chép trong cuốn sách cổ thư: “Nghi lễ Thổ hôn lễ” về hành lễ trong khi kết hôn có đoạn: “Chủ nhân nhập thất, thân thoát phụ chi anh”. Nghĩa là: Chỉ có tân lang mới có thể tháo búi tóc của tân nương, mới có thể bỏ khăn trùm đầu của cô dâu. Do đó, mọi người thường gọi những cặp vợ chồng kết hôn lần đầu tiên sau khi trưởng thành là “phu thê kết tóc” (vợ chồng kết tóc).
Câu chuyện thủ tiết chờ chồng của Đổng thị
Vào thời vua Đường Đại Tông của triều Đường, có một quan viên tên là Giả Trực Ngôn cùng phụ thân bị cách chức vì phạm tội và bị đày đến Lĩnh Nam thuộc tỉnh Quảng Đông Trung Quốc. Trước khi rời đi, Giả Trực Ngôn lo lắng đến từ biệt người vợ trẻ là Đổng Thị. Ông vừa nhìn vợ vừa nói:
“Lần này ta đi chưa biết sống chết thế nào. Con đường phía trước rất nguy hiểm. Ta sợ chúng ta sẽ không thể gặp lại nhau. Nàng vẫn còn trẻ. Sau khi ta đi, nàng có thể tái hôn và không cần phải lo lắng về ta”.
Đổng thị nghe xong không trả lời phu quân mà thay vào đó bà lấy một sợi dây buộc tóc lại và quấn tóc bằng một mảnh vải. Bà yêu cầu chồng viết tên của ông là Giả Trực Ngôn lên tấm vải. Sau đó, bà nói với chồng:
“Chỉ có chàng mới có thể tháo sợi dây này. Nếu chàng không trở về, dù có chết thiếp cũng sẽ không cởi dây ra”.
Sau đó, Giả Trực Ngôn rời đi và chịu lưu đày ở Lĩnh Nam trong 20 năm.
Mãi đến khi Đường Đức Tông lên ngôi rồi cho đại xá thiên hạ, Giả Trực Ngôn cũng nằm trong số những tù nhân được ân xá và ông có thể trở về kinh thành.
Trực Ngôn mừng rỡ nhanh chóng trở về quê nhà. Nhưng khi vừa về đến nhà, ông đã bất ngờ khi thấy tấm vải viết tên mình vẫn còn quấn nguyên trên đầu Đổng thị. Trực Ngôn đã rất cảm động và đích thân tháo sợi dây buộc tấm vải ra để vợ gội đầu. Nhưng khi tấm vải được mở ra thì tóc của Đổng thị đã không còn được như trước nữa, trông giống như đống cỏ khô và lúc gội đầu thì mái tóc của bà bị rụng sạch sẽ.
Giả Trực Ngôn sau này được thăng chức làm Gián nghị đại phu. Ông là người cương trực, thanh liêm, trượng nghĩa, triều đình hết lời tán thán. Câu chuyện của phu thê Giả Trực Ngôn – Đổng thị sau đó đã trở thành giai thoại lưu truyền ngàn năm, hậu thế về sau đều lấy hình ảnh Đổng thị buộc tóc để chỉ chí khí thủ tiết chờ chồng của người phụ nữ.
Bởi vậy Tô Võ thời Hán từng có câu thơ: “Kết phát vi phu thê, ân ái lưỡng bất nghi”, nghĩa là vợ chồng kết tóc, hai bên không nghi ngờ nhau. Trần Mộng Lôi thời nhà Thanh có viết trong bài thơ Thanh thanh hà bạn thảo như sau: “Kết phát dữ quân tri, tương yếu dĩ chung lão”, nghĩa là sau khi vợ chồng kết tóc se tơ sẽ cùng nhau vĩnh kết đồng tâm sống đến bạc đầu.
Những câu thơ ấy thật cảm động! Tuy nhiên xã hội ngày nay khi đạo đức đã xuống dốc, tin ly hôn nhiều vô kể. Liệu có bao nhiêu người có thể thật sự hiểu được nội hàm của câu phu thê kết tóc, và có thể làm được “Bạch đầu bất tương ly” (bạc đầu cũng chẳng rời xa)?
Thiên Hoa (Theo Vision Times)