Từ thời xa xưa, ngôn ngữ Việt Nam đã rất đa dạng, phong phú. Nhất là những từ ngữ cổ bởi chúng có thể diễn tả sâu sắc nội tâm của con người, diễn tả chi tiết về sự vật, hiện tượng…. Cho đến ngày nay, chúng vẫn tồn tại nhưng lại thường bị mất nghĩa hoặc bị hiểu sai.
Dưới đây là một số từ cổ tưởng chừng vô nghĩa nhưng lại có ý nghĩa rất bất ngờ và thú vị.
Thắc mắc
Từ ghép, trong đó:
– Thắc, chữ Nôm viết 忑, nghĩa là lo lắng, bồn chồn.
– Mắc, chữ Nôm viết 黓, nghĩa là điều khó hiểu, sự còn chưa thông.
‘Thắc mắc’ tựu trung lại có nghĩa là bồn chồn, không thoải mái về điều gì đó mình chưa rõ ràng và muốn tìm hiểu cho tường gốc ngọn.
Nhiễu nhương
Từ ghép gốc Hán, chữ Hán viết 擾攘, giản thể viết 扰攘, đọc là /rǎorǎng/, trong đó:
– Nhiễu nghĩa là làm phiền, quấy rầy, làm loạn, chính vì vậy mà chúng ta thường hay nói ‘phiền nhiễu’;
– Nhương, chữ này có ba âm – nhương, nhưỡng và nhượng. Trong từ 擾攘 thì 攘 đọc đúng phải là ‘nhưỡng’ (nhưng mọi người thường quen đọc là nhương), có nghĩa là rối loạn.
‘Nhiễu nhương’ là từ ghép nghĩa là hỗn loạn, xáo trộn, quấy rối.
Bán chác
Trong một từ điển giảng ‘bán chác’ là khẩu ngữ chỉ việc bán hàng hoá nói chung và có ngụ ý coi thường, xem nhẹ.
Cách giảng này cũng đúng với cách dùng của nhiều người. Tuy nhiên, thực chất ‘bán chác’ không chỉ có nghĩa là ‘bán’. Cụ thể:
– Bán là đổi vật mà lấy tiền (có thể lấy thứ khác tùy thỏa thuận);
– Chác là mua, chịu lấy, đa mang.
‘Bán chác’ thật ra là hoạt động mua bán nói chung. Và chữ ‘Chác’ cũng có nghĩa chứ không chỉ là tiếng đôi đi kèm với ‘bán’ để chỉ chuyện bán hàng hóa gì đó chung chung. Ngoài ‘bán chác’, ta còn thấy ‘chác’ đi với các từ khác như ‘đổi chác’, ‘kiếm chác’.
Tảo tần
Từ ghép, chữ Hán viết là 藻蘋, giản thể viết 藻苹, phiên âm là /zǎopín/, trong đó:
– Tảo là một loại cỏ nước, cũng kêu là rong hay rau tảo;
– Tần cũng là một loại cỏ nước, còn kêu là rau tần.
Người xưa dùng rau tảo rau tần để hiến tế, để cúng gia tiên. Ngoài ‘tảo tần’ ta còn dùng là ‘tần tảo’. Từ này dần dần dùng để chỉ đức hy sinh của người phụ nữ, vì việc kiếm rau tảo rau tần thường do phụ nữ làm.
Phiền phức
Từ ghép, chữ Hán viết là 煩複 phiên âm là /fánfù/, trong đó:
– Phiền là rườm rà, lôi thôi, rắc rối;
– Phức là nhiều tầng, nhiều lớp, phàm sự việc, sự vật gì nhiều lần chồng chất thì gọi là phức, áo nhiều lớp (áo kép) cũng gọi là phức.
‘Phiền phức’ là việc gì rắc rối lôi thôi, nhiều tầng nhiều lớp, không đơn giản, không gọn gàng dứt khoát.
Dạt dào
Từ ghép chữ Nôm. Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giảng:
– Dạt là dan ra (dàn ra), để nới ra, không cho giụm lại (tức không cho chụm lại, túm tụm lại);
– Dào là đổ xuống như nước mưa.
Theo Đại Nam Quốc âm tự vị thì ‘mưa dào’ nghĩa là mưa xuống nhiều. Huỳnh
Tịnh Của chú chữ ‘dạt’ chữ Nôm viết là ?, cách viết này thống nhất với từ điển Hán Nôm.
Tuy nhiên, chữ ‘dào’ Huỳnh Tịnh Của chọn chữ ?. Cái chữ ? này trong từ điển viện Hán Nôm ghi là ‘rào’. Còn chữ ‘dào’ trong ‘dạt dào’ thì từ điển này có mấy cách viết khác nữa.
Có lẽ ‘dào’ và ‘rào’ là hai hình thức liên quan nhau, như cũng có người nói ‘dạt dào’ là ‘rạt rào’. Và chữ ‘dào’ này cũng là chữ ‘dào’ trong ‘dồi dào’.
Ve vãn
Từ ghép, trong đó:
– Ve là trêu chọc;
– Vãn là lôi kéo.
Trêu chọc, ghẹo chọc, thường xuyên tới lui hòng lôi kéo sự chú ý khiến cho con gái người ta xiêu lòng thì gọi là ‘ve vãn’.
Người Việt hay dùng ‘lời ong tiếng ve’ (hoặc ‘điều ong tiếng ve’) khi muốn chê bai người hay thêu dệt bịa chuyện, hoặc để chỉ việc con trai buông lời tán tỉnh con gái.
Vũ Tuấn (sưu tầm)