Tinh Hoa

“Photoshop” được dùng từ cách đây 150 năm

Nếu chỉ xét về khả năng cắt/ghép/xóa ảnh thì “Photoshop” được dùng từ những năm 1860, tức là cách đây hơn 150 năm.




Sau đây xin giới thiệu những tấm hình “photoshop” cổ nhất từng được ghi nhận.

1860: Bức ảnh “photoshop” cổ nhất từng được ghi nhận là vào khoảng những năm 1860, chụp bức chân dung của Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln (bên trái). Ảnh bên phải là một chính trị gia ở miền Nam có tên John Calhoun.

1864: Bức ảnh bên trái được cho là ảnh vị tướng Ulysses S. Grant cùng đội quân của mình tại thị trấn City Point, bang Virginia trong thời kỳ Nội chiến Mỹ. Bức ảnh được in vào khoảng năm 1864 nhưng người ta lại phát hiện đó là một bức ảnh được ghép khá tinh vi từ 3 bức ảnh khác (bên phải).

Phần đầu được lấy từ ảnh của tướng Grant, phần thân người và con ngựa được lấy từ ảnh của Thiếu tướng Alexander M. McCook, còn hình nền là cảnh các tù nhân liên bang bị bắt giữ trong trận chiến Fisher’s Hill ở bang Virginia.

1865: Cố nhiếp ảnh gia lừng danh Mathew Brady (1822 – 1896) đã thêm hình vị tướng Francis P. Blair (ngồi ngoài cùng bên phải) vào một bức ảnh của các vị tướng khác. Ảnh phải chính là ảnh gốc, khi đó tướng Blair đã không có mặt. Bức ảnh được in vào khoảng năm 1865.

1939: Năm 1939, bức ảnh chụp giữa Nữ hoàng Elizabeth, Thủ tướng Canada William Lyon Mackenzie King và Vua của Anh Quốc, ngài George VI cũng đã được chỉnh sửa. Ông vua của Anh quốc đã bị xóa khỏi tấm ảnh theo ý muốn của Thủ tướng Canada với lý do mà nhiều người cho rằng đó là vì Thủ tướng muốn trong tấm ảnh chỉ có hình ông và Nữ hoàng.

1960: Nhiều gương mặt của các cầu thủ khúc côn cầu hạ gục đội tuyển Liên Xô đã được ghép vào ảnh chiến thắng của cả đội sau khi giành Huy chương vàng đầu tiên trong kỳ Olympic năm đó.

Những người được ghép gồm có Bill Cleary (dãy trước, thứ 3 từ trái qua), Bob Cleary (dãy giữa, ngoài cùng bên trái) và John Mayasich (dãy sau, ngoài cùng bên trái). Gương mặt của 3 cầu thủ này đã được ghép vào thân của các cầu thủ Bob Dupuis, Larry Alm và Herb Brooks.

Hải Phong (Theo fourandsix)