Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Trong quá khứ, rất nhiều lần chỉ một trận gió lớn cũng có thể thay đổi toàn bộ cục diện chính trị, đưa tiến trình lịch sử rẽ sang trang…
Tháng 12 năm Kiến An thứ 13, trong trận chiến giữa liên quân Tôn Quyền – Lưu Bị với 5 vạn quân và đại quân của Tào Tháo với 83 vạn nhân mã, một trận gió đông nam ngay giữa tiết trời rét đậm đã thiêu rụi chiến thuyền của Tào Tháo. Trận quyết chiến vốn không cân sức này đã mang lại thắng lợi cho liên quân Tôn – Lưu, đặt định ra cục diện Tam quốc chia ba thiên hạ sau này. Nhưng sự việc như vậy có phải là trường hợp cá biệt duy nhất hay không?
Một trận gió lớn thay đổi cục diện chính trị đã nhiều lần phát sinh trong lịch sử. Sử sách ghi chép rất nhiều trường hợp như vậy. Chúng ta hãy kể thêm một ví dụ tương tự xảy ra vào năm thứ hai thời nhà Hán, trong trận Hán Sở khi Lưu Bang và Hạng Vũ tranh giành thiên hạ. Trận chiến này diễn ra ở Bành Thành, chính là thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô ngày nay. Bành Thành vốn là đô thành của Hạng Vũ, khi Hạng Vũ đi đánh dẹp các phiến quân khác, Lưu Bang đã thừa cơ dẫn theo liên quân các chư hầu tiến đánh Bành Thành.
Khi đó, quân đội của Lưu Bang tổng cộng là 56 vạn, còn Hạng Vũ chỉ có 3 vạn. Hạng Vũ nghe nói Bành Thành bị tập kích nên đã tập tức rút quân về tác chiến với liên quân của các chư hầu. Chúng ta biết Hạng Vũ đánh trận lợi hại vô cùng, cho đến trước khi tự sát ở Ô Giang ông chưa từng bại trận bao giờ. Chỉ cần Hạng Vũ xuất binh thì nhất định sẽ thắng. Tuy đánh đâu thắng đó, nhưng lực lượng quân đội của Hạng Vũ cũng ngày càng yếu đi, bởi ông ta quá mê tín vào bạo lực – sau này nếu có cơ hội chúng ta sẽ bàn luận thêm về điểm này.
Đó là lần đầu Hạng Vũ tác chiến với Lưu Bang. Mặc dù ông chỉ có 3 vạn quân trong khi Lưu Bang có đến 56 vạn, nhưng ngay trong trận đầu tiên Hạng Vũ đã tiêu diệt mười mấy vạn quân của đối phương, đến trận thứ hai lại triệt hạ thêm mười mấy vạn quân nữa. Về sau, Hạng Vũ liền ép sát đến Bành Thành quyết chiến. Quân đội của Lưu Bang mắt thấy sắp bị tiêu diệt sạch hết rồi, chi viện cũng chẳng thể cứu vãn, nên ai nấy đều run sợ vô cùng. Hạng Vũ anh dũng như vậy, muốn bắt Lưu Bang quả thật dễ như lấy đồ trong lòng bàn tay.
Chính ngay lúc nghìn cân treo sợi tóc này thì bỗng nhiên nổi lên một trận gió lớn mang ý nghĩa quyết định. Sử ký – Hạng Vũ bản kỷ chép:
“Vu thị đại phong tòng tây bắc nhi khởi, chiết mộc phát ốc, dương sa thạch, yểu minh trú hối, phùng nghênh sở quân, sở quân đại loạn, phôi tán, nhi hán vương nãi đắc dữ sổ thập kỵ độn khứ“.
Đại ý là, ngay lúc đó một trận gió lớn đột nhiên nổi lên khiến cho trời đất tối sầm, ban ngày giống hệt như ban đêm, đáng lưu ý là trận gió này lại nhắm về phía quân đội của Hạng Vũ mà thổi. Trận gió quá lớn khiến cho binh lính của Hạng Vũ không sao mở mắt được. Thế là, Hán Vương liền dẫn theo mấy mươi binh sĩ thừa cơ tẩu thoát. Lưu Bang trốn thoát được nên mới có thể khai sáng ra 400 năm giang sơn nhà Hán sau này. Nếu khi đó Hạng Vũ tóm gọn được Lưu Bang, lịch sử có thể đã rẽ sang một chiều hướng khác.
Câu chuyện gió lớn thứ ba diễn ra vào cuối triều Nguyên đầu triều Minh. Lịch sử gọi trận chiến này là “đại chiến hồ Phàn Dương” – giữa Chu Nguyên Chương và Trần Hữu Lượng.
Như chúng ta đã biết, vào triều Nguyên người Mông Cổ thống trị thiên hạ. Cuối triều Nguyên rất nhiều nông dân đã đứng lên tạo phản, gọi là thời kỳ “loạn thế anh hùng khởi tứ phương”. Họ biết rất rõ rằng giang sơn của người Mông Cổ đã không được nữa rồi, trong các nhóm tạo phản kẻ nào giành được thắng lợi sau cùng thì kẻ đó chính là hoàng đế tương lai. Vậy nên thay vì giao chiến với quân đội của triều đình, các đội quân tạo phản lại quay sang triệt hạ lẫn nhau. Các nhóm nông dân nổi dậy gồm có: Trần Hữu Lượng, Trương Sĩ Thành, Phương Quốc Trân, Lưu Phúc Thông, Hàn Sơn Đồng, Chu Nguyên Chương, v.v. Trong đó, thế lực lớn nhất chính là Trần Hữu Lượng.
Trần Hữu Lượng lúc bấy giờ đã chiếm giữ được ba tỉnh là Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây. Nơi thống trị của Chu Nguyên Chương là thành phố Nam Kinh của tỉnh Giang Tô hiện nay. Còn nơi thống trị của Trương Sĩ Thành thì ở Tô Châu. Đây là ba nhóm quân nông dân khởi nghĩa lớn nhất. Vào năm thứ 20 niên hiệu Chí Chính triều Nguyên (năm 1360), giữa Chu Nguyên Chương và Trần Hữu Lượng đã diễn ra một trận chiến. Quân đội của Chu Nguyên Chương kỳ thật rất hạn chế, nhưng nhờ một số mưu kế mà cuối cùng ông đã đánh bại được Trần Hữu Lượng.
Năm 1363, giữa Chu Nguyên Chương và Trần Hữu Lượng diễn ra một trận quyết chiến tại hồ Bà Dương. Trước trận đại chiến hồ Bà Dương, Trần Hữu Lượng có tướng phòng thủ tên là Hồ Đình Thụy trấn giữ Hồng Đô (ngày nay là thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây). Nhưng khi nhận được tin Hồ Đình Thụy bị Chu Nguyên Chương xách động, Trần Hữu Lượng rất tức giận, giống như quê nhà của mình bị người ta san bằng mất vậy, vậy nên ông ta đã dẫn theo 60 vạn đại quân tấn công Hồng Đô. Chu Nguyên Chương cử cháu ruột của mình là Chu Văn Chính đi trấn giữ thành trì. Hai bên giằng co ở Hồng Đô, 60 vạn đại quân của Trần Hữu Lượng tấn công một tòa thành trơ trọi ròng rã suốt 3 tháng mà vẫn không cách nào đánh hạ được. Tất nhiên Hồng Đô cũng nguy cơ tứ bề, mặc dù lúc này Chu Nguyên Chương đã dốc hết toàn bộ binh lực. Nói là “toàn bộ binh lực”, nhưng chẳng qua chỉ là mười mấy vạn quân sĩ đến cứu viện Nam Xương.
Trần Hữu Lượng hay tin kẻ đối đầu đã đến, bèn tập kết toàn bộ quân đội lại, bỏ qua việc tấn công Hồng Đô mà muốn quyết một trận sống mái với Chu Nguyên Chương. Quân đội của Trần Hữu Lượng từ Nam Xương dọc theo hồ Bà Dương đi về phía bắc, hai bên đã đụng mặt nhau. Con thuyền của Trần Hữu Lượng vừa cao vừa lớn, khiến Chu Nguyên Chương vừa nhìn thấy đã không khỏi giật mình kinh sợ. Quyển đầu tiên trong Minh sử viết: “Trần Hữu Lượng lệnh cho 60 vạn đại quân, liên kết với các thuyền lớn thành mặt trận, tầng lầu cao hơn chục trượng, xếp thành hàng ngang dài tới mười mấy dặm, cờ xí giáo thuẫn từ xa nhìn vào không khác chi ngọn núi”. Thuyền lớn đó của ông ta cao mười mấy trượng, nhìn sừng sững như ngọn núi vậy. Còn thủy quân của Chu Nguyên Chương chỉ gồm một số thuyền nhỏ. Chẳng cần đánh trận, Trần Hữu Lượng chỉ cần dùng thuyền đâm thẳng vào cũng có thể nhấn chìm hết toàn bộ tàu thuyền của Chu Nguyên Chương.
Đây là trận chiến quyết định vận mệnh tương lai giữa Chu Nguyên Chương và Trần Hữu Lượng: người chiến thắng sẽ được cả thiên hạ, kẻ bại trận sẽ chẳng còn lại gì. Bởi vậy hai người đều đã đem toàn bộ “vốn liếng” đổ vào trận chiến này: Trần Hữu Lượng 60 vạn đại quân, Chu Nguyên Chương mười mấy vạn quân, hơn nữa vũ khí của Chu Nguyên Chương rất yếu thế.
Khi hai bên giao chiến trong ba ngày đầu, Chu Nguyên Chương đã không chiếm được lợi thế. Hơn nữa ngay trong ngày đầu tiên, Chu Nguyên Chương suýt chút nữa chết trong tay một viên dũng tướng của Trần Hữu Lượng tên là Trương Định Biên. Đến ngày thứ ba, Chu Nguyên Chương tổn thất vô cùng to lớn. Đương nhiên phía bên Trần Hữu Lượng cũng thiệt hại không ít quân sĩ, nhưng vấn đề chính là ở chỗ Chu Nguyên Chương đã không còn “vốn liếng” nữa, hàng vạn quân sĩ bị thương, quân sĩ chết trận thì lên đến tám nghìn. Đối phương có tới 60 vạn đại quân, trong khi Chu Nguyên Chương chỉ có mười mấy vạn, dù có anh dũng chiến đấu đến quân sĩ cuối cùng thì cũng không thể tiêu diệt hết toàn bộ quân đội của đối phương được. Đến ngày thứ tư, Chu Nguyên Chương sắp không cầm cự thêm được nữa, dưới trướng ông ta có một viên tướng tên Quách Hưng nói với Chu Nguyên Chương rằng: Thực lực của hai bên quả thật chênh lệch quá lớn, khả năng duy nhất giúp chúng ta giành được phần thắng, thiết nghĩ duy chỉ có dùng hỏa công thiêu rụi chiến thuyền của Trần Hữu Lượng mà thôi.
Chu Nguyên Chương nhận thấy chủ ý này rất hay, bèn lập tức chuẩn bị một số thuyền nhỏ, bên trong chất đầy dầu và lau sậy. Nhưng ông cũng gặp phải khó khăn giống như Chu Du vậy, đó là không có gió. Nếu như gió không thổi về phía Trần Hữu Lượng, thì quân Chu Nguyên Chương chỉ có thể liều mạng. Khi đó hai bên đánh nhau rất kịch liệt. Binh lính của Chu Nguyên Chương tiến đánh thuyền của Trần Hữu Lượng giống hệt như leo lên tường thành vậy, gọi là “ngưỡng công”, cách này khá là bất lợi. Trong Minh sử chép rằng “các tướng sắc mặt đều lộ vẻ sợ hãi”, mọi người đều run sợ. Chu Nguyên Chương đích thân cầm bảo kiếm đứng ở đầu thuyền đôn đốc tác chiến, chính tay ông đã giết chết rất nhiều người. Ông ra lệnh cho tướng sĩ của mình xông lên phía trước, phàm những ai rụt rè không chịu tiến lên liền bị giết chết, tổng cộng ông đã giết hơn mười mấy người. Lúc này nếu không có gió thì Chu Nguyên Chương coi như bại trận.
Nhưng cũng chính ngay lúc này, theo ghi chép trong Minh sử là giờ Thân, tức từ 3-5 giờ chiều, đột nhiên gió lớn nổi lên, hơn nữa cơn gió này lại hướng về phía đội quân của Trần Hữu Lượng mà thổi. Chu Nguyên Chương vừa trông thấy liền biết đây là dịp tốt nghìn năm khó gặp, liền thừa gió phóng hỏa. Khi đó, Trần Hữu Lượng đã mắc phải một sai lầm lớn y chang Tào Tháo vậy: ông ta cũng dùng xích sắt nối tất cả các chiến thuyền của mình lại với nhau. Vậy nên chỉ một mồi lửa của Chu Nguyên Chương đã khiến Trần Hữu Lượng tổn thất mười mấy vạn quân. Trong trận chiến này, Chu Nguyên Chương giành được thắng lợi gần như mang tính quyết định.
Tuy Trần Hữu Lượng đã tổn thất mười mấy vạn quân sĩ, nhưng ông ta vẫn còn “vốn liếng”. Buổi tối hôm đó, Trần Hữu Lượng nói với tướng sĩ rằng ta còn một biện pháp có thể giải quyết Chu Nguyên Chương. Ông nói: “Ta chú ý thấy rằng, trong số tất cả chiến thuyền của Chu Nguyên Chương duy chỉ có thuyền chỉ huy của ông ta là cột buồm màu trắng”. Quý vị biết đấy, thuyền chỉ huy thì cần có ký hiệu riêng biệt với những chiếc thuyền còn lại. Trần Hữu Lượng nói rằng Chu Nguyên Chương sẽ ở trên chiếc thuyền có cột buồm màu trắng, vậy nên nếu ngày mai chúng ta không thể tiêu diệt đội quân của Chu Nguyên Chương, thì hãy tập trung tất cả binh lực đi tấn công con thuyền có cột buồm màu trắng đó. Và ông ta đã bố trí xong xuôi đâu vào đấy.
Buổi tối hôm đó Chu Nguyên Chương cũng mở cuộc họp, ông nói: “Ta muốn nói với các ông chuyện này, tối nay nhất định cần phải làm cho xong. Chuyện gì? Tất cả các cột buồm trên thuyền của chúng ta, toàn bộ hãy quét thành màu trắng”.
Ngày hôm sau trong lúc đánh trận, Trần Hữu Lượng vừa trông thấy tất cả các cột buồm bên phía Chu Nguyên chương đều là màu trắng thì không biết đâu mà lần nữa, ý chí chiến đấu của quân đội cũng suy sụp. Trận quyết chiến lần thứ hai này Trần Hữu Lượng lại thất bại. Sau một tháng hai bên giằng co nhau, đội quân của Trần Hữu Lượng cũng hết lương thực. Mặt khác, bởi con người Trần Hữu Lượng vốn bạo ngược, nên binh tướng dưới trướng ông ta cũng lần lượt bỏ trốn. Cuối cùng vì không thể cùng Chu Nguyên Chương giao chiến thêm nữa, Trần Hữu Lượng quyết định đột phá vòng vây. Vậy kết quả sẽ ra sao?
Chúng ta biết hồ Bà Dương trông giống như cái túi vậy, phía nam thì rộng, phía bắc thì hẹp. Chu Nguyên Chương đã cho bố trí thuyền chiến chặn hết toàn bộ lối ra của hồ. Vậy nên khi Trần Hữu Lượng phá vòng vây thì gặp phải phòng tuyến của Chu Nguyên Chương. Trong lúc đánh nhau, một mũi tên lạc đã bắn trúng đầu Trần Hữu Lượng. Nhân vật kiêu hùng một đời đã ra đi như vậy đó. Mũi tên này rốt cuộc là ai bắn? Đó là bí ẩn không ai biết được, trong Minh sử cũng không hề ghi chép.
Trận đại chiến này đã hoàn toàn phá tan tập đoàn quân sự của Trần Hữu Lượng, cũng đặt định nền tảng cho Chu Nguyên Chương trở thành hoàng đế khai quốc triều Minh. Khi đó, nếu trận gió lớn đến muộn hơn một canh giờ, thì e rằng Chu Nguyên Chương cũng không thể cầm cự được thêm nữa.
Nói đến đây, tôi thuận tiện bàn một chút về các cách xưng hô của hoàng đế trong quá khứ. Khi đọc sử sách, ta sẽ thấy cách xưng hô của hoàng đế khá là phức tạp. Quá khứ hoàng đế có ba cách xưng hô: miếu hiệu, thụy hiệu, niên hiệu.
Trước tiên nói về “miếu hiệu”: Rất nhiều hoàng đế sau khi băng hà cần có bài vị đặt trong tông miếu. Trong tông miếu cần đặt cho ông ta một cái tên, tên này chính là miếu hiệu. Miếu hiệu thông thường đều là gì gì đó “Tổ”, gì gì đó “Tông”. Giảng một cách chung chung, vị hoàng đế kiến công thì gọi là Tổ, hoàng đế kiến đức thì gọi là Tông. Chính là ông ta đã lập được công lao rất to lớn cho đất nước này thì sẽ gọi là gì gì đó “Tổ”, ví như Thái Tổ chính là chỉ hoàng đế khai quốc. Thế còn kiến đức sẽ được xưng là Tông. Như vậy hễ khi chúng ta nghe thấy gì gì đó “Tổ”, gì gì đó “Tông”, thì đó là thuộc về miếu hiệu, tức cách xưng hô trong tông miếu.
Một cách xưng hô khác nữa là xưng bằng “thụy hiệu”. Thụy hiệu chính là sau khi hoàng đế băng hà thì cần phải làm tổng kết đối với hành vi của cả một đời ông ta. Kết quả của sự tổng kết này chính là thụy hiệu. Ví như nói Hán Vũ đế, chữ “Vũ” này chính là thụy hiệu, bởi ông ta đã mở mang bờ cõi, giúp cho lãnh thổ của triều Hán được mở rộng rất nhiều, vậy nên gọi là “Vũ đế”. Như vậy xưng hiệu đầy đủ của Hán Vũ đế trên thực tế phải là “Thế tông Hiếu Vũ hoàng đế”. Thế tông là miếu hiệu của ông ta, Hiếu Vũ là thụy hiệu của ông ta. Xưng hô của hoàng đế trước triều đại nhà Đường thông thường đều gọi bằng thụy hiệu. Phàm là khi mọi người nghe thấy gì gì đó “Đế”, đây chính là thụy hiệu, ví như Hán Vũ đế, Ngụy Vũ đế, Ngụy Văn đế, Tùy Dạng đế, Hán Tuyên đế… toàn bộ chúng đều là thụy hiệu. Còn như mọi người nghe thấy gì gì đó “Tổ”, gì gì đó “Tông”, thì đây chính là thuộc về miếu hiệu.
Đến thời Đường, người ta thường dùng miếu hiệu để gọi tên hoàng đế, ví như nói Đường Cao Tổ, Đường Thái Tông, Đường Huyền Tông, Tống Thái Tổ, Tống Nhân Tông, v.v.
Còn về “niên hiệu”? Trung Quốc kể từ thời Hán Vũ đế đã bắt đầu lưu lại một truyền thống, chính là mỗi một vị hoàng đế lúc đăng cơ thì cần phải thay đổi niên hiệu. Ông ta cần phải đặt ra một niên hiệu. Niên hiệu đầu tiên của Trung Quốc là Hán Vũ Đế đặt, gọi là Kiến Nguyên. Có hoàng đế có rất nhiều niên hiệu Ví như Đường Huyền tông có hai niên hiệu, một là Khai Nguyên, hai là Thiên Bảo. Đó đều là niên hiệu khác nhau, chính là từ đó mà tính xem ông ta đã làm hoàng đế được bao nhiêu năm.
Trước triều đại Minh, hoàng đế có thể có rất nhiều niên hiệu, nhưng đến giữa sau thời nhà Minh, đặt biệt là triều Thanh, trên cơ bản một hoàng đế chỉ có một niên hiệu. Một khi lên ngôi và chọn niên hiệu thì niên hiệu này không còn thay đổi nữa. Vậy nên nói từ sau triều đại Minh – Thanh, cách xưng hô của hoàng đế thường dùng niên hiệu. Ví như Khang Hy hoàng đế, thì “Khang Hy” là niên hiệu. Chúng ta vẫn thường nghe nói năm đầu thời Khang Hy, năm thứ hai thời Khang Hy, mãi cho đến năm bao nhiêu thời Khang Hy. Như vậy, đến thời Minh – Thanh là dùng niên hiệu để xưng hô hoàng đế.
(Còn tiếp)
(Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng được đăng tải trên NTDTV)
Theo ĐKN