Tinh Hoa

Phát lộ khu tháp Chăm ngàn tuổi dưới lòng đất

Một khu tháp Chăm được các nhà khảo cổ học phát hiện dưới lòng đất còn nguyên vẹn tại địa bàn thuộc tổ 3, làng Phong Lệ, quân Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng dưới tầng đất sâu hơn 2m.

Hiện trường khai quật khu di tích Chăm Phong Lệ

Đây là phát hiện bất ngờ khiến các nhà khảo cổ học ngỡ ngàng vì cả ngôi tháp nằm sâu dưới lòng đất vẫn còn nguyên vẹn.
Có mặt tại hiện trường khai quật vào sáng sớm ngày 23/8, hiện ra trước mắt chúng tôi là một hố đào vuông có cạnh dày bằng gạch Chăm, dài 4,25 m, sâu gần 2 m. Đây là hố đào khai quật của đoàn khảo cổ Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP.Đà Nẵng phối hợp cùng bộ môn Khảo cổ, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV) Hà Nội.


Các cán bộ đang tham gia khai quất khu di tích Chăm này cho biết, khi phát hiện họ đã tổ chức xúc từ lòng khu tháp hơn 30m khối cát, sỏi xếp xen kẽ từng lớp trong lòng hố.

Quá trình xúc lớp cát sỏi này đã phát lộ ở giữa đáy hố là dãy đá cuội cùng thạch anh tạo hình bán nguyệt, ở 4 góc và cạnh đáy có 8 hốc lõm hình trụ. Bên trong mỗi hốc xếp 1 viên gạch vuông vức nằm trên 1 viên đá cuội tròn bị cát bao phủ, xung quanh là thạch anh màu hồng nhạt.


Tại hiện trường hố khai quật, sau khi đo đạc và nghiên cứu kỹ từng lớp cát, sỏi, ông Nguyễn Chiều, giảng viên bộ môn Khảo cổ, Khoa Lịch sử, ĐH KHXHNV Hà Nội cho biết, kỹ thuật xây dựng hệ móng bằng cát, sỏi đầm chặt giúp người Chăm xây đền tháp cao nhưng không bị ngã đổ. Đây là bí quyết xây tháp của người Chăm.

Theo các nhà khảo cổ khai quật tại di chỉ này khẳng định, niên đại của di tích Chăm Phong Lệ được xác định xây dựng từ cuối thế kỷ thứ 10, đầu thế kỷ 11, cùng thời điểm với di tích Chăm Khương Mỹ ở Quảng Nam.
Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm TP.Đà Nẵng, ôngVõ Văn Thắng nhận định: “Với những hiện vật vừa khai quật dưới lòng đất tại Phong Lệ, có thể khẳng định đây là khu tháp Chăm lớn nhất tại địa bàn TP. Đà Nẵng từ trước đến nay được tìm thấy”.


Điều đáng mừng là khu tháp Chăm này vẫn còn nguyên vẹn và đang được khai quật để tìm hiểu và lên kế hoạch trùng tu, bảo tồn phục vụ cho công tác nghiên cứu và du lịch.

Trước đó, trong quá trình khai quật, đoàn khảo cổ đã phát hiện di tích nền móng của ngôi đền tháp Chăm cổ được xây cách đây khoảng 1.000 năm. Qua xác định ban đầu, ngôi đền tháp Chăm này có diện tích khoảng 16x16m với 4 góc tháp, 3 cửa phụ, 1 cửa chính. Hiện các nhà khảo cổ cũng đã xác định vị trí tháp chính, kích thước, vị trí trung tâm nơi đặt bệ thờ…
Hiện UBND TP. Đà Nẵng đang chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục khai quật và có kế hoạch bảo vệ, trùng tu khu di tích Chăm này.
Vũ Trung