Phổi không chỉ đóng vai trò trong hệ hô hấp như chúng ta vẫn thường nghĩ, mà còn sản xuất hầu hết các tiểu cầu và có thể bổ sung tế bào máu trong tủy xương. Đây là kết quả một nghiên cứu mới trên chuột của Đại học San Francisco.
Vào ngày 22/3 vừa qua, các nhà khoa học ở Đại học San Francisco (UCSF) đã công bố kết quả nghiên cứu mới này trên tạp chí Nature. Theo nghiên cứu này, phổi đóng vai trò tạo máu, điều mà trước đây giới y học chưa từng được biết đến. Các bằng chứng mà các nhà nghiên cứu tìm được cho thấy, phổi sản xuất hơn một nửa số tiểu cầu – thành phần trong máu rất cần thiết cho quá trình làm đông máu.
Đáng ngạc nhiên hơn, các nhà khoa học cũng phát hiện phổi chứa một lượng lớn tế bào gốc tạo máu, những tế bào này có khả năng khôi phục quá trình sản xuất máu ngay cả khi mà tế bào gốc ở tủy xương (vẫn được biết tới là cơ quan sản xuất máu chính) bị cạn kiệt.
Phổi sản xuất hơn một nửa số tiểu cầu – thành phần trong máu rất cần thiết cho quá trình làm đông máu. (Ảnh: soundofhope.org)
“Phát hiện này chắc chắn giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn về phổi, rằng nó không chỉ là cơ quan hô hấp mà còn là giữ vai trò chính yếu trong việc tạo máu” – Giáo sư Y khoa Mark R. Looney tại phòng thí nghiệm y tế của UCSF, là tác giả chính của công bố này cho biết. “Những thí nghiệm trên chuột đã đưa ra gợi ý rằng, phổi cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu ở con người”, ông nói thêm.
Các nhà nghiên cứu sử dụng kỹ thuật chụp ảnh huỳnh quang sống 2 photon (two-photon intravital imaging) mới được phát triển bởi Giáo sư Looney và các đồng sự tại UCSF. Kỹ thuật này cho phép người ta quan sát được các hoạt động cực kỳ tinh tế của các tế bào đơn lẻ trong từng mạnh máu nhỏ ở phổi của con chuột còn sống.
Giáo sư Looney và đồng sự đã kiểm tra được sự tương tác giữa hệ thống miễn dịch và tiểu cầu đang lưu thông trong phổi. Họ ghi nhận thấy một lượng rất lớn tế bào sản sinh ra tiểu cầu gọi là tế bào có nhân to (megakaryocytes) trong các mạnh máu của phổi. Mặc dù các tế bào có nhân to đã từng được quan sát thấy trong phổi từ trước đó, tuy nhiên người ta vẫn nghĩ rằng nó vẫn tồn tại và giữ vai trò sản xuất tiểu cầu ở trong tủy xương chứ không phải phổi.
Một lượng lớn tế bào có nhân to trong các mạnh máu của phổi. (Ảnh: soundofhope.org)
Kỹ thuật hình ảnh này còn cho thấy các tế bào có nhân to này sản xuất tới hơn 10 triệu tiểu cầu mỗi giờ ngay trong các mạch máu ở phổi. Rất có thể đây là hơn một nửa tổng số tiểu cầu của chuột được sản xuất ở phổi chứ không phải ở tủy xương như lâu nay người ta vẫn nghĩ.
Nghiên cứu này có ý nghĩa rất lớn trong việc tìm hiểu về bệnh tật ở người, trong đó có bệnh nhân bị bệnh rối loạn giảm tiểu cầu (thrombocytopenia). Đây là căn bệnh hàng triệu người mắc phải và làm tăng tình trạng không kiểm soát được khi chảy máu. Hơn nữa, phát hiện mới về lượng lớn các tế bào gốc tạo máu ở phổi cũng sẽ ảnh hưởng đến những ca cấy ghép phổi.
Độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các tài liệu nghiên cứu sau:
1. Lefrançais E,Ortiz-Muñoz G,Caudrillier A,Mallavia B,Liu F,et al.2017.The lung is a site of platelet biogenesis and a reservoir for haematopoietic progenitors. Nature advance online publication
2. Looney MR,Thornton EE,Sen D,Lamm WJ,Glenny RW,Krummel MF.2011.Stabilized imaging of immune surveillance in the mouse lung.Nat Meth 8:91-6
3. Machlus KR,Italiano JE.2013.The incredible journey: From megakaryocyte development to platelet formation.The Journal of Cell Biology 201:785-96
4. AschoffL.1893.Uber capillare Embolie von riesenkemhaltigen Zellen.Arch Pathol Anat Phys 134:11-4
5. Howell WH,Donahue DD.1937.THE PRODUCTION OF BLOOD PLATELETS IN THE LUNGS.The Journal of Experimental Medicine 65:177-203
6. http://www.ucsf.edu/news/2017/03/406111/surprising-new-role-lungs-making-blood
Bảo An tổng hợp