Rất khó khăn để xác định chính xác cách ăn mặc của con người hàng trăm năm trước bởi vải dệt nhanh chóng bị tiêu hủy sau khi chôn cất. Thế nhưng các nhà khảo cổ vào năm 2008 đã phát hiện được loại vải chất lượng tốt có từ thời nhà Minh.
Năm 2008, các nhà nghiên cứu đang làm việc trong phạm vi thôn Sâm Sâm tại thành phố Thái Châu, Trung Quốc đã khai quật được ngôi mộ của đôi vợ chồng với phục trang vô cùng chất lượng được bảo quản tốt cho đến ngày nay.
Hài cốt của 2 vợ chồng, đến cả xương hầu như đã phân hủy nhưng trang phục cùng một số vật dụng khác vẫn còn nguyên vẹn. Quần áo có thiết kế rất cầu kỳ, chẳng hạn như áo yếm của người phụ nữ được trang trí bằng hình ảnh kỳ lân, một loài sinh vật móng guốc thần thoại.
“Kỳ lân được thể hiện trong khung cảnh mây, biển và các tảng đá. Một bài vị được tìm thấy cùng chiếc quan tài của người vợ cho biết người phụ nữ được chôn cất là ‘Từ Phu nhân, thân mẫu đã khuất của gia đình họ Vương, thời nhà Minh’, bài vị của người chồng được tìm thấy trong tình trạng kém hơn, tuy nhiên trang phục của ông vẫn là loại tốt”, theo báo cáo của tờ Live Science.
Cặp vợ chồng được chôn cất trong ngôi mộ với 2 chiếc quan tài bằng gỗ bên ngoài phủ hỗn hợp hồ và vôi. Theo các nhà khoa học, “tình trạng bảo quản tốt của các bộ trang phục thời Minh có thể là do lớp vữa dùng để bọc và niêm kín quan tài”. 2 chiếc gối trong ngôi mộ của đôi vợ chồng tượng trưng cho hy vọng hạnh phúc ở kiếp sau. Trên những chiếc gối có các cụm từ ‘sớm lên thiên đường’ và ‘kiếp sau được sinh ra trong thế giới Tây Phương’. Tờ Live Science suy đoán, thuật ngữ ‘thế giới Tây Phương’ có thể nhắc đến Tây Phương Cực Lạc hay Cõi Tịnh Độ của Phật giáo Đại Thừa.
Váy và giày cũng được tìm thấy trong quan tài của người phụ nữ. “Vải được dệt thành họa tiết hoa, côn trùng và những món châu báu đa dạng. Chân váy được dệt với nhiều họa tiết vàng vòng. Giày được làm bằng lụa thô, phần ngón chân được thêu hoa, tiền xu, thắt nút vuông… Ngoài ra, một bình sứ và một chiếc kẹp tóc bạc mạ vàng cũng được tìm thấy trong quan tài của người vợ.
Trang phục của người đàn ông có họa tiết hoa sen, mẫu đơn, đào và cúc xen lẫn với những mẫu trang sức như đồng xu, ngọc như ý, bạc nén, sừng, lá chuối… Các nhà khảo cổ không thể xác định chính xác niên đại của ngôi mộ nhưng dựa trên thiết kế và các hiện vật, người ta ước tính ngôi mộ được xây dựng dưới triều Hoàng đế Gia Tĩnh thời Minh, trị vì trong giai đoạn 1521 – 1567.
Phát hiện này đã cung cấp thêm kiến thức về cách ăn mặc cũng như truyền thống và phong tục mai táng của người dân dưới triều Minh.
Hàn Mai, Hồ Duyên – Theo Ancient Origins