Thiên hà sáng nhất trong chòm sao Nhân Mã nằm cách Trái Đất 150 triệu năm ánh sáng đang bị hố đen siêu lớn ở trung tâm gặm nhấm và phân tán, Science Alert hôm 6/12 đưa tin.
Trong nghiên cứu công bố trên nguyệt san của Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia, các nhà khoa học ở Đại học Cambridge phát hiện nguồn gốc những sợi tua đặc biệt bao quanh thiên hà NGC 4696.
Thông qua quan sát từ kính viễn vọng vũ trụ Hubble, nhóm nghiên cứu đo được các tua có bề rộng 200 năm ánh sáng. Những sợi tua hình thành từ khí gas và bụi có độ đặc lớn gấp 10 lần khí gas bao quanh, và tạo thành hình dạng xoáy từ phần lõi sáng chói của thiên hà.
Ở trung tâm của thiên hà NGC 4696 là một hố đen siêu lớn. Các nhà nghiên cứu cho rằng hố đen này là nguyên nhân dẫn đến hình dáng kỳ lạ của những sợi tua khí gas. Hố đen làm nóng khí gas bao quanh khu vực bên trong thiên hà NGC 4696, khiến những dòng khí gas nóng tỏa ra phía ngoài.
Dòng khí cuốn theo bụi và nhiều loại khí khác trên đường đi, phun ra dạng hình sợi khi lan rộng trong không gian. Các sợi tua cũng chịu tác động từ trường của NGC 4696. Trong quá trình trên, siêu hố đen hút khí gas về phía trong và tiêu thụ.
Dù hiện tượng khiến thiên hà trở nên nổi bật, những vòng xoáy khí gas quanh NGC 4696 che giấu một hệ sao đang chết. Do tất cả vật chất bị thổi bay ra ngoài, lượng khí gas và bụi lưu lại để hình thành sao mới còn rất ít. Điều này có nghĩa mỗi ngôi sao trong thiên hà đang già và chết đi trong khi không có sao mới thay thế.
NGC 4696 là một ví dụ của thiên hà hình elip, hình thành do va chạm giữa những thiên hà xoắn ốc như dải Ngân Hà. Thiên hà hình elip thường bao gồm những ngôi sao lâu đời đang già, và sự hình thành sao mới hiếm khi xảy ra.
Theo VnExpress