Các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc đã phát hiện một bộ xương khủng long cực kỳ hoàn chỉnh thuộc kỷ Jura. Với chiều dài 8m, niên đại hàng trăm triệu năm, bộ xương hóa thạch này được xem là phát hiện hiếm và là ‘kho báu của quốc gia’.
Theo Daily Mail, vào cuối tháng 5/2021, các nhà cổ sinh vật học đã phát hiện một bộ xương khủng long có niên đại khoảng 180 triệu năm trong một cuộc khai quật ở Lục Phong, Tây Nam, Trung Quốc.
Hóa thạch được tìm thấy còn nguyên vẹn khoảng 70% và thuộc về một loài khủng long có chiều dài gần 8m.
Ông Wang Tao – người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Hóa thạch Khủng long của thành phố Lục Phong cho biết: “[Việc phát hiện] hóa thạch khủng long hoàn chỉnh cao như vậy là điều hiếm thấy trên thế giới”.
Ông mô tả hóa thạch này là ‘kho báu quốc gia’ và cho biết nhóm của ông đang hy vọng sẽ khai quật được hộp sọ của con khủng long.
“Dựa trên hóa thạch được phát hiện, dựa trên đuôi và xương đùi của nó, chúng tôi tin rằng đây là loài khủng long khổng lồ Lufengosaurus, sống vào thời kỳ đầu kỷ Jura”, ông nói thêm.
Trung tâm của ông Wang đang lên kế hoạch khai quật khẩn cấp để cứu lấy bộ xương vì nó được tìm thấy ở nơi có nguy cơ xói mòn đất. Việc tìm thấy những hóa thạch hoàn chỉnh như vậy ở Lục Phong là một điều rất hiếm khi xảy ra trong ngành cổ sinh vật học.
Lufengosaurus được cho là động vật ăn cỏ bốn chân và được đặt tên thông tục là ‘Thằn lằn Lục Phong’.
Năm 2017, loài Lufengosaurus đã trở thành tiêu điểm quốc tế khi các nhà khoa học phát hiện ra protein collagen được bảo quản trong xương sườn của hóa thạch loài khủng long này.
BBC đưa tin vào thời điểm đó, loại protein này có niên đại lâu đời hơn 100 triệu năm so với bất kỳ loại protein nào được phát hiện trước đây.
Trong cùng năm 2021, bộ xương của một con khủng long có tuổi đời trẻ hơn cùng thời kỳ cũng được phát hiện ở Lục Phong. Hóa thạch này là một phát hiện thú vị khác của các nhà cổ sinh vật học trong khu vực vì nó không khớp với bất kỳ loài khủng long nào đã biết trước đó.
Khánh Nghi (Theo Daily Mail)