Các nhà khoa học phát hiện loài nhện mắt vàng đã thêm một loại hóa chất khi chăng tơ dệt lưới để diệt những con kiến lai vãng đến lưới nhện tranh ăn những côn trùng vướng vào đó.
/
Các nhà khoa học Australia và Singapore đã biết được vì sao kiến chẳng bao giờ bén mảng đến mạng nhện cho dù nhiều khi trong đó có nhiều côn trùng sa lưới. Một nhóm nhà khoa học do giáo sư Daiqin Li, trường ĐH Quốc gia Singapore đứng đầu, cho biết: “Chúng tôi đã tìm ra một điều là những con nhện mắt vàng (Golden orb spider, tên khoa học là Nephila clavipes) khi tạo ra những sợi tơ dệt mạng, chúng đã bổ sung thêm một hóa chất thuộc nhóm alcaloid để bảo vệ, khiến kiến sẽ bị nhiễm độc khi tiếp xúc vớimạng bắt côn trùng sa vào lưới của chúng”. Theo nguồn tin của trang ninemsn.com.au, giáo sưMark Elgar, trường ĐHMelbourne cũng nói nhóm của ông rất ấn tượng về hiệu quả của hóa chất có tính xua đuổi mà nhện đã dùng để bảo vệ mạng lưới của mình. Ông nói: “Nhện mắt vàng quả thật là nếu không dùng “vũ khí hóa học” thì không thể tự vệ được để chống lại những con kiến có mặt khắp nơi, lang thang tìm mồi và biết cách thông tin cho nhau rất nhanh chóng”. Dùng hóa chất, không những chúng bảo vệ được bản thân mà còn đỡ mất thời gian và năng lượng cần thiết để diệt những con kiến liều lĩnh đến tấn công. Các nhà khoa học nói trên còn cho hay chỉ những con nhện khá lớn mới tiết ra được hóa chất này. Họ hy vọng rằng phát hiện của họ có thể gợi ý cho các phòng thí nghiệm hóa học tổng hợp được các hóa chất tương tự dùng làm thuốc trừ sâu hại trong nông nghiệp và gia dụng. Tuấn Hà |
Theo VietnamNet