Trung Quốc muốn “khóa miệng báo chí quốc tế và quốc nội”, trong khi phản ứng của chính phủ Pháp là quá yếu “không tương xứng với đòi hỏi của tình thế”, nữ phóng viên tuần báo cánh tả Pháp L’Obs (Người Quan sát) Ursula Gauthier sắp bị chính quyền Bắc Kinh trục xuất vào ngày 31/12/2015 phát biểu.
Trả lời phỏng vấn của đài phát thanh Pháp France Inter trong chương trình ngày 28/12/2015, nhà báo Ursula Gauthier tố cáo chính sách đàn áp tự do báo chí của chính quyền Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc “không nhắm vào cá nhân” bà mà đây là một “mưu toan rất thô bạo nhằm bịt miệng báo chí quốc tế. Trung Quốc có vai trò mà giờ đây mọi người đều biết, chúng ta không nên nghĩ lầm rằng họ đã tiến hóa. Những gì xảy ra gợi lại thời kỳ Cách mạng Văn hóa” ( chính sách trấn áp trong thập niên 1960).
Phóng viên của tuần báo L’Obs bị chính quyền Trung Quốc không gia hạn visa sau khi bà từ chối “xin lỗi” đã viết một bài phóng sự, theo đó, Bắc Kinh nhân danh chống khủng bố để đàn áp sắc tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Phản ứng của bộ Ngoại giao Pháp là “lấy làm tiếc” trước quyết định của Trung Quốc.
Thái độ của Pháp bị nhà báo Ursula Gauthier và Nghiệp đoàn báo chí SNJ chỉ trích. Bà Ursula Gauthier khẳng định là “tự do báo chí tại Trung Quốc đang bị đe dọa nghiêm trọng, báo chí Trung Quốc cũng bị bịt miệng, báo địa phương cũng không còn đưa được thông tin ngoài luồng. Các blogger, nguồn tin độc lập duy nhất cũng bị kiểm duyệt triệt để, bị xem là tội phạm hình sự”. Do vậy, theo nhà báo sắp bị trục xuất, phản ứng “lấy làm tiếc” của chính phủ Pháp là “không xứng tầm với những gì đang xảy ra tại Hoa lục”.
Nghiệp đoàn ký giả Pháp SNJ, trong bản tuyên bố hôm chủ nhật 27/12/2015 “mong chờ chính phủ Pháp có phản ứng mạnh hơn những lời tuyên bố “rụt rè” của bộ Ngoại giao”. SNJ tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ phóng viên Ursula Gauthier và cảnh báo chính phủ Pháp không nên im lặng trước kiểm duyệt thông tin vì thái độ này không đem lại ích lợi gì cho tự do báo chí.
Trong khi đó tại Trung Quốc, báo chí nhà nước mở một chiến dịch tấn công nhà báo Pháp Ursula Gauthier. Báo đảng Hoàn cầu Thời báo thực hiện thăm dò ý kiến và cho rằng 95% độc giả “ủng hộ quyết định trục xuất phóng viên Pháp”.
Trên thực tế, đa số người dân Trung Quốc không đọc bài báo bị chỉ trích vì không có bản dịch ra Hán ngữ. Toàn văn bằng tiếng Pháp đăng trên mạng ở Hoa lục đã bị chặn lại, không thể truy cập. Tại Trung Quốc còn có nhóm “dư luận viên” viết thuê để phản ứng theo chiều. Những người này được dân mạng ở Hoa lục gọi là đảng viên “đảng năm xu” ( wumaodang).
Trên trang mạng Weibo có đăng tải một câu chuyện hài hước phản ánh vấn đề “bịt miệng” báo chí ở Trung Quốc như sau: “Một ngôi sao truyền hình sau khi bị giam giữ đã hét vào mặt người cai ngục: “Tôi là người nổi tiếng! Tôi muốn gặp luật sư!” Sau đó anh ta nhìn thấy những người bạn tù quanh anh đều đứng dậy, mỉm cười và nói “Những luật sư lừng danh nhất ở Trung Quốc đều ở đây hết rồi!”.
Quả thực, nếu có người muốn bôi nhọ và chỉ trích “Thiên Đường” của nhân dân Trung Quốc thì chắc chắn rằng chính quyền Bắc Kinh “khó có thể tha thứ”.
Theo vi.rfi.fr