Bhutan là một quốc gia nhỏ bé ở Nam Á và là ngôi nhà của nhiều di tích nổi tiếng và tu viện Phật giáo. Một trong những tu viện thiêng liêng đó được gọi là Paro Taktsang hay Taktsang Palphug trong tiếng Dzongkha (ngôn ngữ chính thức của Bhutan).
Paro Taktsang tọa lạc ở vùng núi Himalaya. Nó là một trong những nơi được tôn kính nhất của cuộc hành hương, che giấu những câu chuyện và truyền thuyết kỳ lạ. Được xây dựng vào cuối Thế kỷ 17, nó đã chịu đựng sự thử thách của thời gian cho đến một vài năm trước thì bị lửa phá hủy. Ngày nay, nó được xem là một trong những địa điểm linh thiêng nhất ở Bhutan cũng như một biểu tượng văn hóa chỉ mở cửa một năm một lần trong một buổi lễ đặc biệt.
Con đường phiêu lưu đến Paro Taktsang
Tu viện Taktsang Palphug (còn được gọi là Paro Taktsang hay Tiger’s Nest) là một ngôi chùa Phật giáo phức tạp nằm khoảng 10 km (6 dặm) về phía Bắc của thị trấn Paro. Nó bám vào vách đá, 3.120 mét (10.236 feet) trên thung lũng Paro ở Bhutan.
Một khía cạnh độc đáo của tu viện này là vị trí biệt lập của nó. Chỉ có thể tới đó bằng những con đường núi và leo lên từ đáy thung lũng rừng thông dài khoảng 2.133 mét (7000 feet), đến tu viện Tiger’s Nest cao 914 mét (3.000 feet) ở trên. Một con đường gần tu viện vượt qua một thác nước cao trên 60 mét (196 feet) bằng những bậc đá (không có tay vịn) khắc vào mặt vách đá. Sau hơn hai giờ leo núi là tới cổng vào của tu viện Tiger’s Nest, nằm trên một tảng đá trồi ra trên một vực thẳm rộng lớn. Bên dưới phần nhô ra của tảng đá, và băng qua chỗ trũng lớn của tu viện là vách đá cao khoảng 609 mét (2.000 feet) so với hẻm núi bên dưới.
Các yếu tố kiến trúc phức tạp của Tu viện Paro Taktsang
Tu viện Paro Taktsang có bốn ngôi đền chính và khu để ở. Mỗi tòa nhà đều có ban công làm nơi quan sát thung lũng Paro bên dưới. Các tòa nhà được kết nối với nhau thông qua cầu thang đá và bậc thang cùng với một số cây cầu gỗ.
Có tám hang động, bốn trong số đó dễ dàng vào được, có thể vào hang động chính thông qua một lối đi hẹp. Nơi đó có tượng khắc của mười hai vị Bồ Tát với đèn dầu đặt phía trước tượng. Tranh vẽ cũng có thể được tìm thấy trên tường của tu viện cùng với một bộ kinh thiêng liêng được cất giữ trong một phòng nhỏ liền kề. Do tầm quan trọng của kinh này mà nó được in với bụi vàng và bột xương nghiền nát của một Lạt Ma thiêng liêng.
Ở tầng cao nhất của khu phức hợp là một ngôi đền có bức phù điều của Đức Phật. Tu viện cũng chứa đựng lịch sử cổ xưa về những nhà sư đã đến đây, thường ở ít nhất trong ba năm, và hiếm khi rời khỏi đó.
Truyền thuyết về hang hổ và thượng sư Liên Hoa Sinh
Theo truyền thuyết, thượng sư Liên Hoa Sinh đã đến ngôi đền Paro Taktsang vào Thế kỷ thứ 8 bằng cách bay trên lưng một con hổ cái từ Khenpajong, Tây Tạng. Thượng sư Liên Hoa Sinh là một người Bà la môn thuộc Hoàng gia, người đã truyền Phật giáo Mật tông khắp Bhutan và Tây Tạng vào những năm 700.
Cái tên “Taktsang” theo nghĩa đen có nghĩa là hang hổ và nó xuất phát từ việc người dân đại phương đi ngang qua nơi này và thấy một con hổ cái sang sống trong một hang động. Truyền thuyết nói rằng, vào thời điểm đó, thượng sư Liên Hoa Sinh đã hóa thân thành ngọn lửa Dorje Drolo, một trong tám hình tượng của ông. Con hổ cái thực ra là vợ của ông Yeshe Tsogyal, người đã hóa thân thành động vật để làm khuất phục những con quỷ và linh hồn ở địa phương.
Thượng sư Liên Hoa Sinh thiền định trong mười ba tu viện nhỏ hay những “hang hổ”, trong đó Paro Taktsang là nổi tiếng nhất. Người ta nói ông đã thiền định trong các hang động trên núi ba năm, ba tháng, ba tuần, ba ngày và ba giờ. Sau khi hoàn thành thiền định, thượng sư Liên Hoa Sinh đã hàng phục tám loại linh hồn ma quỷ và cải đạo người Bhutan sang Phật giáo. Ngày nay, ông được nhìn thấy trong những khu vực linh thiêng của Phật giáo và được xem như một vị Phật thứ hai và một vị thần bảo hộ của Bhutan. Những đồ đệ của ông tin rằng Liên Hoa Sinh vẫn còn sống và đang tồn tại ở một dạng thức khác, như thân thể cầu vồng.
Sự trở về kỳ lạ của thân thể Pelkyi
Thượng sư Liên Hoa Sinh cuối cùng sẽ trở về Tây Tạng và phổ biến các giáo lý của ngài cho các đệ tử. Một trong các đệ tử của ông là Langchen Pelkyi Singye trở về Taktsang để thiền định vào năm 853 SCN. Ông gọi hang động nơi ông cầu nguyện là hang Pelkyi. Pelkyi được cho là đã đến Nepal, nơi mà ông qua đời sau này. Tuy nhiên, cơ thể của ông trở về tu viện Taktsang một cách kỳ điệu dưới sự dẫn dắt của thần Dorje Legpa và bây giờ nó được bịt kín trong một hầm đựng thánh cốt đặt ở một căng phòng phía bên trái lối vào.
Cơ sở của truyền thuyết và sự tái thiết của tu viện Paro Taktsang
Tu viện Paro Taktsang được Gyalse Tenzin Rabgye xây dựng vào năm 1692, ông là nhà lãnh đạo Bhutan vào thời điểm đó. Ông được cho là Đức Liên Hoa Sinh đầu thai và thành lập tu viện bằng cách cắm tảng đá đầu tiên trong một chuyến viếng thăm các hang động linh thiêng. Truyền thuyết nói rằng khi ngôi đền được xây dựng, nó được neo chặt vào vách đá bằng những sợi tóc của tiên nữ được gọi là khandroma.
Từ năm 1961 đến năm 1965, tu viện được trụ trì thứ 34 là Je Khenpo, Shedrup Yoezer sửa chữa lại và các bổ sung khác được thực hiện trong những năm 1861-1865, 1982-1983 và một lần nữa vào năm 1992.
Ngày 19/4/1998, một đám cháy bùng phát tại Paro Taktsang đã phá hủy các bức tranh có giá trị, hiện vật và các bức tượng. Hầu hết các tòa nhà đều bị thiêu rụi và một tu sĩ đã bị giết chết trong vụ hỏa hoạn. Vì ngôi đền rất khó tiếp cận, sự hỗ trợ khẩn cấp đã không thể đến vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, các tu viện đã được Jigme Singye Wangchuck, vị vua thứ tư của Bhutan xây dựng lại một cách tỉ mỉ và trở lại hình dạng ban đầu của nó vào năm 2005. Sự phục hồi được ước tính có giá khoảng 135 triệu ngultrum (hơn 2 triệu USD) và ngày nay Paro Taktsang là một trong những điểm đến du lịch phổ biến nhất trong cả nước.
Bhutan có một kết nối sâu sắc với môi trường tự nhiên xung quanh và di sản của nó dường như xuất phát từ tâm linh cổ xưa. Tu viện Taktsang là một ví dụ hiện đại của lịch sử tâm linh này cũng như các kết nối mạnh mẽ với Phật giáo Bhutan.
Thanh Phong dịch từ Ancient Origins