Nhắc đến El Dorado, người ta sẽ không quên đề cập đến hồ Parime và những cuộc săn vàng đã đi vào truyền thuyết của những nhà thám hiểm châu Âu.
Vàng từ lâu đã được coi là một món hàng quý giá, sánh ngang với vương quyền và quyền lực. Khi vàng trở nên khan hiếm và đôi khi không có sẵn tại địa phương, người ta thường phải tham gia những hành trình dài và chịu đựng nhiều gian khổ để có được mặt hàng quý giá này.
Tại Ai Cập cổ đại, vua Ai Cập thời Tân Vương quốc là Hatshepsut kiêu hãnh với một đoàn thương mại viễn chinh phương nam trải qua hành trình đến vùng đất Punt, để mang vàng cùng một số thứ khác về Ai Cập.
Nhiều cuộc săn lùng vàng cũng được nói đến trong thần thoại cổ điển. Ví như, trong thần thoại Jason và Argonauts, cuộc săn tìm của vị anh hùng này có mục tiêu cần đạt được là “Bộ lông cừu vàng”.
Các nhân vật anh hùng Thần thoại cổ điển này đã tác động không nhỏ đến tâm trí người châu Âu. Điều này được thể hiện qua nét tương đồng giữa hành trình tìm kiếm “Bộ lông cừu vàng” của Jason với những chuyến phiêu lưu trong “Khám phá kỷ nguyên châu Âu”, với tác phẩm nổi tiếng nhất là cuộc truy tìm El Dorado.
El Dorado có nghĩa là “người dát vàng”, truyền thuyết này bắt đầu từ thế kỷ 16, khi các nhà thám hiểm châu Âu gặp gỡ bộ lạc Chibcha ở Columbia. Theo ghi chép của các nhà thám hiểm, trong suốt nghi lễ kết nạp thủ lĩnh mới, người ta đã dùng đến vàng. Người thủ lĩnh được phủ bụi vàng trước khi được đưa vào hồ thiêng Guatavita trên một chiếc bè. Những người theo hầu ông sẽ ném các lễ vật như vàng, ngọc và đá quý khác vào hồ.
Các nhà thám hiểm chứng kiến sự giàu có của người Inca và Aztec, người mà họ vừa chinh phục, nên cho rằng nghi lễ Chibcha này được thực hiện thường ngày, và còn nhiều vàng nữa trong đời thường.
Hai thế kỷ sau đó, một số nhà thám hiểm châu Âu, khởi đầu là người Tây Ban Nha, tất bật với các cuộc tìm kiếm El Dorado. Thách thức lớn nhất đối với dân Tây Ban Nha là sự thiếu hiểu biết về vị trí địa lý Nam Mỹ. Ban đầu, người Tây Ban Nha tập trung vào vùng Andes, nơi mà bộ lạc Inca và Chibcha sinh sống. Khi thất bại, họ đã di chuyển về phía đông của lục địa này.
Thế kỷ 16, truyền thuyết về El Dorado thu hút sự chú ý của nhà thám hiểm người Anh là Walter Raleigh. Năm 1584, Raleigh đã bắt một nhà thám hiểm Tây Ban Nha tên là Pedro Sarmiento de Gamboa, người đã kể cho ông nghe về El Dorado.
11 năm sau, Raleigh đi thuyền đến Nam Mỹ tìm kiếm El Dorado. Tại Trinidad, Raleigh bắt một nhà thám hiểm khác tên là Antonio de Berrio, người nói với ông rằng thành phố huyền thoại nằm gần đầu nguồn sông Caroni, ngày nay là Venezuela. Sau đó Raleigh đi thuyền ngược sông Orinoco, vì sông Caroni chảy vào đó. Mặc dù tìm được ngã ba sông, Raleigh vẫn buộc phải quay trở lại do thời tiết xấu.
Năm 1596, người kế nhiệm Raleigh là Lawrence Keymis đã được gửi đi để thám hiểm Venezuela và Guiana. Khi Keymis trở về, ông thông báo El Dorado nằm bên cạnh hồ lớn Parime theo một bộ lạc, và hồ Ropo-nowini theo một bộ lạc khác. Ấn phẩm “Khám phá Guiana” đã trở thành “hit” ở châu Âu, và Hồ Parime từ đó về sau gắn liền với El Dorado.
Với kết quả thăm dò của Raleigh, bản đồ châu Âu bắt đầu vẽ hồ Parime ở trong Guiana (lúc đầu nằm ở đâu đó trong đất liền, nhưng sau đó trên sông Rupununi), sát cạnh thành phố huyền thoại El Dorado. Tuy nhiên, cả hồ Parime và El Dorado bắt đầu biến mất khỏi bản đồ vào thế kỷ thứ 18, các nhà vẽ bản đồ bắt đầu đặt câu hỏi về sự tồn tại của chúng.
Chỉ trong thế kỷ 19, các truyền thuyết về hồ Parime và El Dorado cuối cùng đã lắng xuống. Nhà thám hiểm người Đức là Alexander von Humboldt khi đi ngang qua vùng trung tâm Guiana, đã kể về việc lũ lụt trên sông Rupununi vào mùa mưa dẫn đến sự xuất hiện của một hồ nước rộng lớn, nơi được tin là vị trí của Parime.
Mặc dù Von Humboldt tuyên bố bác bỏ sự tồn tại của hồ Parime, một nhà thám hiểm hiện đại là Roland Stevenson, phát hiện ra một cái hồ bị tuyệt diệt ở Roraima, Brazil (gần Guiana của thời kỳ Raleigh) năm 1970. Phát hiện tương đối gần đây này cũng có thể phục hồi lại các truyền thuyết về hồ Parime và El Dorado, và có lẽ chứng minh rằng truyền thuyết này có một số cơ sở thực tế.
Thiên Long, dịch từ Ancient Origins