Lịch sử luôn chứa đựng nhiều tinh hoa, trí huệ mà cổ nhân muốn truyền lại cho hậu thế. Những câu chuyện ý nghĩa dưới đây sẽ cho chúng ta thấy: Những hành động nhỏ – dù là tốt hay xấu – đến khi tích lũy đủ thời, đủ lượng, đều sẽ dẫn đến những thay đổi vô cùng lớn lao.
“Quét nhà không xong, lấy gì quét thiên hạ?”
Cuốn Hậu Hán Thư có câu chuyện về một thiếu niên anh tài tên là Trần Phiên. Phiên tự cho mình là bất phàm, chỉ muốn gây dựng sự nghiệp lớn. Một ngày nọ, một người bạn của cha Trần Phiên là Tiết Cần đến thăm. Khi thấy nhà của Phiên quá bề bộn bẩn thỉu, bèn hỏi: “Tại sao không quét nhà?”
Trần Phiên trả lời: “Đại trượng phu xử thế, nên quét thiên hạ, sao phải lãng phí thời gian vào những việc tầm thường như quét nhà?”.
Tiết Cần liền lập tức đáp lại: “Quét nhà không xong, lấy gì quét thiên hạ?”
Nghe vậy, Trần Phiên lặng người suy nghĩ một hồi rồi hiểu ra và không thể nói được lời nào nữa.
Hoài bão muốn “quét thiên hạ” của Trần Phiên là điều không sai, nhưng vấn đề nằm ở chỗ cậu không ý thức được rằng “thiên hạ” là cần vô số nhà dựng nên, trước hết, cậu phải đủ bản lĩnh “quét nhà” sau đó mới có thể bàn tới chuyện “quét thiên hạ”.
Nếu như ngay đến việc nhỏ cũng không làm, hỏi sao có thể làm nên sự nghiệp lớn? Trong “Khuyến học”, nhà tư tưởng nổi tiếng thời Chiến quốc Tuân Tử từng nói: “Không tích bước đi, không đạt được ngàn dặm, không tích dòng chảy nhỏ, không thể thành biển sông.”
Trí huệ của các bậc Thánh hiền thời xưa cho chúng ta thấy rằng, cho dù làm chuyện gì cũng không thể một bước là thành. Vì vậy, chính từ từng việc nhỏ, tích lũy tiến bộ từng chút một không ngừng nghỉ, cuối cùng sẽ có thể thành tựu được việc lớn.
‘Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên”
“Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ” (hành trình ngàn dặm, bắt đầu từ dưới bước chân) xuất phát từ “Lão Tử – chương 46”.
Lão Tử đã dùng rất nhiều ví dụ để nói lên rằng sự vật luôn phát triển từ nhỏ đến lớn. Ông nói: “Hợp bão chi mộc, sinh vu hào mạt; cửu tằng chi đài, khởi vu lũy thổ; thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ”. Nghĩa là, cây to dùng hai tay mới ôm xuể là nhờ sinh trưởng từ cành non nhỏ bé; đài cao chín tầng là được xây từ một mô đất mà thành; lộ trình ngàn dặm xa xôi như vậy cũng bắt đầu từ bước chân đầu tiên.
Trong cuốn “Vi Học” nhà văn Bành Đoan Thục thời nhà Thanh đã kể lại câu chuyện về một nhà sư giàu và một nhà sư nghèo sống ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc. Cả hai đều muốn thực hiện chuyến hành hương qua biển Nam Hải đến Ấn Độ để lễ Phật.
Nhà sư giàu có nói với nhà sư nghèo: “Mấy năm nay tôi luôn dự tính thuê một chiếc thuyền xuôi theo dòng sông xuống Nam Hải, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được, còn ông thì dựa vào gì mà đi chứ?”
Một năm sau, trong khi hòa thượng giàu vẫn còn loay hoay chưa chuẩn bị xong chuyến đi, nhà sư nghèo đã trở về từ chuyến hành hương của mình. Trong khi nhà sư giàu vẫn chưa hết ngạc nhiên, nhà sư nghèo nói với nhà sư giàu: “Trong suốt cuộc hành trình của mình, tôi chỉ dựa vào bình nước và cái bát xin ăn. Chúng là tất cả những gì tôi cần để hoàn thành ước nguyện”. Hòa thượng giàu nghe xong xấu hổ không nói nên lời.
Nhà sư nghèo đã đạt được mục tiêu bằng cách đi từng bước một, chỉ dựa vào lòng dũng cảm và ý chí. Ngược lại, nhà sư giàu chỉ biết ôm ấp giấc mơ của mình như một tòa lâu đài trên không trung, ăn to nói lớn về khát vọng mà không thực hiện. Những suy nghĩ khác nhau của họ đã tạo ra những kết quả khác biệt rõ rệt.
Hoài bão vĩ đại không thể chỉ dừng lại ở lời nói suông, mà phải làm bằng cả ý chí và sức lực thì mới mong đạt được thành công.
Lịch sử có ghi chép nhiều bậc học giả với học thức uyên bác và tài hoa xuất chúng. Đây không phải là thành quả của một sớm một chiều, cũng không phải của tài năng thiên phú. Thực tế, họ đã phải ngồi rách đệm lót hay mài thủng đá mài mực, thì mới có thể khổ học thành tài.
Vì vậy, “Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ” thể hiện ý chí của một người lập chí lập nghiệp, cần phải mắt nhìn nơi xa, tay không lơ là việc nhỏ, vừa không thể xa rời thực tế, lại càng không nói lời rỗng tuếch, và chỉ có một ý chí kiên định, không ngại gian khó mới có thể thực hiện được mơ ước.
Ngu Công Dời Núi
“Ngu Công dời núi” là một truyện cổ được ghi chép trong cuốn “Liệt tử – Thang vấn Thiên”. Chuyện kể rằng: Tại phía nam Ký Châu, bờ bắc Hoàng Hà, có hai ngọn núi cao là Thái Hành và Vương Ốc – bán kính hai ngọn núi dài 700 dặm, chiều cao lên đến mấy vạn thước. Ở phía bắc của hai ngọn núi có một ông lão tên là Ngu Công, tuổi đã gần 90. Hai ngọn núi cây đều có cối rậm rạp, ác thú nhiều, dù ra hay vào đều phải đi đường vòng rất xa, rất bất tiện.
Hôm đó, ông quyết định triệu tập cả nhà lại để cùng nhau thảo luận, làm thế nào để có một con đường thông thoáng dẫn thẳng đến phía nam Dự Châu, bờ nam Hán Thủy. Với ước nguyện như vậy, ông quyết định san bằng hai ngọn núi. Ngày hôm sau, Ngu Công lựa chọn ba cháu trai có thể đảm nhiệm trọng trách, cùng theo ông đi đục đá, đào đất, sau đó lại đem số đất đá vừa đào bới được chuyển đến khu vực gần biển Bột Hải.
Người hàng xóm của Ngu Công là Trí Tẩu cười nhạo: “Sao khờ dại vậy! Mình già sắp đến lúc quy tiên rồi, hai ngọn núi lại cao lớn như vậy, phá thế nào nổi?”
Nhưng Ngu Công vẫn kiên định: “Cho dù tôi chết rồi, tôi còn có con trai mà; con trai lại sinh cháu trai, cháu trai lại sinh con trai, con trai lại sinh con trai nữa, và con trai lại tiếp tục sinh cháu trai… Con con cháu cháu là không bao giờ hết cả, nhưng hai ngọn núi này đâu thể mọc cao hơn, cũng không thể to ra hơn – Tôi có gì phải lo lắng là không san bằng được nó chứ ?” Trí Tẩu nghe Ngu Công nói như vậy, tâm phục khẩu phục, nín lặng không nói nên lời.
Tinh thần và ý chí kiên định ấy làm cảm động đến Thiên đế, ngài bèn lệnh cho con trai của Đại lực Thần Khoa Nga Thị di dời hai ngọn núi này. Từ đó về sau, phía nam của Ký Châu và bờ nam của Hán Thủy không còn có núi cao ngăn cản nữa.
Dù ở độ tuổi gần đất xa trời, nhưng ông lão Ngu Công không vì tuổi già sức yếu mà khoanh tay đứng nhìn. Ông tâm niệm “tích tiểu thành đại”, cho dù mỗi ngày chỉ có thể dời đi một chút đất đá, nhưng theo ngày theo tháng, ông cũng sẽ dời được ngọn núi to.
“Thái Sơn chẳng quản gom từng hạt đất, nhờ vậy mà cao lớn; biển khơi không kén dòng nhỏ to, vậy nên thành đại dương”. Bất cứ một việc thiện nào cũng là ‘từng hạt đất’, cũng là ‘từng dòng nhỏ’ mà nên. Bắt đầu làm từ việc nhỏ, mỗi ngày một việc tốt, một câu nói thiện lương, một nụ cười rạng rỡ, một ly trà ấm nóng… cứ như thế mà tích tiểu thiện thành đại đức.
Lão tử cho rằng: “Phu duy lận, thị vị tảo phục, thị vị trọng tích đức”, ý tứ là: đàn ông cần kiệm, là để sớm có sự chuẩn bị cho tương lai, là vì xem trọng việc tích lũy công đức. Nếu trong bất cứ trường hợp nào chúng ta cũng không bỏ qua những việc thiện nhỏ, thì nhất định sẽ có ngày thành công. Tương tự như vậy, đừng tưởng việc ác nhỏ mà lại chủ quan thực hiện, bởi mỗi việc ác nhỏ khi tích lũy lâu ngày cũng sẽ kết thành đại họa.
“Đôi đũa hôn quân” của Trụ Vương
Trong bộ “Sử Ký” của Tư Mã Thiên, một vị quan đầu triều Hán, có nhắc đến câu chuyện “đôi đũa hôn quân” của Trụ Vương. Chuyện kể rằng Trụ Vương, vị vua cuối cùng của triều Thương (khoảng 1556–1046 TCN) khi vừa lên ngôi không hề hoang dâm, tất cả mọi người đều cho rằng ông là một minh quân. Nhưng có một ngày, Trụ Vương cảm thấy đôi đũa mình đang dùng quá xấu xí, không phù hợp với thân phận đế vương, nên đã sai người làm ra một đôi đũa bằng ngà voi rất đẹp. Trụ vương vô cùng yêu thích đôi đũa ngà này. Sau khi kết thúc nghị sự trên triều, ông mời các đại thần cùng chiêm ngưỡng đôi đũa ngà. Tất cả mọi người đều trầm trồ khen ngợi vì đôi đũa ngà được làm tinh xảo, trang nhã, chạm hoa khắc mây có phần duyên dáng,…Trụ Vương rất cao hứng.
Thế nhưng một vị đại thần của Trụ Vương là Ky Tử sau khi nhìn thấy đôi đũa lại giống như gặp quỷ, lo lắng tới mức cả buổi nói không ra lời. Mọi người hỏi ông nhớ đến chuyện gì, nhưng răng miệng của ông cứ run bần bật. Đến khi bãi triều, Ky Tử mới nói với các đại thần hướng cầu kiến mình rằng: “Trụ Vương đã có đôi đũa ngà, thì sẽ không dùng chén, bát gốm sứ đựng thức ăn nữa, phải có chén bằng sừng tê giác hoặc đá quý mới tương xứng; đã có chén ngọc, nhất định không dùng để đựng thức ăn bình thường, phải chứa thức ăn quý giá như thịt voi, thai báo mới được; đã ăn thức ăn cao quý thì quần áo vải thô, nhà cửa thô sơ chắc chắn cũng sẽ đổi thành quần áo lụa là và cung điện nguy nga. “
“Nếu nhà vua cứ xa hoa lãng phí, về lâu dài sẽ khiến dân chúng bất mãn, quở trách. Một khi ông trấn áp những người bất mãn, thì tất nhiên sẽ trở nên tàn bạo. Khi đó, chúng ta còn có thể đứng trên triều đình này sao?”
“Những thứ xa xỉ trong nước sẽ không đủ thỏa mãn cho ngài, và ngài sẽ muốn có được những món tài bảo quý hiếm của các quốc gia khác. Dục vọng hưởng thụ cũng sẽ không dừng lại ở đó, cứ thế, dẫn đến mất nước là lẽ tất nhiên. Từ đôi đũa này, ta đã thấy hiểm họa kéo theo nó. Ta không thể không lo lắng.”
Thế nhưng những đại thần này nghe xong đều không cho là đúng, mà chỉ cười to. Thấy thế, Ky Tử không nói gì nữa, chỉ lắc đầu, thở dài.
Dự đoán của Ky Tử đã trở thành sự thật. Dục vọng của Trụ Vương ngày càng trở nên vô độ. Ông bỏ bê triều chính ngày đêm vẫn chìm trong truy loan, đắm say tửu sắc việc gì cũng nghe theo lời Đát Kỷ. Bóc lột người dân bằng sưu cao thuế nặng, lao động phục dịch… Ông cho xây dựng những cung điện xa hoa với bể rượu (tửu trì) và rừng thịt (nhục lâm). Cuối cùng, Trụ Vương bởi vì hoang dâm vô đạo nên mất đi sự ủng hộ của quần chúng, dẫn đến sự lật đổ của nhà Thương.” Sau khi bại trận, Trụ Vương tự phóng hỏa đốt Lộc Đài rồi nhảy vào lửa tự thiêu.
Một đôi đũa ngà lại có thể làm mất cả giang sơn, giáo huấn như thế tất nhiên gây đau xót khắc sâu, có thể làm bài học rất tốt cho người đời sau. Như vậy, mọi người đặt câu hỏi: Một đời đế vương tại sao có thể bị hủy chỉ vì một đôi đũa ngà đây? Mấu chốt không nằm tại bản thân đôi đũa, mà nằm ở suy nghĩ của người thống trị muốn cái gì, tôn trọng cái gì, cá nhân ông ta đối xử với các đồ vật tương tự đôi đũa ngà như thế nào, hơn nữa chính mình lại dùng tác phong sinh hoạt dạng nào ảnh hưởng đến chúng thuộc hạ.
Thời đại của Trụ Vương, bậc đế vương có thể sử dụng đũa ngà chính là một loại biểu hiện tôn quý, là một chuyện vinh quang sự tình, cũng là chuyện đương nhiên. Thế nhưng ông không nhận thức được rằng dùng đũa ngà là một hành vi phóng túng sự xa xỉ, phóng túng sự truy đuổi dục vọng – tựa như rất nhiều người thời nay, đã có đũa ngà còn muốn dùng chén ngọc, cứ như vậy tiếp tục phối hợp thì bữa ăn nhất định phải toàn món ngon vật lạ, mỗi ngày mặc hàng hiệu, đeo trang sức quý báu, đi xe Lamborghini, ở nhà mấy chục triệu một mét vuông… Như thế chắc chắn sẽ khiến chính mình đi vào ngõ cụt, mệt mỏi theo đuổi dục vọng.
Thật ra thì tài vật của mỗi người, bất kể là nhà ở, xe, tiền… dù là hữu hình hay vô hình, không có cái nào thực sự thuộc về chính bạn. Những vật kia bất quá chỉ tạm thời ký thác với bạn, để bạn tạm thời sử dụng, tạm thời bảo quản mà thôi, đến cuối cùng vật quy về người chủ nào còn chưa biết. Cho nên các bậc trí giả đều xem hết thảy tài phú này chỉ là vật ngoài thân, khi sinh không mang đến được khi chết chẳng thể mang theo đi
Rất nhiều người thân ở nghịch cảnh, gập ghềnh, nhưng dựa vào cố gắng của mình cuối cùng có thể đi tới thành công. Tuy nhiên, nếu đổi thành một số người thường bị hấp dẫn bởi lợi ích trước mắt mà đánh mất phương hướng tiến lên, thì cả đời vô duyên với thành công.
Dù cho có được cả thế giới, chúng ta một ngày cũng chỉ có thể ăn 3 bữa cơm, mỗi lần ngủ cũng chỉ có thể nằm trên một chiếc giường. Ban đầu là người tốt, nhưng nếu không thể khắc chế dục vọng của chính mình mà để cho lòng tham lớn lên thì người tốt cũng có thể biến thành người xấu.
Trên thế giới thật sự có rất nhiều thứ tốt đẹp tính không hết nổi. Chúng ta luôn hy vọng đạt được thật nhiều thứ tốt, nhưng dục vọng quá nhiều ngược lại sẽ thành vướng bận, có cái gì có thể khiến bản thân thỏa mãn ngoài cái tâm xem nhẹ danh lợi? Do đó, con người sống trên đời cần biết dừng, biết đủ, tiết chế dục vọng mới có thể an nhiên tự tại giữa thế sự luôn đổi thay từng ngày.
Bờ đê ngàn dặm vì hang kiến mà sập
Câu nói “Thiên lý chi đê, hội vu nghĩ huyệt” (Bờ đê ngàn dặm vì hang kiến mà sập) xuất phát từ “Hàn Phi Tử – Dụ Lão” của Hàn Phi.
“Bờ đê ngàn dặm, cũng sập vì hang kiến; Nhà cao trăm tầng, vì khói trong ống khói mà cháy”, một tổ kiến nhỏ bé, có thể khiến bờ đê cao trăm dặm đổ sập; cũng như vậy, chuyện nhỏ không cẩn thận sẽ gây ra họa lớn.
Tương truyền Trung Hoa thời xưa có một thôn trang gần bờ sông Hoàng Hà. Vì để phòng chống lụt lội, nông dân trong thôn xây đắp một bờ đê kiên cố. Ngày nọ, một người nông dân lớn tuổi vô tình phát hiện ra lỗ kiến, chỉ trong chốc lát đã sinh sôi nảy nở nhiều lên. Trong lòng ông tự hỏi, những lỗ kiến này có ảnh hưởng đến an toàn của bờ đê hay không?
Ông định quay về thôn báo cáo, trên đường đúng lúc gặp con trai mình. Sau khi nghe xong ý định của cha, con trai ông lão tỏ ra không chút quan tâm và nói rằng: Bờ đê kiên cố như vậy, còn sợ mấy con kiến nhỏ bé sao? Buổi tối hôm đó, mưa gió bão bùng, mực nước dâng cao, nước sông dữ dội từ các lỗ hổng của tổ kiến chảy vào liên tục, cuối cùng bờ đê nổ tung, làm ngập một vùng thôn trang và ruộng vườn bên sông.
Việc nhỏ có thể thành tựu một người, nhưng việc nhỏ cũng có thể làm hủy hoại một con người, thậm chí một quốc gia. Vậy nên cổ nhân mới có câu: “Mang chí lớn, nể tiểu tiết”. Bắt đầu từ việc nhỏ, từ xung quanh mình, chân đi vững bước, sau đó ắt thành tựu tự mình.
Thiện Thành (Theo Epoch Times)