Mọi người thường cho rằng “Tây Du Ký” là một câu chuyện tu luyện, nội dung là do Ngô Thừa Ân chế tác. Kỳ thực, rất nhiều sự việc trong đó có thể đều là chân thật cả. Chỉ là vì liên quan đến một số sự tình không thể lý giải được, người ta mới bèn nói nó là hư cấu vậy.
Trong “Tây Du Ký” có một đất nước gọi là “Nữ nhi quốc”, vô cùng kỳ lạ. Ngày nay chúng ta có thể đi khắp nơi trên thế giới, cũng không thể tìm được đất nước này. Vậy Ngô Thừa Ân đang nói bừa chăng? Kỳ thực, có thể đất nước này tồn tại ở một không gian khác mà mắt thường của con người không nhìn thấy được. Và có thể đất nước này là do Thần Tiên biến hóa ra để thử thách Đường Tăng.
Vậy nên, không thấy chưa hẳn là không tồn tại, kết luận vội vã có thể khiến bạn mắc sai lầm.
Trong “Đại Đường Tam Tạng thỉnh kinh thi thoại” (tiểu thuyết xen thơ về chuyến đi thỉnh kinh của ĐườngTam Tạng) có ghi lại rằng:
“Đường Tăng đi vào bên trong, nhìn thấy hoa thơm khắp phòng, tầng tầng thất bảo; hai hàng đều là nữ nhân, tuổi mới mười tám đôi mươi, dịu dàng xinh đẹp, chân mày lá liễu, mắt sáng như sao, môi châu răng ngọc, mặt đào da tuyết, y phục tươi tắn, lời nói nhẹ nhàng; thế gian thật khó ai sánh kịp.
Vừa thấy Đường Tăng đi vào, các cô mặt mày tươi cười, cúi đầu e thẹn, bước lên tâu rằng: ‘Khởi tấu hòa thượng, đây là nữ nhi quốc, đều không có đàn ông. Hôm nay được thấy hòa thượng đến đây, mong ở lại đây, chúng tôi nguyện xây cất tự viện, mời hòa thượng làm trụ trì nơi đây. Được vậy thật đúng là phúc của nữ nhi quốc. Ngày ngày chúng tôi sẽ thức khuya dậy sớm, đến chùa thắp hương, nghe kinh nghe Pháp, gieo trồng thiện căn; hơn nữa lại được thấy đàn ông, thật đúng là nhân duyên bao đời. Không biết ý chỉ hòa thượng thế nào?’.
Pháp sư nói: ‘Tôi vì chúng sinh Đông thổ, sao lại có thể ở lại tự viện nơi đây được?’.
Nữ vương nói: ‘Hòa thượng sư huynh, há chẳng nghe cổ nhân nói: con người ta sống một đời, không sống hai kiếp. Vậy nên huynh hãy ở nơi này, làm quốc chủ của chúng tôi, cũng rất là tốt cho một đoạn tình sử phong lưu!’.
Hòa thượng từ chối hết lần này đến lần khác, rồi quyết định từ biệt. Hai hàng nữ nhân, nước mắt lưng tròng, mặt mày buồn bã, nói với nhau rằng: ‘Ra đi lần này khi nào mới nhìn thấy mặt đàn ông đây?’.
Nữ vương liền lấy năm viên dạ minh châu, một con bạch mã, tặng cho hòa thượng dùng trong chuyến đi. Đường Tăng hợp thập cảm tạ … Nữ vương thấy Đường Tăng thật sự không nguyện ý, nên cũng không cưỡng cầu chi thêm”.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ nhất ở đây lại là câu thơ của Nữ vương:
“Thử trung biệt thị nhất gia tiên,
Tống nhữ tiền trình vãng trúc thiên.
Yếu thức nữ vương tính danh tự,
Tiện thị Văn Thù cập Phổ Hiền“.
Tạm dịch:
Trong này hẳn là một nhà tiên,
Tiễn huynh đi về nơi Thiên Trúc.
Muốn biết nữ vương họ tên chi,
Chính là Văn Thù cùng Phổ Hiền.
Lẽ nào thật sự là Thần Tiên biến hóa để thử thách Đường Tăng chăng? Ở đây không dám nói lung tung và khẳng định, chỉ là từ trong câu từ mà đưa ra một gợi ý và nghi vấn như vậy.
“Tây Du Ký” có lẽ là cải biên từ “Đại Đường Tam Tạng thỉnh kinh thi thoại”, nhưng tình tiết đã trở nên sinh động và thú vị hơn.
Tiểu Thiện, dịch từ epochtimes.com