Hình ảnh những chàng võ sĩ samurai khi chiến đấu với kẻ thù đã rất đỗi quen thuộc với nhiều người. Và thanh kiếm Nhật trong tay các samurai cũng nổi tiếng trên toàn thế giới, bởi nó không chỉ là vũ khí hữu hiệu mà còn là những tác phẩm nghệ thuật đích thực.
Sách sử ghi lại, thanh kiếm Nhật Bản, tiếng Nhật gọi là Nihonto, có nguồn gốc từ thế kỷ 8. Những thanh kiếm Nhật Bản đặc biệt gây ấn tượng và được chú ý vì nghề luyện thép của Nhật Bản sớm đạt kỹ thuật điêu luyện và vì kiếm Nhật có hình dáng thanh nhã, những đường gờ, vân và nước thép tuyệt vời. Trong suốt hơn 12 thế kỷ, thanh kiếm có ý nghĩa tinh thần vô cùng to lớn đối với người Nhật. Cùng với gương và bảo ngọc, nó là một trong 3 biểu tượng của Hoàng gia.
Để làm ra thanh kiếm vừa là vũ khí, vừa là một hình thức nghệ thuật, cần có 2 điều kiện: thứ nhất, phải có thời gian ổn định đủ để các thợ rèn kiếm chuyên tâm vào công việc của mình; thứ hai, phải tồn tại sự bất ổn đủ để tạo ra nhu cầu về kiếm. 500 năm đầu tiên trong lịch sử thanh kiếm Nhật Bản hội tụ cả hai điều kiện này. Hầu hết những trận chiến huyền thoại xảy ra vào thời gian đó.
Truyền thuyết Nhật Bản kể rằng người thợ rèn kiếm tài ba Amakuni vào khoảng năm 720, chính là người đã sáng tạo ra thanh kiếm đặc thù Nhật Bản: kiếm dài, 1 cạnh sắc, cong, và cầm bằng hai tay. Trước đó, các thanh kiếm ở Nhật đều là bắt chước kiếm của Trung Quốc và Triều Tiên: cũng là loại cầm bằng hai tay nhưng thẳng và có 1 hoặc 2 cạnh sắc.
Nghề rèn kiếm của Nhật Bản rất được kính trọng. Xưa kia, những thợ rèn kiếm thường là yamabushi, tức là thành viên của giáo phái Shugendo theo lối sống khắc kỷ và hoàn toàn thờ phụng tôn giáo. Có gần 200 trường dạy nghệ nhân rèn kiếm trên toàn Nhật Bản, mỗi trường có lịch sử và những đặc điểm riêng rõ rệt.
Kỹ thuật luyện thép được đưa vào Nhật Bản khoảng thế kỷ 3 đến thế kỷ 5, và ngay từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 10, Nhật Bản đã làm ra những lưỡi kiếm cực kỳ sắc bén. Sau khi luyện, thép kawagane được quai búa nhiều lần thành các tấm thép mỏng, sau đó làm cho cứng lại, đập thành những miếng nhỏ như đồng xu, rồi được rèn thành loại thép shingane không bị giòn nên khó bị gãy hơn. Quy trình rèn nhiều lần như vậy tạo ra lưỡi kiếm Nhật Bản có chất lượng độc đáo với những đường vân giống như gỗ.
Theo nhatban.vietnhat.tv