Các nhà khoa học từng khẳng định, có thể dùng ánh sáng mặt trời hội tụ để đổi hướng các thiên thạch sáng màu lao vào trái đất. Tuy nhiên, phương pháp này hoàn toàn vô dụng với những loại thiên thạch tối màu.
Theo lý thuyết, số lượng lớn ánh sáng mặt trời hội tụ chiếu vào những điểm được xác định trước trên các tiểu hành tinh sẽ đủ sức giúp các thiên thạch chuẩn bị lao vào trái đất đổi hướng. Theo đó, ánh sáng mặt trời hội tụ sẽ được chiếu vào các điểm nhất định, làm chúng nóng tới hơn 2.000 độ C, khiến vật chất nóng chảy và giải phóng khí đủ khiến các thiên thạch chuyển hướng.
Tuy nhiên, ánh sáng mặt trời hội tụ sẽ không đạt tới nhiệt độ cần thiết nếu tiểu hành tinh chuẩn bị lao vào trái đất được hình thành từ loại đá đen, giúp nó có khả năng hấp thụ nhiệt, khiến năng lượng chiếu vào thiên thạch bị khuếch tán nhiệt, tránh cho điểm bị chiếu vào nóng chảy. Do đó, lý thuyết dùng gương hội tụ ánh nắng mặt trời để làm đổi hướng các thiên thạch loại này gần như không có tác dụng. Chính vì lẽ đó, một nhóm nghiên cứu đang đề xuất khả năng sử dụng một khẩu súng sơn khổng lồ, được tàu vũ trụ đưa tới gần các thiên thạch tối màu có nguy cơ lao vào trái đất, nhuộm màu chúng bằng chất bột sơn đặc biệt nhằm tăng gấp nhiều lần khả năng nóng chảy của thiên thạch khi bị ánh nắng mặt trời chiếu vào. Sáng kiến trên được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế về thiên văn ở Neples, Italy. Trong hội nghị này, nhiều sáng kiến về việc làm chệch hướng các tiểu hành tinh có nguy cơ va vào trái đất đã được đưa ra nhằm thay thế những quan niệm truyền thống như sử dụng tên lửa hay vũ khí hạt nhân để xóa bỏ nguy cơ từ tiểu hành tinh. Dường như việc sơn màu tiểu hành tinh được đánh giá cao hơn so với việc sử dụng tên lửa hay lực kéo của các tàu vũ trụ buộc những vật thể có khả năng va chạm với địa cầu phải chuyển hướng. Phương pháp này cũng gây ra ít mối đe dọa với trái đất và các vệ tinh hơn là việc cho nổ tung thiên thạch bằng vũ khí hạt nhân. Sở dĩ, cách thức làm chuyển hướng thiên thạch được quan tâm đặc biệt trong Hội nghị lần này bởi các nhà khoa học cảnh báo, một tiểu hành tinh nặng 27 gigaton (tương đương 27 tỷ tấn) có khả năng lao vào trái đất trong năm 2029 và tiến sát hơn vào năm 2036. Với kích cỡ khổng lồ của tiểu hành tinh kể trên, hàng trăm triệu người trên trái đất sẽ thiệt mạng nếu như vụ va chạm xảy ra.
Tuy nhiên, chỉ với 5 tấn sơn đặc biệt, có thể tiểu hành tinh trên sẽ không còn cơ hội tiến gần trái đất. Theo lý thuyết của Sung Wook Paek, tốt nghiệp chuyên ngành Hàng không vũ trụ Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, lượng sơn đặc biệt được đưa vào các điểm đã định trên các thiên thạch tối màu sẽ khiến chúng bị ánh sáng mặt trời làm cho nóng chảy, giải phóng khí và nhiệt đẩy thiên thạch ra xa quỹ đạo va chạm với trái đất. Lý thuyết của Sung Wook Paek và các cộng sự cho rằng, chỉ cần tàu vũ trụ đưa các quả bóng chứa loại sơn đặc biệt vào 2 điểm định sẵn của thiên thạch sau đó kích nổ chúng, ánh sáng mặt trời sẽ tự làm nóng chảy lượng vật chất trên các điểm bị sơn bao phủ, đẩy thiên thạch đi chệch quỹ đạo có nguy cơ va chạm với trái đất. Hồng Duy Theo Infonet |
Theo Zing