Các công trình kiến trúc của người Ai Cập cổ đại đã khiến các nhà sử học và khảo cổ học bối rối suốt nhiều năm qua. Thậm chí ngày nay, những kỹ sư giỏi nhất trên thế giới cũng không thể hiểu được nền văn minh cổ xưa này đã xây dựng những công trình đó bằng cách nào.
Phải chăng người Ai Cập cổ đại đã biết dùng khoan?
Những thành tựu công nghệ tiên tiến của nền văn minh Ai Cập cổ như các kim tự tháp, đền thờ,… đã đưa đến một giả thuyết rằng, người Ai Cập cổ đại sở hữu một nền công nghệ tiên tiến hơn nhiều so với những gì các sử gia tưởng tượng. Và giờ đây, có lẽ đã có bằng chứng chứng minh giả thuyết này là đúng.
Một trong những điều khó hiểu nhất về khả năng kiến trúc của người Ai Cập cổ là họ rất ít dùng đến sắt trong quá trình xây dựng. Vật liệu này chỉ trở nên phổ biến vào thế kỷ 7 TCN khi những đội quân Assyria đến xâm lược.
Thực tế, người Ai Cập cổ cho rằng sắt là một kim loại không tinh khiết, và thường được liên hệ với thần Seth, vị thần đại diện cho cái ác. Và việc người Ai Cập cổ đại không sử dụng sắt để điêu khắc hay làm công cụ đã khiến các nhà sử học không thể hiểu nổi, vì rõ ràng việc xây dựng các công trình kiến trúc phải dùng đến những công cụ rất cứng chắc.
Người ta đã kiểm tra thấy các kim tự tháp được xây dựng từ các vật liệu như bazan, granit, thạch anh và diorit, tất cả đều rất khó để khoan cắt hay chạm khắc ngay cả khi sử dụng các công cụ bằng sắt.
Theo một số báo cáo, người Ai Cập cổ thường sử dụng công cụ bằng đồng được cho là có độ bền, chắc kém hơn so với sắt. Do đó, một câu hỏi đã phát sinh là làm thế nào họ có thể tạo ra những công trình với các tảng đá lớn chỉ với những công cụ thô sơ như vậy.
Trong những năm qua, các nhà khảo cổ học cũng phát hiện một số di tích thời Ai Cập cổ đang xây dựng dở dang, và nó cho thấy những dấu hiệu về cách chúng được hình thành.
Điều thú vị về những công trình chưa hoàn thành này là chúng dường như được tạo ra bởi một công nghệ tiên tiến mà con người ngày nay vẫn chưa tìm ra.
Một nền công nghệ tiên tiến cổ đại bị đánh mất
Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Sir William Flinders Petrie đã gây dựng được danh tiếng cho mình như một nhà Ai Cập học vĩ đại nhất trong thời đại ông sống. Một trong những khám phá đáng chú ý nhất của ông là một số lõi khoan được cho là xuất hiện từ thời Ai Cập cổ. Các lõi khoan này, hiện đang được lưu giữ tại Đại học London. Nó chứa các nguyên liệu cứng chắc như đá vôi, thạch cao và đá granite.
Trong nhiều năm, một số vật thể tương tự đã được phát hiện nhưng lại thường không được trưng bày cho công chúng vì lý do là không phù hợp với mô hình quan điểm hiện đại đối với những gì người ta hiểu về xã hội Ai Cập cổ.
Mặc dù vậy, các sử gia như Chris Dunn, người được tiếp cận với những đồ tạo tác kỳ lạ này đã kết luận rằng chúng có thể sẽ cho hiệu quả tốt hơn và ăn sâu vào vật liệu hơn so với các mũi khoan sắt hiện đại được sử dụng cho các mục đích tương tự, tuy nhiên về tốc độ có thể sẽ không nhanh bằng máy khoan hiện đại.
Thậm chí kỳ lạ hơn là những công cụ này đã không được đề cập đến trong các văn tự mà người Ai Cập cổ đại ghi chép. Có giả thuyết cho rằng, chúng đã không được tạo ra bởi người Ai Cập cổ.
Thay vào đó, người ta tin rằng công nghệ này được tạo ra bởi một nền văn minh nào đó thậm chí còn tiên tiến hơn từng xuất hiện trước người Ai Cập cổ. Vậy họ là ai? Và làm thế nào họ có thể nắm vững những công nghệ tiên tiến như vậy từ rất lâu về trước? Điều đó cho đến nay vẫn là một bí ẩn.
Tinh Hoa (t/h)