Hổ là một loài động vật vô cùng đặc biệt, chúng vừa có linh tính, lại có thể phân biệt người tốt xấu. Trong các truyền thuyết xa xưa kể về hổ cũng vô cùng ly kỳ.
Người mẹ kiếp trước tạo nghiệp, kiếp này biến thành hổ
Năm Nghĩa Hy thứ 4 thời nhà Tấn, ở huyện Thái Mạt quận Đông Dương có một người tên là Ngô Đạo Tông, từ nhỏ đã mất cha, mãi cho đến khi trưởng thành vẫn chưa cưới được vợ, bình thường luôn sống cùng với mẹ.
Một hôm nọ, Ngô Đạo Tông đi ra ngoài, có người hàng xóm nghe thấy trong nhà anh ta phát ra âm thanh cựa quậy soàn soạt, bèn rón rén bước vào trong xem thử, thì không thấy mẹ anh ta đâu cả, mà chỉ thấy một con hổ vằn đen đang ở bên trong.
Người hàng xóm này sợ là con hổ sẽ ăn thịt mẹ của Ngô Đạo Tông, nên khua chiêng gõ trống triệu tập người dân trong làng cùng đến giải cứu.
Trong lúc đám đông bao vây căn nhà, cầm những món đồ sắc nhọn đột ngột xông vào bên trong thì không thấy con hổ nữa, mà chỉ trông thấy người mẹ đang nằm trên giường như mọi ngày, thần thái nói chuyện cũng không có gì thay đổi. Bà ấy không hiểu tại sao nhiều người lại xông vào nhà mình như vậy.
Đợi đến đêm khi Ngô Đạo Tông trở về, người mẹ nói với anh ta rằng “Những tội lỗi mà kiếp trước mẹ đã gây ra giờ phải chịu trừng phạt rồi, sắp tới sẽ xảy ra một số chuyện”.
Thế là một tháng sau, người mẹ bỗng nhiên mất tích. Liên tiếp sau đó là rất nhiều vụ hổ làm chết người xảy ra trong toàn huyện, ai nấy đều bảo rằng đó là do một con hổ vằn đen gây ra.
Người dân trong huyện đều sợ bị hổ ăn thịt, nên rất nhiều người đã tập trung lại để cùng đi bắt nó, tuy nhiên kết quả lại khiến vài người bị trọng thương.
Sau đó có người dùng cung tên bắn trúng vào ngực nó, rồi dùng chùy đâm vào bụng nó. Mọi người nhìn thấy con hổ chỉ còn thở lay lắt, biết rằng nó sống không nổi nữa mới bỏ đi.
Nhưng con hổ này không chết ngay lúc đó, qua mấy ngày sau, nó chầm chậm về lại ngôi nhà của Ngô Đạo Tông, nhưng nó đã không thể hồi phục lại hình người được nữa, mà leo lên giường nằm đó rồi chết.
Ngô Đạo Tông đau lòng gào khóc thảm thiết, sau đó an táng cho con hổ này như đang an táng cho mẹ của mình.
Hổ hóa thân thành thiếu nữ
Năm Thái Nguyên thứ 5 thời Tấn Hiếu Vũ Đế, ở huyện Tiều quận Tiều, có một người tên Viên Song do nhà nghèo nên được người ta thuê đi làm mướn.
Một đêm nọ, khi anh ta đang trên đường về nhà thì gặp một cô gái, khoảng 15, 16 tuổi, dung mạo đoan trang. Viên Song tiến lên trước mặt cô gái hỏi chuyện, hai người tâm tình qua lại với nhau, kết quả cô gái đó đã trở thành vợ của Viên Song.
Vài năm sau, tài sản nhà Viên Song ngày càng nhiều hơn, còn sinh được hai đứa con trai nữa. Lại qua 10 năm, gia đình họ đã trở thành phú hộ cực giàu có trong vùng.
Sau này người dân trong làng mới phát hiện ra một chuyện, hễ trong làng có người nào vừa chết được đem đi mai táng, thì cô gái này sẽ chạy đến ngôi mộ, cởi hết quần áo và trang sức treo lên cây, lắc người một cái thì biến thành một con hổ.
Con hổ này trèo lên mộ, đào lấy quan tài, và ăn xác chết bên trong đó. Sau khi ăn no thì con hổ đó biến lại thành người.
Sau khi có người nhìn thấy cảnh tượng đó, đã len lén đến nói với Viên Song rằng: “Vợ của ông không phải là người, e là sau này sẽ hại ông đó!”. Viên Song nghe xong cho đó là chuyện nhảm nhí.
Qua một quãng thời gian, lại có người chết, người phụ nữ này lại đi ăn xác chết. Có người dẫn Viên Song đến tận nơi để chứng kiến. Khi này Viên Song mới biết những gì người ta nói đều là sự thật. Sau đó, người phụ nữ đó đã rời khỏi huyện đi đến vùng hẻo lánh để ăn thịt xác chết.
Vợ chết biến thành vua hổ
Thời nhà Tấn, vợ của Nghiêm Mãnh ra ngoài lấy củi thì bị hổ hại chết. Sau đó có một hôm, Nghiêm Mãnh đi lên thảo nguyên, thì đột nhiên nhìn thấy vợ của mình.
Người vợ nói với ông rằng: “Hôm nay anh đi đường nhất định sẽ gặp phải chuyện không lành, em sẽ giải trừ cho anh”.
Sau đó họ đã đi cùng nhau. Bỗng gặp một con hổ từ đâu lao ra, xông thẳng về phía Nghiêm Mãnh. Người vợ giơ tay lên huơ qua lại không ngừng, dáng vẻ như là đang che chở.
Không lâu sau, có một người Hồ cầm chùy đi ngang qua, người vợ chỉ tay về phía người Hồ đó, con hổ cũng liền chuyển sang tấn công anh ta, Nghiêm Mãnh vì thế mà may mắn thoát nạn.
Nhật Hạ biên dịch