Sắt là nguyên liệu để tổng hợp Hemoglobin – thành phần quan trọng thực hiện chức năng của hồng cầu. Thiếu sắt có thể gây mệt mỏi và làm giảm khả năng làm việc thể chất ở người lớn, cũng như có thể ảnh hưởng đến trí nhớ hoặc các chức năng tâm thần khác.
Sắt là một khoáng chất cần thiết đối với các cơ quan trong cơ thể, tủy xương cần sắt để tạo ra tế bào hồng cầu. Sắt đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc của các phân tử hemoglobin. Sắt cũng giúp cơ bắp dự trữ và sử dụng ôxy.
Thiếu sắt có thể gây mệt mỏi và làm giảm khả năng làm việc thể chất ở người lớn, cũng như có thể ảnh hưởng đến trí nhớ hoặc các chức năng tâm thần khác ở tuổi thiếu niên. Các biểu hiện mất ngủ, mệt mỏi, kém chú ý, kém tập trung, dễ bị kích thích hay gặp ở những người thiếu máu. Kết quả học tập của học sinh bị thiếu máu thấp hơn hẳn so với trẻ không bị thiếu máu và có thể khắc phục được sau khi bổ sung thêm viên sắt.
Thiếu sắt gây bệnh thiếu máu dinh dưỡng và các rối loạn do thiếu sắt. Khi thiếu máu, khả năng vận chuyển khí ôxy của hồng cầu bị giảm làm thiếu ôxy ở các tổ chức, đặc biệt là tim, cơ bắp, não, gây nên các hiện tượng tim đập mạnh, hoa mắt chóng mặt, cơ bắp yếu và cuối cùng là cơ thể mỏi mệt, giảm khả năng lao động chân tay và trí óc, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày.
Thiếu máu có thể do dinh dưỡng không đầy đủ, mất máu mãn tính hoặc do cơ thể suy nhược. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì y học cũng khuyến cáo mỗi người nên quan tâm đến nguyên tắc đầy đủ chất và cân đối trong chế độ dinh dưỡng.
Bệnh nhân thiếu máu cần tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin như vitamin B12 trong các thực phẩm giàu chất đạm, vitamin C trong rau cải và trái cây tươi. Để phòng ngừa nguy cơ thiếu sắt thiếu máu, có thể bổ sung sắt qua những thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.
Chế độ dinh dưỡng trong điều trị thiếu máu thiếu sắt
Chế độ dinh dưỡng trong điều trị thiếu máu thiếu sắt bao gồm: đủ năng lượng, giàu đạm nguồn động vật, đủ vitamin C, hạn chế các thực phẩm ảnh hưởng đến hấp thu sắt và chế biến thực phẩm sao cho đảm bảo hấp thu sắt tốt hơn.
Ngoài ra dưới đây, Tinh hoa tổng hợp một số thực phẩm dạng hạt có màu đỏ, chứa nhiều sắt mà đông y khuyên dùng cho những bệnh liên quan đến thiếu sắt, và một số bệnh phổ biến khác, giúp bạn đọc bổ sung và duy trì lượng sắt cần thiết cho hoạt động của cơ thể.
Hạt đậu đỏ
Đậu đỏ nhỏ hạt (xích tiểu đậu) tính bình, vị ngọt chua, có công dụng lợi tiểu, trừ mủ, tiêu ung nhọt độc… Theo y học hiện đại, xích tiểu đậu có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, lợi tiểu, hạ cholesterol và chống ung thư. Sau đây là một số bài thuốc từ loại đậu này.
Chữa các bệnh phù do xơ gan: Cá quả 1 con (khoảng 250 g), bí đao 500 g, xích tiểu đậu 60 g, hành 3 cây. Cá quả đánh vẩy, rửa sạch mang và nội tạng; bí đao rửa sạch, thái miếng; đậu đỏ rửa sạch, thái thành từng đoạn. Tất cả cho vào luộc chín nhừ, không cho muối, ăn trong ngày.
Chữa sản dịch, huyết hôi ở sản phụ: Xích tiểu đậu 50-100 g, đường đỏ lượng vừa phải, nấu nhừ lên, ăn hết trong ngày.
Hạt gấc
Đông y gọi hạt gấc là “mộc miết tử” – con ba ba gỗ. Theo các sách cổ, nhân hạt gấc vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc, vào 2 kinh can và đại tràng, có tác dụng chữa mụn nhọt, sưng tấy, tràng nhạc, lở loét, sưng vú, tắt tia sữa, chấn thương, ứ huyết…
Trị đau khớp, vết cắn, vết thương do đụng giập, ngã: Dùng bông gòn y tế, chấm thuốc rượu gấc xoa lên chỗ đau, có tác dụng tốt gần như mật gấu.
Chữa trĩ: Có thể dùng hạt gấc giã nát, thêm một ít giấm thanh, gói bằng vải, đắp vào hậu môn để suốt đêm. Mỗi đêm đắp thuốc một lần.
Chữa chai chân: Lấy nhân hạt gấc, giữ cả màng hạt, giã nát, thêm một ít rượu trắng 35 – 40 độ, bọc trong một cái túi nilon. Dán kín miệng túi, khoét một lỗ nhỏ rộng gần bằng chỗ chai chân, buộc vào nơi tổn thương, 2 ngày thay thuốc một lần. Băng liên tục cho đến khi chỗ chai chân rụng ra (khoảng 5 – 7 ngày sẽ có kết quả).
Chữa sưng vú: Hạt gấc bỏ vỏ, sao vàng, tán bột mịn, uống mỗi ngày nửa thìa cà phê sau bữa ăn, ngày uống 2 lần, cần uống 5 ngày liền, bên ngoài dùng nhân hạt gấc mài với giấm hoặc ngâm rượu bôi vào chỗ đau, ngày 3 – 4 lần.
Chữa bướu hạch: Hạt gấc bỏ vỏ cứng rang khô, tán thành bột (chú ý khi rang cần cho hạt gấc cháy nám đen), mỗi lần uống 1 thìa cà phê, ngày uống 3 lần sau bữa ăn, uống 5 ngày liền, bên ngoài dùng nhựa cây đại bôi vào chỗ đau, hạt gấc ngâm rượu làm cồn thoa bóp.
Hạt lựu đỏ
Hạt lựu là loại trái cây nhiệt đới chứa nhiều đường, chất khoáng và vitamin. Hạt lựu không nóng, được dùng để chế biến nước giải khát cho cơ thể.
Để trị đại tiện ra máu, tiêu chảy kéo dài, lấy ruột quả lựu sấy khô, tán bột. Mỗi lần 10-12g với nước cơm. Hoặc 1 quả lựu tươi nguyên vỏ giã nát sắc với mấy hạt muối để uống.
Để thanh thử, giải nhiệt, ngừa ra nhiều mồ hôi vào mùa hè, bạn hãy nấu canh cho một số hạt lựu tươi. Canh này còn phòng chữa chứng đau đầu ở phụ nữ và giúp trẻ em tiêu hoá tốt.
Hạt lạc đỏ
Theo Đông y, nhân lạc có tính bình, vị ngọt béo. Có tác dụng nhuận phế, hòa vị, trừ đàm, chỉ huyết. Chủ yếu dùng để chữa ho khan, ít sữa, thiếu máu, thiếu tiểu cầu, bệnh dạ dày mạn tính, viêm thận mạn, cước khí.
Thiếu máu do huyết hư: Hạt lạc cả vỏ lụa 12-18g chia làm 2, nấu ăn trong ngày. Ăn thường xuyên sẽ có hiệu quả rõ. Bổ khí dưỡng huyết: Canh gân bò, đỗ, lạc. Gân chân bò 100g, lạc cả vỏ lụa 100-150g. Hầm cho nhừ nhuyễn lạc là ăn được.
Bổ huyết, sinh huyết: Xương sống lợn hầm lạc, xương sống lợn 500g, lạc nhân cả vỏ lụa 100g. Hầm nhừ ăn cái uống nước. Ngày 1 lần.
Chữa tiểu cầu giảm, máu chậm đông: Lạc nhân rang để cả vỏ lụa 60g chia làm 4 lần, nhai ăn trong ngày. Có tác dụng bổ tỳ, ích vị, dưỡng huyết, cầm máu.
Bổ khí huyết, tăng tiết sữa (do khí huyết kém): Lạc nhân (cả vỏ lụa) 50g, nấm hương 20g, 1 chân giò, thái miếng lấy phần nhiều nạc ít mỡ. Hầm nhừ, ngày ăn một lần hoặc cách ngày một lần.
Chúc Di (t/h)