Khi phát hiện những thực phẩm đã bị mốc do để lâu ngày, hầu hết chúng ta đều bỏ chúng đi. Tuy nhiên, thật ra có một số loại thực phẩm khi bị mốc vẫn có thể dùng được mà không gây hại cho sức khỏe.
Các loại rau quả cứng
Những loại rau quả cứng như táo, cà rốt, bắp cải… vẫn có thể ăn được sau khi đã cắt bỏ phần bị mốc. Đơn giản là bởi nấm mốc rất khó sinh sôi xuyên qua những vật chất cứng, vậy nên một khi phần còn lại của rau quả còn chưa bị “tấn công”, bạn vẫn có thể ăn chúng ngon lành. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý nhớ cắt thêm ra ngoài viền của chỗ mốc một khoảng cỡ 2-3cm.
Phô mai
Cũng giống như rau quả, những loại phô mai cứng như parmesan, cheddar thường nấm mốc không ăn sâu vào bên trong và cũng phải mất thời gian lâu mới có thể tấn công được. Nên khi thấy chúng bị mốc thì bạn chỉ cần lấy dao cắt bỏ phần mốc ở bên ngoài đi, nên nhớ là đừng để dao cắt phần bị mốc dính vào phần pho mát phía trong vì phần trong vẫn còn ăn được.
Thịt khô, cá khô, xúc xích khô (salami), lạp xưởng, đùi lợn muối
Khi phát hiện nấm mốc trên bề mặt salami, thịt khô, cá khô hay lạp xưởng… bạn có thể rửa sạch nấm mốc hoặc cắt bỏ nó và lại tiếp tục ăn được những phần chưa bị mốc.
Hành tây
Nếu củ hành tây của bạn chỉ bị mốc lớp vỏ bên ngoài, bạn chỉ cần cắt bỏ những lớp mốc đó đi. Sau đó bạn vẫn có thể chế biến món ăn như bình thường. Trường hợp bị mốc quá nhiều, bạn hãy nghĩ tới việc vứt bỏ.
Chanh hoặc cam
Nếu trái cam hoặc chanh chỉ bị mốc chút ở trên bề mặt, đừng lo vì bạn hoàn toàn có thể loại bỏ được. Việc bạn cần làm là lấy một miếng vải sạch, nhúng chúng vào trong nước nóng hoặc giấm. Sau đó lau thật sạch phần mốc trên bề mặt của quả chanh hoặc cam.
Tiếp theo đó bạn chỉ cần lột vỏ của chúng ra và nếu bên trong không bị mốc thì bạn có thể sử dụng chúng bình thường.
Ngoài ra, có những thực phẩm phải vứt đi ngay khi phát hiện bị mốc như:
Thịt đông lạnh, thịt hun khói, xúc xích
Các loại thịt đông lạnh thường rất hiếm khi bị mốc, vì hàm lượng cao natri và nitrit trong thịt giúp giảm độ ẩm và ngăn vi khuẩn phát triển. Nhưng hiếm không có nghĩa là hoàn toàn không có. Một khi thịt đã bị mốc, hãy lập tức vứt đi toàn bộ, không thể vì tiếc mà giữ lại những chỗ chưa thấy mốc.
Mỳ Ý, ngũ cốc đã chế biến
Mặc dù bạn cho rằng loại bỏ hết những chỗ bị mốc là đã an toàn, nhưng vi khuẩn mốc có thể ở mọi chỗ bạn không nhìn thấy. Vậy nên, nếu đã phát hiện nấm mốc trên mỳ Ý hay ngũ cốc đã chế biến, hãy vứt nó ngay.
Sữa chua, kem chua
Những sản phẩm được lên men bằng vi khuẩn thì lại càng dễ bị mốc, nhưng chúng không phải những vi khuẩn an toàn có thể ăn được. Vậy nên đừng ăn cố sữa chua hay kem chua khi đã phát hiện dấu hiệu của mốc nhé.
Bơ đậu phộng, các loại hạt
Mọi người thường nghĩ rằng các loại hạt thì rất khó mốc, nhưng thực tế là chúng vẫn có thể mốc và gây nguy hiểm cho người ăn. Kiểm tra thật kỹ các loại hạt trước khi ăn chứ đừng chủ quan nhé!
Bánh mì, bánh nướng
Các loại bánh mì và bánh nướng có rất nhiều khe hở thuận lợi cho sự tấn công của vi khuẩn và nấm mốc. Vậy nên hãy xem xét kỹ trước khi ăn, và nếu phát hiện thấy nấm mốc thì vứt đi ngay lập tức!
Mứt và thạch
Trái với niềm tin của mọi người, loại thực phẩm để được rất lâu này thực chất cũng có hạn sử dụng, và một khi đã đến giới hạn, chúng vẫn có thể bị nấm mốc tấn công. Bạn không thể chỉ loại bỏ phần mốc và vẫn sử dụng phần còn lại, như thế rất không an toàn đối với sức khỏe. Khi thấy mứt hay thạch đã mốc, hãy vứt đi.
Tinh Hoa (t/h)