Trong một khám phá gần đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy vị trí thành phố hoàng gia Mardama có niên đại 4.800 tuổi. Thành phố này đã bị chôn vùi trong hàng thiên niên kỷ cho đến khi các nhà khảo cổ khai quật tàn tích của nó trên vùng đồng bằng khô cằn ở miền đông Tigris, Iraq.
Những tàn tích này vẫn chưa được xác định gốc tích cho đến gần đây, một phát hiện về nơi lưu giữ các tấm bảng khắc chữ hình nêm đã cho phép các chuyên gia có thể xác định di chỉ này từng là một thành phố hùng cường.
Sci-News tường thuật rằng các nhà khảo cổ và nhà triết học đến từ trường đại học Tübingen và Heidelberg ở Đức đã thực hiện một cuộc khảo sát gần thị trấn Bassetki, khu tự trị Kurdistan ở miền bắc Iraq. Nhóm nghiên cứu do GS. Peter Pfälzner và các chuyên gia đến từ Phòng Cổ vật Duhok, đã xác định vị trí của thành phố dựa trên các tấm bảng khắc chữ hình nêm có niên đại từ năm 1300-1200 TCN.
Lịch sử huy hoàng của Mardama
Người ta tin rằng Mardama được thành lập từ khoảng năm 2800-2650 TCN, và đạt đến sự phồn thịnh vào giữa năm 1900-1700 TCN. Đây là một tuyến đường giao thương quan trọng, giúp cho Mardama trở thành một khu vực thịnh vượng và là trung tâm hoàng gia, vốn thường có chiến tranh với các vương quốc hùng mạnh ở phía nam Lưỡng Hà.
Thành phố Mardama từng bị Đế quốc Akkad đô hộ nhưng sau đó đã giành lại độc lập dưới triều đại của người Hurrian. Sau đó, nó đã bị phá hủy bởi đội quân xâm lược đến từ dãy núi Zagros. Trung tâm của thành phố sau đó bị người Lưỡng Hà thâu tóm và tiếp theo là Đế quốc Assyria. Dường như thành phố đã bị phá hủy và xây dựng lại rất nhiều lần trong suốt quá trình lịch sử lâu dài và hỗn loạn của nó.
Vị trí của thành phố bị mất tích được xác định
Các nhà khảo cổ học người Đức tại Đại học Tubingen đã phát hiện ra địa điểm này vào năm 2013, nhưng không chắc chắn về nó. Họ khai quật tạo thị trấn Bassetki và cho biết, có một ngọn đồi lớn trên đồng bằng khô cằn của miền đông Tigris, bị che khuất bởi dãy núi Zagros. Nhóm nghiên cứu đã đào bới và cho biết đó là địa điểm khảo cổ chính. Tuy nhiên, khám phá ấn tượng nhất chỉ được thực hiện vào mùa hè năm 2017 khi hơn 90 tấm bảng được đưa ra ánh sáng sau hơn ba thiên niên kỷ.
Nơi chôn giấu các tấm bảng đất sét cổ đại được tìm thấy
Tổng cộng có 92 tấm bảng đã được tìm thấy bên trong một bình gốm ở tàn tích của một cung điện. Các tấm bảng đất sét này đã được chụp lại, hình ảnh được chuyển đến Betina Faist, một nhà triết học nổi tiếng tại Đại học Heidelberg ở Đức. Cô là một chuyên gia về ngôn ngữ Assyria cổ. Trong khi dịch các ký tự, cô đã tìm thấy một sự ám chỉ đến Mardaman.
Các tấm bảng này nhắc đến thành phố Mardama là một phần của Đế quốc Assyria hùng mạnh. Chúng dường như thuộc về một thống đốc tên là Assur-nasir. GS. Pfälzner và đội ngũ của cô đã rất ngạc nhiên, “đột nhiên mọi thứ trở nên rõ ràng, các cuộc khai quật của chúng tôi đã tìm thấy cung điện của một thống đốc Assyria”. Các tấm bảng đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc chưa từng có về cuộc sống và thời đại của người dân Mardama. Nó cung cấp thông tin quý giá về thể chế cai trị, tổ chức kinh tế và thương mại của thành phố.
Các tấm bảng này được làm bằng đất sét và được đặt trong một bình gốm lớn trong cung điện của thống đốc. GS. Pfälzner suy đoán rằng các tấm bảng đã được giấu đi khi thành phố bị đốt cháy. Một số cư dân của thành phố, có lẽ là các thành viên của vương triều Assyria đã cố gắng bảo tồn những tài liệu giá trị này.
Phát hiện này rất quan trọng vì nó không chỉ cho thấy vị trí của một thành phố đã bị mất tích trong hàng ngàn năm qua, nó còn cung cấp những cái nhìn thú vị về thời đại cổ xưa. Ví dụ, nó cung cấp bằng chứng cho thấy Mardama đã phát triển vững mạnh dưới sự cai trị của người Assyria vào thế kỷ 13 TCN. Các tấm bảng cũng có thể cho cộng đồng khảo cổ học biết nhiều hơn về nền văn hóa của khu vực này. Kí tự trên các tấm bảng sẽ được nghiên cứu trong những năm tới vì chúng có thể cung cấp khả năng xác định các thành phố cổ khác rộng lớn hơn trong khu vực Lưỡng Hà.
Bảo San biên dịch