Hàng trăm quả cầu đá được chạm khắc cầu kỳ có kích thước cỡ quả bóng tennis hoặc lớn hơn đã được phát hiện ở khắp miền Bắc Scotland, Ireland và Anh.
Một số quả trông như các cấu trúc nhô ra không theo quy luật đối xứng nào cả. Những khối khác thì có dạng hình học phức tạp, trên bề mặt của chúng có chạm khắc các đường thẳng và đường tròn. Phần lớn các khối đã đều mang hình cầu, có một số khác có hình dạng giống sao biển, với những cái chân nhô ra. Chúng có niên đại 3000-2600 năm trước Công Nguyên và có thể là sản vật được người Picts, một liên minh gồm những người nói tiếng Celtic tạo ra.
Tại sao người cổ đại khắc những hình học tinh vi lên những quả cầu được làm từ tất cả các chủng loại đá này? Những quả cầu được tìm thấy trên các cánh đồng cỏ gần những vòng tròn đá Neolithic làm cho nó càng thêm phần huyền bí. Tại sao chúng lại được đặt gần các vòng tròn cổ đại này? Đó là câu hỏi mà Hugh Newman, tác giả, nhà nghiên cứu cự thạch, và là nhà thám hiểm đặt ra.
Một trong những quả cầu đặc biệt nổi tiếng phức tạp tên là Towie được tìm thấy ở Aberdeenshire. Nó được cho là có niên đại hơn 5.000 năm tuổi, đường kính gần ba inch và được bao phủ bởi những vòng xoắn cực kỳ phức tạp. Theo Bảo tàng Quốc gia Scotland, nó có thể là một vũ khí và là biểu tượng của quyền lực. Nếu vậy, làm thế nào chúng bị bỏ lại trong các cánh đồng? Và tại sao có rất ít khối cầu bị hư hỏng hoặc sứt mẻ?
Theo trang web của Bảo tàng: “Quả cầu có thể thuộc sở hữu của người nông dân khá giả thời kỳ tân đồ đá. Nó cũng có thể là một vũ khí ưa thích, được bắn ra từ 1 máy bắn đá và có khả năng giáng một đòn đau vào đầu mục tiêu. Cũng có thể là một biểu tượng của sức mạnh, vũ khí của giới quyền lực! Nó được trang trí bằng các biểu tượng thiêng liêng giống với những biểu tượng được khắc trên lối đi bằng đá dành cho người chết trong ngôi mộ tại Newgrange, thung lũng Boyne miền đông Ireland.”
Ngạc nhiên hơn nữa, khi Newman băng qua đại dương rộng lớn đến đất nước Bolivia của Nam Mỹ, anh vẫn nhìn thấy một khối cầu gần như giống hệt với khối cầu ở Scotland.
Newman đặt nghi vấn: “Chúng thực sự có liên kết gì với những vòng tròn đá này không? Hẳn là phải có gì đó liên quan. Điều này thực sự làm tôi rất tò mò, bởi vì nếu không có liên quan, thì tại sao họ lại đặt chúng trên các cánh đồng?”
Xem xét vị trí của chúng trên các cánh đồng có thể cho thấy một số có công dụng liên quan đến trồng trọt với giả thuyết rằng ở đó có từ trường hoặc năng lượng tự nhiên đang hoạt động. Mặt khác, có giả thuyết rằng những viên đá được chạm khắc tuyệt đẹp có thể được dùng làm quà tặng dâng lên các vị thần với hy vọng một vụ mùa bội thu.
Các khối đá hình cầu, các khối đá chạm khắc hình xoắn ốc và dạng hình học nổi bật khác cũng được tìm thấy, nhưng không chỉ ở Scotland. Tại Tiwanaku – Bolivia, địa điểm cách xa Scotland hơn 6000 dặm, các khối đá chạm khắc tương tự cũng được tìm thấy. Tại hồ Titicaca, Newman đã tìm thấy một quả cầu đá với sáu mặt gần giống với một trong những quả cầu đá ở Scotland. Nó được trưng bày tại Bảo tàng Tiwanaku ở La Paz, Bolivia.
Các vật thể kim loại hình cầu có niên đại 6.000 năm cũng được tìm thấy gần Biển Chết trong kho báu của Nahal Mishmar. Chúng được làm bằng đồng và được xem là vật tượng trưng cho Mặt trời. Vậy có thể những viên đá ở Scotland cũng là vật tượng trưng cho Mặt trời hoặc Mặt trăng?
Có vô số ý tưởng về công dụng của những vật thể này, từ vũ khí đến dụng cụ xoa bóp, đá chữa bệnh, cân trọng lượng, cho đến các công cụ dùng để bẩy những hòn đá lớn. Tuy nhiên, vì hầu hết các quả cầu đều có hình dạng khá nguyên vẹn, nên việc phán đoán chúng là vũ khí hoặc công cụ dường như ít có khả năng xảy ra.
Newman tin rằng các chạm khắc phức tạp có thể có liên đến các hình dạng thiêng liêng hoặc hình dạng của chất rắn Archimedean và Platonic. Đây là những hình khối đa diện phức tạp lần đầu được Archimedes và Plato liệt kê ra. Điều này chỉ ra rằng những người thời đồ đá mới đã có kiến thức cấp cao về toán học.
Sau khi xét thấy vị trí của chúng gần với các vòng tròn đá khổng lồ, một ý kiến khác cho rằng các hình dạng phức tạp này có thể được dùng trong trắc địa và thiên văn học. Những vòng tròn đá là nơi để quan sát sự thay đổi theo mùa của các ngôi sao, mặt trăng và các hành tinh. Có lẽ những quả cầu này được đặt trên mặt đất để đánh dấu vị trí của các thiên thể trên bầu trời?
Ngày nay người ta nhận ra hình dạng này rất giống với cấu trúc nguyên tử hoặc tế bào. Dường như người cổ đại có khả năng biết được rất nhiều thứ. Tuy nhiên, vì chúng ta không biết bất cứ điều gì về người đã tạo ra những vật thể đó, nên không thể hoàn toàn loại trừ khả năng họ biết rõ về cấu trúc tế bào và khoa học hiện đại.
Tiểu Phúc (theo Ancient-Code)