Bạn hẳn sẽ bất ngờ khi biết rất nhiều sự việc, vật dụng xung quanh chúng ta có nguồn gốc từ hàng nghìn năm trước. Chúng là phát minh của những người Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc cổ đại, cũng như nhiều nền văn minh khác đã tuyệt diệt từ lâu.
Kẹo sô-cô-la
Cách đây hơn 3.000 năm, người Aztec, Toltec và Maya đã dùng hạt cây ca cao để làm kẹo sô-cô-la. Và họ cũng biết dùng hạt ca cao pha nước uống để cơ thể dồi dào năng lượng, khỏe mạnh hơn trong cuộc sống.
Người Maya coi ca cao là thứ cây linh thiêng. Hạt ca cao có tác dụng như vị thuốc. Người Tây Ban Nha đi xâm chiếm Trung và Nam Mỹ đã mang kẹo sô cô la về châu Âu và sau đó hương vị ngọt ngào của sô-cô-la đã lan truyền khắp thế giới đến ngày nay.
Giấy
Giấy viết vốn là phát minh của người Trung Quốc trong triều đại Đông Hán (từ năm 25 đến năm 220 SCN).
Thời đó, quan Thái Luân đã dùng vỏ cây, sợi gai, vải rách… nghiền nhỏ, xe thành tờ, chế tạo ra giấy. Trước đó từng có nghề làm giấy từ tơ lụa, chủ yếu làm từ sợi bên trong của vỏ cây dâu tằm, cũng đã có giấy làm từ cây gai dầu (Cannabis), còn được gọi là cây cần sa. Cho nên Thái Luân chỉ được coi là người có công cải tiến kỹ thuật làm giấy ở Trung Quốc. Đến thời Đường, kĩ thuật làm giấy đã hoàn chỉnh, người ta pha thêm hồ bột với nhựa cây, tạo ra giấy chắc hơn và dễ thấm mực.
Trước khi phát minh ra giấy, con người thường ghi lại các sự kiện bằng hình vẽ trên đá, trên các tấm bia bằng đất sét và sau đó nữa là người ta dùng da để lưu trữ các tư liệu. Mãi cho đến năm thế kỷ XII kỹ thuật sản xuất giấy mới lan truyền đến châu Âu qua các giao lưu văn hóa giữa phương Tây Thiên chúa giáo và phương Đông Ả Rập cũng như qua nước Tây Ban Nha thời kỳ Hồi giáo.
Chính quyền dân chủ
Từ khóa “dân chủ” xuất phát từ một từ Hy Lạp cổ đại “demokratia”, có nghĩa “người dân làm chủ”. Khái niệm này được hình thành vào năm 507 TCN, và cha đẻ của nó là Cleisthenes – người thống lĩnh thành phố Athens, Hy Lạp. Mô hình chính phủ này bao gồm ba bộ phận riêng biệt: Hội đồng lập pháp, Hội đồng hành pháp và Tòa án.
Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ một phần nhỏ cư dân Athen được tham dự vào nền dân chủ sơ khai này. Độ tuổi ứng cử cũng như bỏ phiếu bị giới hạn chỉ ở các nam giới trên 18 tuổi. Nô lệ và nữ giới hoàn toàn không có quyền can thiệp vào các chính sách của nhà nước.
Tuy chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi cho đến năm 460 TCN, nhưng ý tưởng về nền dân chủ cũng như cách thức vận hành của bộ máy nhà nước dân chủ này đã trở thành tiền đề cho nhiều chính phủ và chính trị gia tiếp tục duy trì đường lối tự do dân chủ ngày nay.
Bê tông
Những công trình xây dựng hiện đại ngày nay vẫn được xây bằng bê tông. Chắc bạn sẽ ngạc nhiên khi biết bê tông do người La Mã phát minh ra cách đây 2.000 năm. Họ phát hiện ra trộn đá vôi với tro bụi núi lửa tạo thành vữa kết dính đá, làm vật liệu xây dựng rất tốt, dùng để làm đường, xây cầu, nhà và bến cảng.
Cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy bê tông của người La Mã gồm tro bụi núi lửa và sỏi đá kết hợp với đá vôi có khả năng chống nứt rất cao. Bê tông được dùng cho những công trình lớn như Đấu trường La Mã, đền thờ Pantheon mà không cần dùng đến cốt thép.
Công thức xi măng cổ đại này, mặc dù được đánh giá là yếu hơn so với hợp chất xi măng hiện đại, nhưng lại bền vững hơn rất nhiều. Bằng chứng là các công trình La Mã cổ đại vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay, mặc cho sự tàn phá của hàng nghìn năm lịch sử.
Ngạc nhiên hơn, bê tông người La Mã còn được dùng xây dựng dưới biển. Bến cảng cổ đại Caesarea có đê chắn sóng, ngọn hải đăng và nhà kho được xây bằng bê tông từ năm 15 TCN.
Báo chí
Trước khi báo điện tử phát triển, báo in đã là một thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Khái niệm “Acta Diurna”, có nghĩa tin vắn hàng ngày, đã xuất hiện từ khoảng năm 131 TCN, như một loại hình cung cấp các thông tin chính trị và xã hội cho cư dân La Mã cổ đại. Các thông tin về các sự kiện như chiến thắng quân sự, lịch thi đấu ở các võ đài hay các loại tin vắn khác, được khắc trên kim loại hoặc đá, và trưng bày tại những nơi đông người qua lại.
Dưới thời kỳ Julius Ceasar, loại hình báo chí cổ xưa này bắt đầu cung cấp cả những thông tin trong hội đồng chính trị quốc gia. Acta Diurna tiếp tục tồn tại cho tới tận hậu thời kỳ đế chế La Mã, và nó được coi như là nguồn gốc của báo chí hiện đại.
Báo in giấy ra đời ở Venice (Italia) vào năm 1566 khi chính quyền in truyền đơn vứt ra đường phố. Từ đó, báo in giấy trở nên phổ biến. Tờ báo in đầu tiên ở Anh là tờ The Gazette in tại Oxford, sau này đổi tên thành The London Gazette, còn tồn tại đến ngày nay.
Đường đua Marathon
Thể thao xuất phát từ thời cổ đại. Năm 490 TCN, khi quân Ba Tư dưới sự lãnh đạo của Darius I đổ bộ vào đồng bằng Marathon cách thành Athen (Hy Lạp) khoảng 60km về phía đông bắc, vì lo mất nước, Miltiades đã cử người đưa tin chạy rất nhanh tên là Pheidippides chạy tới Sparta để cầu viện.
Tiếc thay, Pheidippides sau 2 ngày chạy cật lực qua 150km nhận được câu từ chối thẳng thừng. Sau khi bị từ chối, Miltiades đã tổ chức đội quân 1 vạn người quyết tử với đội quân 10 vạn người của Darius I.
Ngay từ sáng sớm, đội quân thành Athen đã đánh thẳng vào doanh trại của quân Ba Tư khiến đối phương bất ngờ. Quân Ba Tư tức giận đuổi theo và bị đánh úp, thiệt hại hơn 6.000 người trong khi quân thành Athen đánh nhanh rút nhanh, chỉ thiệt hại khoảng 200 người.
Vui mừng vì thắng trận, Miltiades lại cử Pheidippides quay trở lại thông báo tin mừng cho thành Athen. Mặc dù đang bị thương nhưng Pheidippides vẫn cố gắng chạy như bay từ Marathon về tới quảng trường trung tâm Athen và hét to: “Chúng ta đã chiến thắng! Mọi người hãy vui lên!” rồi gục ngã và ra đi mãi mãi.
Để kỷ niệm chiến thắng và biểu dương công trạng của liên lạc viên Pheidippides, cuộc thi Olympic lần I được tổ chức tại Athen vào năm 1896 đã đặt ra môn thi mới là chạy Marathon. Mới đầu, quãng đường phải chạy là 40km. Đến năm 1920 sau khi đo đạc lại thì đã xác định là 42km và còn duy trì đến ngày nay.
Số 0
Với vai trò không thể thay thế trong toán học, số 0 dường như là nền móng cho tất cả những công nghệ tân tiến mà loài người sở hữu hiện nay. Khởi nguồn từ khoảng năm 300 TCN, người Babylon khi đó bắt đầu áp dụng hệ đếm của vùng Lưỡng Hà và bắt đầu có khái niệm về số 0.
Hơn 600 năm sau, người Maya cũng bắt đầu sử dụng số 0 một cách độc lập, nhưng cũng như người Babylon, họ vẫn chưa đưa số 0 vào trong những tính toán hay các phương trình toán học của mình.
Mãi cho tới thế kỷ thứ 7, khái niệm về số 0 mới trở nên hoàn chỉnh, khi nhà toán học người Hindu Brahmagupta trình bày các quy tắc về sử dụng số 0 trong các phương trình toán học. Lúc này, số 0 mới được nhìn nhận với tư cách số học, thay vì chỉ biểu hiện cho sự vắng mặt như cái cách mà người Babylon và người Maya vẫn dùng.
Hồng Liên (t/h)