Tôn giáo góp phần duy trì đạo đức xã hội, bằng cách trau dồi đạo đức con người ngăn ngừa tội ác xảy ra. Song điều này chỉ đúng với chính giáo, còn tà giáo sẽ khiến xã hội xuống dốc. Vậy nên làm gì khi tà giáo hoành hành?
Bất kỳ tôn giáo nào cũng có giáo lý riêng, được các tín đồ tin theo. Do đó việc phân định chính giáo – tà giáo là rất quan trọng, bởi giáo lý của chính giáo sẽ dạy điều chân, điều thiện, trong khi tà giáo sẽ khiến nhân cách đạo đức người ta tha hóa.
Từ xưa đến nay, vào bất kỳ thời đại nào cũng tồn tại tà giáo. Như vào 2.500 năm trước, trong khi Đức Phật Thích Ca truyền chính pháp, Bà La Môn giáo lại suy bại và ngày càng biến dị, cuối cùng biến thành tà giáo. Theo đó, người của Bà La Môn giáo không ngừng tìm cách phá hoại việc truyền Pháp của Đức Thích Ca. Nhưng tà thì mãi mãi không thể thắng chính, Phật giáo ngày càng phổ truyền rộng rãi, trong khi những người nguyện ý đi theo Bà La Môn giáo lại càng ngày càng ít.
Vậy làm sao để ngăn ngừa tà giáo lộng hành? Khi nghe câu hỏi này, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến chuyện để pháp luật can thiệp. Tuy nhiên, pháp luật thi hành việc trừng phạt sau khi tội ác đã xảy ra, trong khi tôn giáo, văn hóa, ngăn ngừa không cho tội ác xảy ra bằng cách trau dồi đạo đức. Vì vậy, biện pháp tốt nhất ngăn ngừa tà giáo lộng hành chính là hồng dương chính giáo. Những bài học lịch sử dưới đây chính là minh chứng rõ ràng.
Tôn Quyền tiếp nhận Phật giáo vào trung thổ, diệt trừ giặc Khăn Vàng
Cuối thời Đông Hán, triều chính mục nát, ngoại thích và hoạn quan thay nhau hoành hành, hoàng tộc và quan lại ăn chơi xa xỉ. Khắp nơi đều có tham quan ô lại, thêm vào đó thiên tai lụt lội, hạn hán triều miên. Người dân bị bóc lột nặng nề vì sưu cao thuế nặng, không được sống yên ổn từ gần 100 năm cuối cùng nổi dậy theo sự kêu gọi của anh em Trương Giác, tạo thành khởi nghĩa Khăn Vàng hay còn gọi là khởi nghĩa Hoàng Cân.
Trương Giác chủ trương dùng tà thuật, thuật thôi miên, vẽ bùa niệm chú chữa bệnh cứu người, lấy được lòng tin của nhiều người trong thiên hạ. Sau 10 năm, Trương Giác nhân danh Đạo giáo tập hợp được rất nhiều tín đồ, thậm chí ông ta còn luyện âm binh. Cách dùng lý thuyết của Lão Tử tập hợp quần chúng của Trương Giác bị chính sử gọi là “giả thác đại đạo, mê hoặc tiểu dân”.
Dù anh em Trương Giác phát động chiến tranh với quy mô khá rộng trên lãnh thổ Trung Quốc đương thời, nhưng cuối cùng cũng bị đánh dẹp trước thế công của các tướng kỳ cựu của triều đình cùng những tướng trẻ mới xuất hiện như Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Kiên. Tuy nhiên, tàn dư giặc Khăn Vàng vẫn còn dai dẵng sau đó nhiều năm, khiến các thế lực quân phiệt phải đối phó vất vả.
Tôn Quyền sau khi kế vị cha Tôn Kiên và anh Tôn Sách, trở thành vị quân chủ đầu tiên của nước Ngô đã tiếp nhận Phật giáo, nhờ đó cao tăng Khang Tăng Hội có thể xây am thất, lập tượng Phật, dùng Phật Pháp giáo hóa chúng sinh, xã tắc được an định. Đây cũng là mở đường cho Phật giáo lần đầu tiên tiến nhập Trung Nguyên. Lúc này tàn dư giặc Khăn Vàng cũng không còn tác quái được nữa.
>> Duyên phận cao tăng: Tôn Quyền chủ Đông Ngô, cúi mình bái Phật Pháp
Vua Constantine chấn hưng Ki-tô giáo, La Mã bên bờ vực sụp đổ đã hùng mạnh trở lại
Trước Constantine, các đời vua La Ma bức hại Ki-tô giáo đến cùng cực, có địa phương trấn áp nghiêm trọng thậm chí tàn sát. Cuộc bức hại lúc nặng lúc nhẹ kéo dài gần 300 năm. Trong khoảng thời gian này, các trận dịch bệnh lớn nhỏ cũng liên tục xảy ra giết chết hàng triệu người.
Trong tình trạng rối ren này, hoàng đế Decius, trị vì từ năm 249-251, ra lệnh ép buộc tất cả người dân bái tế tượng thần của La Mã và tượng của hoàng đế La Mã, dẫn đến một lần bức hại Ki-tô giáo chưa từng có trên quy mô quốc gia. Tín ngưỡng La Mã đã trở thành một loại tôn giáo chính trị, từ đó xã hội cũng phát sinh nhiều biến loạn.
Cuối cùng sức chiến đấu của quân đội giảm mạnh, La Mã rơi vào nội chiến từ năm 306-312, đế quốc cổ này đi đến suy bại. Tuy nhiên, kết quả lại giống như một thần tích, 6 đế tranh hùng thì chỉ có duy nhất Constantine là người tin theo Cơ Đốc giáo đã lấy ít thắng nhiều, xây dựng đế quốc vững mạnh trở lại.
Hoàng đế Constantine vốn là một nhà độc tài sùng kính thần Mặt trời Sol Invictus, nhưng trước trận chiến Milvian, ông đã 2 lần nhìn thấy hình ảnh cây thập tự giá kèm thông điệp: “Với biểu tượng này, ông sẽ giành chiến thắng”. Theo các ghi chép lịch sử, điều này đã gây ấn tượng đến nỗi khiến hoàng đế Constantine ra lệnh cho quân đội gắn thêm biểu tượng thập tự giá lên các tấm khiên. Cuối cùng ông đã giành chiến thắng và nắm quyền cai trị Đế chế La Mã.
>> Constantine Đại đế và giấc mơ kỳ lạ thay đổi lịch sử
Sau đó, Constantine và Licinianus cùng ký sắc lệnh Milan, chính thức cho phép tất cả tôn giáo hoạt động tự do trong toàn đế quốc, đặc biệt là Ki-tô giáo đã phát triển thành tôn giáo quốc gia.
Có thể thấy, nhờ hoàng đế Constantine duy hộ chính giáo mà xã hội ổn định trở lại, quân đội vững mạnh, đế quốc La Ma từ một quốc gia bên bờ vực sụp đổ cũng nhất thống trở lại xuyên suốt châu Á, châu Âu, châu Phi.
Nhà Trần tín phụng Phật pháp, quốc gia vững mạnh
Nhà Trần có truyền thống thượng võ và tín phụng Phật pháp nhiều đời, bắt đầu từ đời Trần Tự Viễn (sinh năm 582) đến tận đời vua Trần Anh Tông.
Trần Tự Viễn là môn đệ xuất sắc nhất của Phật phái Thiền Tông, và truyền bá Thiền Tông. Ông còn nổi tiếng cả vùng với võ công cao cường, đã truyền thụ cho các đệ tử, nhờ đó mà người dân đã chống lại sự cai trị hà khắc của nhà Tùy – Đường. Người dân khắp nơi đều sùng kính, tôn ông là Phật sống.
Sau đó, nhiều đời vua Trần khi thấy hoàng tử trưởng thành thì đều nhường ngôi cho con, rồi lên làm thượng hoàng, chọn con đường tu luyện.
Bởi vì nhiều đời vua Trần hồng dương Phật Pháp, nên quan lại được tuyển chọn đều thuộc hàng mẫu mực, phải thông tỏ Bách gia, Chư tử, Cửu lưu, Tam giáo, và thi đậu Thái học sinh. Điều đặc biệt nhất là Phật Pháp được sử dụng để giáo hóa muôn dân, giúp xã hội ổn định. Đó là nền tảng gốc rễ vững chắc nhất để nhà Trần đủ sức đối mặt với 3 cuộc tấn công mạnh mẽ từ quân Nguyên Mông.
***
“Đạo cao một thước, ma cao một trượng” – sao có thể có điều ấy! Đó là một câu nói sai lầm để những người muốn “nhập tà” biện hộ cho mình. Tà không thể thắng chính, tin vào điều đó, những minh quân trong quá khứ đã dẫn dắt đất nước qua thời loạn lạc do các tà thuyết tạo nên bằng cách khôi phục chính giáo, chấn hưng đạo đức xã hội, trị quốc an bang để lòng dân yên ổn.
Việc sử dụng truyền thông hay pháp luật làm công cụ khống chế tôn giáo tín ngưỡng, dẫu đó là chính hay tà, thì cũng là hạ sách. Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhận ra điều này, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017, ông đã thực hiện một loạt bước đi để bảo vệ quyền tự do tôn giáo, chấn hưng các giá trị truyền thống của Ki-tô giáo.
Lịch sử thế giới ghi nhận một quốc gia có lịch sử lập quốc mới hơn 300 năm nhưng đã trở thành siêu cường thế giới. Nước Mỹ đã được thành lập dựa trên đức tin, như Tổng thống Trump đã nói: “Những nhà sáng lập nước Mỹ đã khẩn cầu Đấng Tạo Hóa 4 lần trong Tuyên ngôn Độc lập. Tuyên ngôn hiện tại của chúng ta tuyên bố ‘Chúng ta tín thác vàoThiên Chúa’“.
Những hành động của ông Trump sau khi đắc cử Tổng thống là thực hiện lời hứa của ông với người dân Mỹ, giúp xã hội có nền tảng vững chắc để duy trì những giá trị cốt lõi của người Mỹ, đó là các giá trị nhân văn và xuyên suốt lịch sử đất nước này, từ đó khiến cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại, hài hòa giữa tín ngưỡng và phát triển xã hội.
“Đức tin đã định hình cho gia đình chúng ta và hình thành cộng đồng của chúng ta. Nó đã truyền cảm hứng cho cam kết của chúng ta đối với công việc từ thiện và bảo vệ quyền tự do của chúng ta. Và đức tin đã làm nên đặc tính và số phận của quốc gia vĩ đại này mà tất cả chúng ta đều yêu mến”, Tổng thống Mỹ khẳng định.
Cách nước Mỹ nửa vòng Trái Đất, nhìn lại mình, có thấy tủi thân? “Tự do tôn giáo không toàn diện”, “tự do tôn giáo có giới hạn” là những điều người có tín ngưỡng, tôn giáo có thể cảm nhận được ở một đất nước văn hiến 4.000 năm, tôn giáo một thời hưng thịnh này. Trong Hiến pháp nước ta có quy định quyền tự do tôn giáo, tuy nhiên, Phúc trình Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ nhận định, quyền Hiến pháp về tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng tại Việt Nam vẫn được diễn giải không đồng đều và không được bảo vệ đồng nhất. Bảo vệ nhân quyền, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng là điều những người lãnh đạo đất nước cần làm cho dân.
>> Bất cập các dự án đô thị: Đạp đổ tâm linh đổi lấy đất đai, dấu hiệu suy tàn đến cùng cực?
Khi có một môi trường thực hành tôn giáo tự do, lành mạnh, cõi tâm linh của con người có nơi gửi gắm, thì thiết nghĩ sẽ không xảy ra những trường hợp có tư tưởng tôn giáo cực đoan, hay dị giáo, tà giáo phát sinh. Phục hưng chính giáo, tà giáo sẽ suy bại, đó là lời khuyên, cũng là một lời nhắn nhủ.
Tú Văn – Xuân Nhạn