Ở Trung Quốc cổ đại, triết lý của Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo đã thấm đẫm vào đời sống của các bậc đế vương cũng như của nhân dân hàng nghìn năm qua. Tập trung vào một cuộc sống đạo đức dung dị, những lý tưởng này đã có tác động lớn đến cách mà người Trung Hoa sắp xếp và trang trí khu vườn của họ.
Vườn Trung Quốc
Đạo giáo được nhà hiền triết Trung Quốc cổ đại Lão Tử sáng lập, đặt tự nhiên vào trung tâm của sự sống. Lão Tử từng giảng: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”, và thiên nhiên là rất đẹp bởi vì thiên nhiên không có dục vọng.
Ông nhấn mạnh khái niệm vô vi: “Hư vô thanh tĩnh, tự nhiên vô vi”. Vô vi không phải là phó mặc, không hành động mà là thuận theo Đạo, thuận theo tự nhiên, để mọi thứ diễn ra theo tốc độ của riêng của chúng, và vẻ đẹp được sinh ra từ quá trình đó.
Đá mòn là một yếu tố quan trọng của những khu vườn lấy cảm hứng từ Đạo. Theo Đạo giáo, đá và nước được coi là đối lập, đá là dương và nước là âm. Đá mặc dù rắn, nhưng lại bị nước xói mòn theo thời gian. Nhiều khu vườn cổ điển của Trung Quốc từng có những tảng đá vôi bị xói mòn lấy từ Thái Hồ, một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc.
Trong triết lý của Nho giáo, con người được ưu ái hơn và được cho là có sự gắn kết với tự nhiên. Đồng thời, triết học của Nho gia còn nhấn mạnh sự chung sống hài hòa giữa con người và môi trường xung quanh. ‘Đạo giáo đặt con người vào tự nhiên, còn Nho giáo nói về vị trí của con người trong tự nhiên’, June Li, một người coi sóc vườn, nói với tạp chí Los Angeles Times.
Ý tưởng kết nối với thiên nhiên này gần như là một đặc điểm cốt lõi của tất cả các khu vườn cổ điển Trung Hoa. Triết học Nho giáo lập luận rằng một xã hội có trật tự được hình thành dựa trên ‘trung’ và’ hiếu’. Sự tập trung của những giá trị này trong việc hình thành nên trật tự giữa con người và tự nhiên cũng đã tác động rất lớn đến các khu vườn Trung Quốc vốn được nhìn thấy qua cách sắp xếp các yếu tố khác nhau.
Tại Trung Quốc, một trong những nhánh chính của Phật giáo là Trường phái Thiền. Thiền phát triển trong thế kỷ thứ 6 SCN và sau đó không ngừng ảnh hưởng đến Hàn Quốc, Nhật Bản. Dù các nguyên lý trong Phật giáo đã ảnh hưởng đến các khu vườn cổ điển Trung Quốc, nhưng tác động lớn nhất của chúng là ở Nhật Bản, nơi nổi tiếng với các khu vườn thiền Nhật Bản.
Các khu vườn Thiền của Nhật
Một nhà sư Nhật Bản tên là Eisai, sống vào khoảng năm 1141 đến 1215, đã mang trường phái Thiền của Phật giáo vào Nhật Bản, sau được gọi là Thiền tông. Khi các ngôi chùa Phật giáo được xây dựng trên khắp đất nước thì cũng là lúc những khu vườn nhỏ được xây nên để cho các nhà sư có một nơi tản bộ mà tâm không bị nhiễu loạn và có thể giác ngộ những giáo lý của Đức Phật.
“Theo truyền thống của Zen (thiền Nhật Bản), các khu vườn được xây dựng với mục đích mang tính trần thế hơn, nhằm nhắc nhở những người tu hành rằng cuộc sống chính là sự tối giản. Một số khu vườn Thiền đầu tiên được gọi là ‘zazen-seki‘, hay thiền đá bởi tính giản đơn của đá. Chúng mang đến cái lặng im, trầm lắng và thanh tĩnh cho bất kỳ ai chiêm ngưỡng”, theo trang Faena.
Một nhóm các nhà sư Phật giáo đặc biệt được cho là đã đi khắp Nhật Bản để xây dựng những vườn Thiền như vậy. Đến thế kỷ 15, một số Vườn Thiền bắt đầu phản ánh quá trình suy nghĩ trừu tượng hơn. Thảm thực vật và nước đã dần vắng mặt trong những khu vườn này. Thay vào đó, trọng tâm chính được đặt vào đá. Ngày nay, vườn thiền Nhật Bản đang trở nên phổ biến trên khắp thế giới khi mọi người cảm thấy rất cần những nơi yên tĩnh như vậy để nghỉ ngơi sau những ngày ngược xuôi giữa dòng đời hối hả.
Thiên Hoa biên dịch
Xem thêm: