Từ cảnh tượng thành phố Hiroshima bị ném bom nguyên tử, những thi thể người trong hố chôn tập thể ở trại tập trung Bergen-Belsen, hay mới đây nhất là em bé Syria chết đuối trên đường tị nạn bị sóng đánh dạt vào bờ… những hình ảnh này có sức tác động mạnh mẽ đến mức làm thay đổi lịch sử thế giới.
Cơ thể nhỏ bé không còn sự sống bị sóng đánh dạt vào bờ biển, hình bé trai Syria 3 tuổi chết đuối trên đường đi tị nạn cùng với gia đình đã làm cả thế giới chấn động suốt nhiều ngày qua.
Bức ảnh này đã lột tả sự thật nghiệt ngã về hành trình đầy gian khổ và hiểm nguy của những người tị nạn, khiến cho lãnh đạo các nước nói riêng và cả thế giới nói chung không thể ngoảnh mặt trước cuộc khủng hoảng nhập cư và tị nạn ở châu Âu.
Từ đầu đến chân phủ đầy tro bụi, ánh mắt đầy sợ hãi và hoảng loạn, bức ảnh về bà Marcy Borders đã trở thành một trong những hình ảnh ám ảnh nhất về thảm họa khủng bố 11/9 ở Mỹ xảy ra vào năm 2001. Trên đường chạy khỏi tòa nhà Trung tâm thương mại Thế giới, bà Border đã được một nhiếp ảnh ảnh ghi lại khoảnh khắc chẳng thể nào quên trong đời.
Được biết, sau sự kiện 11/9, cuộc đời bà Marcy Borders đã trở thành một bi kịch, chứng trầm cảm nặng khiến bà chìm vào rượu chè và ma túy, bà mất năm 42 tuổi vì bị ung thư dạ dày. Bức ảnh này đã trở thành một lời cảnh báo về hậu quả nặng nề của sự kiện 11/9 để lại cho những người còn sống sót.
Ngày 6/9/1945, quân đội Mỹ đã ném quả bom “Little Boy” – quả bom nguyên tử đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh – xuống thành phố Hiroshima của Nhật. Quả bom này đã lấy mạng 140.000 người.
Quả bom thứ 2 mang tên “Fat man” được ném xuống Nagasaki 3 ngày sau đó, giết chết 70.000 người. Hai sự kiện này đã khiến Nhật phải đầu hàng trong Thế chiến II. Hình ảnh cột khói bụi khổng lồ tạo ra từ quả bom nguyên tử đã trở thành một trong những hình ảnh ám ảnh nhất về chiến tranh trong lịch sử loài người.
Ngày 20/7/1969 là một ngày đáng nhớ đối với toàn nhân loại. Phi thuyền Apollo 11 của Mỹ đã đưa con người lên Mặt Trăng lần đầu tiên trong lịch sử. Hình ảnh phi hành gia Neil Armstrong đặt chân lên Mặt Trăng đã đánh dấu một cột mốc vĩ đại trong sự phát triển của nhân loại, đồng thời thể hiện sức mạnh của Mỹ trong cuộc chạy đua không gian với Nga.
Dự án Apollo được xem như là bước quan trọng đầu tiên trong công cuộc khám phá Hệ Mặt Trời.
Ngày 14/8/1945, sau khi được tin Nhật Bản đầu hàng Mỹ, người dân thành phố New York đã tổ chức ăn mừng tại quảng trường Thời Đại. Vào thời khắc đó, nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt đã chụp được một bức ảnh “để đời”, đó là cảnh một chàng thủy thủ và một phụ nữ ôm hôn nhau say đắm.
Có rất nhiều bí ẩn xoay quanh bức ảnh nổi tiếng này, trong hơn 70 năm qua, rất nhiều người đã tuyên bố rằng mình chính là nhân vật chính trong bức ảnh nói trên.
Bức ảnh “Kền kền chờ đợi” đã trở thành một “phép ẩn dụ cho sự tuyệt vọng của Châu Phi”. Khi được đăng trên tờ New York Times vào năm 1993, bức ảnh này đã gây chấn động toàn cầu. Hình ảnh một bé gái gầy gò đang nằm gục trên mặt đất, phía sau là một con kền kền đang chực chờ ăn thịt em, đã khiến người xem bị ám ảnh nặng nề.
Bức ảnh “Em bé Napalm” nổi tiếng dưới đây được nhiếp ảnh gia Nick Út chụp ở Việt Nam vào năm 1973. Nổi bật trong bức ảnh là một bé gái 9 tuổi đang bỏ chạy trong tình trạng không mảnh vải che thân, sau khi máy bay của quân đội Việt Nam Cộng Hòa thả bom Napalm xuống Trảng Bàng, Tây Ninh. Bức ảnh này đã khiến cả thế giới bàng hoàng, nhiều người tin rằng chính bức ảnh này đã đẩy nhanh sự kết thúc của chiến tranh Việt Nam.
Tháng 4/1945, Fritz Klein – một bác sĩ của phát xít Đức đã tiến hành những thí nghiệm y tế tàn ác lên các tù nhân ở trại Bergen-Belsen. 28.000 tù nhân trong số 38.500 người đã chết vì những thí nghiệm này.
Trong ảnh dưới đây là cảnh Fritz Klein đang đứng ở hố chôn tập thể khi trại Bergen-Belsen được lính Anh giải phóng. Vào tháng 12, Fritz Klein bị tuyên án tử hình vì tội ác man rợ của mình.
Theo thegioitre.vn