Tinh Hoa

Những hé lộ về vụ thử nghiệm bom hạt nhân ngoài vũ trụ hơn 50 năm trước

Năm 1962, Mỹ đã tiến hành một vụ thử bom hạt nhân ở phía trên Thái Bình Dương, với sức công phá tương đương 1,45 triệu tấn TNT, cao gấp 100 lần so với những gì thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến II.

Vụ nổ bom hạt nhân trong không gian phía trên Thái Bình Dương. Hình ảnh: Pixabay / CC0 Public Domain

Vốn luôn ấp ủ tham vọng muốn kiểm tra xem điều gì sẽ xảy ra nếu một quả bom hạt nhân nổ tung trong vũ trụ, vào ngày 9/7/1962, các chuyên gia Mỹ đã thực hiện một vụ thử bom nguyên tử kinh hoàng với tên mã là “Operation Starfish Prime“.

Sau khi được phóng vào vũ trụ 250 dặm (402 km) phía trên Thái Bình Dương, quả bom phát nổ với sức công phá tương đương 1,45 triệu tấn TNT. Vụ nổ bom nguyên tử trong vũ trụ này mạnh hơn nhiều so với dự tính của các nhà khoa học.

Vụ nổ khiến bầu trời rực sáng, ảnh chụp từ Honolulu cách đó 1.445 km. Ảnh: Wikipedia

Mục đích cơ bản của vụ thử này nhằm xác định xem điều gì sẽ xảy ra khi thử bom hạt nhân trong vũ trụ. Đặc biệt, các nhà khoa học Mỹ muốn nghiên cứu xem vụ nổ có ảnh hưởng như thế nào đến Vành đai bức xạ Van Allen, đây là nơi chứa những hạt mang điện tích có năng lượng cao (proton và electron) có khả năng phá hoại các vệ tinh phục vụ cho mục đích quốc phòng của nước này. Tuy vậy, vụ nổ lại vô tình làm tăng mức độ bức xạ của Vành đai Van Allen.

Theo IFLScience, vụ nổ này là một trong năm thử nghiệm quân sự của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh và chạy đua vũ trang. Bom nguyên tử một khi được kích nổ, chúng không chỉ phát ra nhiệt lượng và ánh sáng, mà còn bao gồm một lượng lớn những tia X-quang và gamma. Tác động của chúng xa tới cả ngàn dặm và vẫn ảnh hưởng cho đến ngày hôm nay.

Các nhà nghiên cứu đã học được rất nhiều từ cuộc  thử nghiệm này, còn các cư dân xung quanh từ Hawaii đến New Zealand được thưởng thức một bữa tiệc “cầu vồng trên bầu trời” đầy kinh ngạc. Theo National Public Radio (NPR), màn “trình diễn ánh sáng nhân tạo lớn nhất” này thực ra là kết quả của các hạt phóng xạ tiếp xúc với oxy và nitơ trong khí quyển Trái đất. Những hạt này phải mất nhiều năm mới có thể trở về mức độ bình thường, Huffington Post đã viết.

Quan sát vụ thử nghiệm “Starfish Prime” tại một vị trí khác ở Honolulu, Hawaii. Ảnh: Wikipedia

Vụ nổ diễn ra tại vị trí cao hơn Trạm không gian quốc tế ISS khoảng 48km, nhưng vô cùng mạnh mẽ tới nỗi chúng gây ra những vấn đề nghiêm trọng với đường dây điện, mạch điện, và thậm chí đèn đường phố ở Hawaii.

Trớ trêu thay, năm vệ tinh của Mỹ đã bị bức xạ phá hủy, cùng với một vệ tinh của Nga. Thật may, họ đã không làm điều tương tự một lần nữa. Sau 53 năm kể từ khi Mỹ thực hiện vụ thử bom hạt nhân với tên mã Starfish Prime, nhiều hiệp ước về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân đã được ký kết để ngăn ngừa những cuộc thử nghiệm kinh hoàng tương tự.

Bộ phim cơ mật về vụ thử nghiệm nguyên tử năm 1962 của Mỹ:

Thiên Long, theo Vision Times