Não là một trong những bộ phận phức tạp nhất trong cơ thể người, với nhiều bí ẩn có thể khiến con người phải kinh ngạc.
Não người giống như một khối đậu phụ mềm nặng 1,4 kg, tuy nhiên nó chịu trách nhiệm xử lý thông tin và điều khiển gần như mọi hoạt động sống của con người. Các bộ phận của não bao gồm: thùy trán (màu hồng) giúp con người thực hiện kế hoạch và giải quyết vấn đề, thùy đỉnh (màu vàng) chuyên xử lý thông tin từ các giác quan, thùy chẩm (màu tím) là trung tâm xử lý thị giác, tiểu não (màu xám) điều khiển sự phối hợp cơ bắp, cử động và giữ thăng bằng, cuống não (màu xanh, phía dưới) liên kết bộ não với tủy sống, hình thành hệ thần kinh trung ương.
Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với việc thuận tay phải hoặc tay trái. Tuy nhiên, con người cũng có một con mắt chiếm ưu thế. Điều này nghĩa là bộ não chú ý nhiều hơn về một phía của hình ảnh, không quan tâm nhiều đến thông tin ở phía còn lại. Nếu bạn chăm chú nhìn vào đầu mũi của người đàn ông trong bức ảnh khoảng 5 giây, sau đó nhìn ra chỗ khác và trả lời câu hỏi: anh ấy đang hạnh phúc hay buồn nhiều hơn? Hầu hết chúng ta (khoảng 70%) có thị giác chiếm ưu thế về phía bên trái (bên với nụ cười). Vì vậy, nhiều người có thể kết luận là anh ta đang “hạnh phúc”.
Hãy nhìn kỹ vào ảo ảnh quang học ở trên, bạn sẽ thấy các vòng tròn mở rộng ra phía ngoài mặc dù hình ảnh trước mắt bạn hoàn toàn đứng yên. Nguyên nhân là do bộ não bị đánh lừa bởi các họa tiết khác nhau, gây nhầm lẫn màu sắc, kích thước, khoảng cách và chuyển động.
Hiệu ứng Stroop do nhà tâm lý học John Ridley Stroop người Mỹ phát hiện cho thấy, sự chú ý của con người có thể bị cản trở. Hãy nhìn lướt qua các từ (dòng thứ hai trở đi), không được ngừng hoặc nhìn chậm lại. Thay vì đọc ra từng chữ, bạn hãy nói to xem màu của nó là gì. Thật khó phải không nào?
Bộ não của con người sử dụng dữ liệu và hình ảnh trong bộ nhớ để kết nối hoặc nhận biết những thứ mới mẻ, không quen thuộc. Hãy nhìn vào bức ảnh trên, mới đầu nó chỉ giống như vết mực màu đen. Tuy nhiên, nếu nhìn lâu hơn, bộ não sẽ bắt đầu liên hệ với các hình ảnh quen thuộc có trong bộ nhớ. Bạn thấy nó là gì? Đáp án sẽ có ở hình ảnh cuối cùng trong loạt ảnh này.
Bạn có thể thấy hai hình tam giác lớn màu trắng? Có tất cả bao nhiêu hình tam giác? Câu trả lời đáng ngạc nhiên là chẳng có gì, trên thực tế không có tam giác nào cả. Nguyên nhân là do bộ não có xu hướng xem các hình vẽ như một nhóm toàn thể, bỏ qua khoảng trống, đồng thời thêm đường hoặc cạnh để biến hình ảnh thành một thứ gì đó quen thuộc, dễ nhận biết hơn. Đây là ảo giác về đường nét mang tính chủ quan gọi là Tam giác Kanizsa. Nó được đặt theo tên của nhà tâm lý học người Italia, Gaetano Kanizsa.
Bộ não cung cấp cho con người vô số khả năng đáng kinh ngạc. Một số chuyên gia cho rằng, con người có nhiều dạng trí thông minh khác nhau. Trí thông minh không gian là khả năng suy nghĩ trực quan, về hình dạng và không gian ba chiều. Hãy cố gắng tham gia vào thách thức trực quan đơn giản ở trên, tìm ra mảnh giấy (trong số 4 đáp án) có thể gấp lại để tạo ra khối lập phương.
Một con cá mập hay nước có khả năng giết bạn hơn? Đặt 5 thứ sau: máy bay, cá mập, ong, nước, ô tô, theo đúng thứ tự giảm dần về nguy cơ gây tử vong cho con người. Những phân tích và phân loại rủi ro của bộ não có thể không chính xác, phụ thuộc vào những tình huống quen thuộc và kinh nghiệm mà bạn từng trải qua trong quá khứ. Câu trả lời là: ôtô, nước (chết đuối), ong, máy bay, cá mập.
Liệu bạn có một trí nhớ tốt để nhớ lại những chi tiết trực quan? Hãy nghiên cứu hình dạng này trong vòng 15 giây, sau đó di chuyển qua chỗ khác và vẽ lại hình ảnh mà bạn nhớ được. Nhiều người vẽ gần đúng, nhưng kết thúc họ lại vẽ hai cặp vòng tròn và hai bộ đường lượn sóng mà quên không nối đường với vòng tròn bên ngoài. Điều này cho thấy bộ nhớ không phải lúc nào cũng hoàn hảo như chúng ta thường nghĩ.
Đáp án những câu trả lời trước đó: ảnh số 5 là một con chó đốm, ảnh số 7 là đáp án A, ảnh số 8 là đáp án C.
Theo Vnexpress/Guardian