Các chuyên gia kêu gọi doanh nghiệp Hoa Kỳ không nên tiếp tay cho tội ác của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Gary Bauer – ủy viên Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, phát biểu với tờ Epoch Times rằng, các công ty và doanh nghiệp Mỹ cần phải nhận thức được mình đại diện cho những giá trị gì, kêu gọi họ ngừng cung cấp các trang thiết bị công nghệ cho chính quyền Trung Quốc – một chính quyền độc tài đang ngày một gia tăng tầm kiểm soát nhằm đàn áp các loại hình tôn giáo.
Ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Các công ty công nghệ nên nhớ rằng, họ là những công ty công nghệ Mỹ. Do đó họ nên nhận thức rõ được mình đại diện cho những giá trị gì. Khi thấy cảnh tượng một vài công ty công nghệ sẵn sàng hợp tác với ĐCSTQ, thì đây là điều không thể chấp nhận được”.
Ngày 22/7, trong một phiên điều trần trực tuyến ngày do Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức, các chuyên gia đã phát biểu về một nhà nước bị giám sát và chịu bất công dưới sự quản lý của chính quyền Trung Quốc. Tại đây, các nhà chức trách cũng đã triển khai những máy ảnh công nghệ cao, thiết bị nhận dạng khuôn mặt, ứng dụng điện thoại, giám sát GPS và thu thập DNA nhằm theo dõi và đàn áp các cộng đồng tôn giáo.
Một giáo hội hầm trú nổi tiếng ở Bắc Kinh đã bị đóng cửa vì họ từ chối cho chính quyền Trung Quốc lắp đặt camera an ninh bên trong.
Một giáo hội hầm trú là thuật ngữ chỉ bộ phận người Công giáo ở Trung Quốc, họ quyết định không liên hệ hay gia nhập vào Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc – tổ chức Công giáo duy nhất được nhà nước Trung Quốc phê chuẩn.
Tại Tây Tạng, người dân bị bắt giữ vì chia sẻ hình ảnh của Đạt-lai Lạt-ma trên mạng xã hội. Gần đây nhất, chính quyền Trung Quốc đã thi hành luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông. Điều luật cho phép các quan chức kiểm duyệt những nội dung trực tuyến và chặn liên lạc, điều này khiến các nhóm tín ngưỡng tại khu vực lo lắng rằng, họ sẽ bị đàn áp giống như cách chính quyền Trung Quốc đã và đang tiến hành tại Đại lục.
Tại phiên điều trần, Chris Meserole – thành viên của Viện Brookings tại Washington, phát biểu: “Chưa một nhà nước độc tài nào có thể tận dụng triệt để các công nghệ kỹ thuật số thành công như chính quyền Trung Quốc hiện nay. Và những tổ chức tôn giáo lọt vào tầm ngắm của ĐCSTQ đã phải nhận lấy hậu quả thê thảm như một bi kịch”.
Một số công ty, doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đóng góp một phần trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp giám sát của chính quyền Trung Quốc, hoặc tuân thủ theo sự kiểm duyệt của chính quyền nhà nước này.
Lobsang Sither – một người Tây Tạng lưu vong cho biết, trường hợp tiêu biểu chính là Apple. Theo lệnh của chính quyền Bắc Kinh, tập đoàn công nghệ này đã phải gỡ bỏ hàng nghìn ứng dụng trên Apple Store phiên bản Trung Quốc, mặc dù gần đây họ khẳng định sẽ “tạo ra một thế giới công bằng cho tất cả mọi người”.
Tháng 11/2019, Ủy ban Chấp hành của Nghị viện Hoa Kỳ về Trung Quốc báo cáo, các “ông lớn” công nghệ như Intel và Nvidia đã bán chip trí tuệ nhân tạo cho Hikvision – một trong gần 50 công ty Trung Quốc nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ vì dính líu đến hành vi vi phạm nhân quyền tại khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác, điều những đối tượng này đến các trại tập trung, dưới biểu ngữ ứng phó trước “chủ nghĩa tôn giáo cực đoan”.
Tính đến ngày 30/6/2018, Hệ thống Hưu trí của Giáo viên Tiểu bang California – quỹ hưu trí lớn thứ hai tại Hoa Kỳ, đã sở hữu khoảng 24,4 triệu đô la Mỹ giá cổ phần tại Hikvision.
Vào tháng 5/2020, chính quyền Mỹ đã ngăn chặn thêm nhiều quỹ hưu trí liên bang Hoa Kỳ khác có ý định đầu tư vào vào cổ phiếu các công ty, doanh nghiệp Trung Quốc, với lý do “tình hình an ninh quốc gia nhạy cảm hiện nay cũng như các vấn ngại về mặt nhân đạo”.
Ngày 16/7, trong một bài phát biểu về những mối nguy của chính quyền cộng sản Trung Quốc gây ảnh hưởng tới quyền tự do Mỹ, Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã điểm tên các công ty, doanh nghiệp Mỹ “chịu cúi đầu” trước chính quyền Bắc Kinh, khẳng định các công ty công nghệ Mỹ, cũng như Hollywood đã quá mong ngóng được tiếp cận thị trường Trung Quốc, do đó “sẵn sàng chịu khuất phục trước quyền lực của chính quyền Trung Quốc”.
Ông cho biết: “Chỉ vì những lợi nhuận ngắn hạn mà các công ty, doanh nghiệp Mỹ đã chịu khuất phục trước quyền lực của chính quyền Trung Quốc, ngay cả khi hành động này sẽ gây ảnh hưởng đến sự tự do và liêm chính tại Mỹ”.
Ngày 21/7, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ đã ban hành một báo cáo chỉ trích chính quyền Bắc Kinh trước chiến lược phối hợp nhằm bành trướng “chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số” của họ, mà theo như nhận định của nhà nghiên cứu tại trường Đại học California – Xiao Qiang, chiến lược đã “hình thành nên cạnh tranh có hệ thống với Mỹ và nhiều nền dân chủ khác”.
“Về mặt cốt lõi, cuộc canh tranh này nằm ngoài giá trị về nhân phẩm và quyền tự do cơ bản của con người”, bà Xiao phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến.
Việt Anh (Theo Epoch Times)