Thuận theo sự phát triển, đạo đức của con người đang dần trượt dốc, cộng thêm văn hóa truyền thống bị phá hủy, ngày nay có người nhặt được tiền mà không nổi lòng tham thì vô cùng hiếm hoi, thậm chí còn bị người khác chê cười.
Vào thời nhà Thanh, văn học gia Nữu Tú trong bút ký “Cô thứng tục biên” đã ghi chép lại một câu chuyện ly kỳ:
Tháng ba năm Thuận Trị thứ mười (năm 1653), ở huyện Long Khê (nay gần thành phố Chương Châu tỉnh Phúc Kiến) có một lão nông tên là Hoàng Trung. Một ngày, Hoàng Trung cùng với con trai chèo một chiếc thuyền nhỏ đến cửa Đông của Chương Châu để mua phân để bón ruộng.
Sau khi hai cha con ăn cơm xong, liền đỗ thuyền bên cạnh bến sông để đi gánh phân. Hai người đi đến chỗ nhà vệ sinh thì nhìn thấy một cái túi, liền cầm nó mang lên thuyền.
Trở lại thuyền, Hoàng Trung mới mở cái túi ra để xem xét, bên trong thấy có 60 lượng vàng! Hoàng Trung rất nghiêm túc mà nói với con trai: “Đây nhất định là có người đi vệ sinh xong đánh rơi rồi. Người giàu sang thường sẽ không đeo những thứ quý giá như thế này ở bên hông đâu, nếu như là người nghèo khó, thì một ít vàng này chính là tiền để cứu mạng người đấy, chúng ta làm sao có thể lấy làm của riêng được? Ta muốn ở đây để chờ người đánh rơi quay lại tìm”.
Người con trai nghe xong rất tức giận, liền tranh cãi với cha, anh ta cho rằng người cha quá cổ hủ. Nhưng nói cả buổi người cha vẫn không nghe, anh liền tức giận mà bỏ về nhà. Hoàng Trung thấy con trai bỏ đi rồi, liền mang cái túi cất kỹ ở đuôi thuyền, tự mình ngồi chờ người mất của quay trở lại tìm.
Trong túi là tiền để cứu người
Rất lâu sau, từ xa có thể nhìn thấy một người đang chạy như điên lại, thần sắc hốt hoảng vào trong nhà vệ sinh xem xét. Hoàng Trung thấy tình trạng anh ta thảm hại, liền chạy lại hỏi xem anh ta có chuyện gì.
Người nọ nói: “Cha của tôi bị sơn tặc vu oan, nói với quan phủ là cha của tôi đồng lõa với bọn chúng, kết quả cha tôi đã bị nhốt vào ngục. May mắn có những người đồng hương bảo đảm, quan mới đồng ý cho dùng 120 lượng vàng để nộp tiền bảo lãnh.
Tôi đã phải mang cả nhà cửa và ruộng vườn bán đi, lại đi đến bạn bè để mượn thêm tiền, mới gom được 60 lượng vàng. Bởi vì quan phủ nói có thể giao nộp trước 60 lượng vàng cũng được, rồi sau khi cha của tôi được thả ra có thể từ từ gom góp sau”.
“Cho nên tôi mới mang vàng quấn kỹ ở trên người, vội vàng đi đến châu phủ. Ai ngờ đi đến đây thì đột nhiên muốn đi nhà vệ sinh, liền gỡ túi ra bỏ xuống. Bởi vì tâm tình rối loạn, nên để quên mất túi vàng ở đây. Tôi chết cũng không có gì đáng tiếc, nhưng cha của tôi biết làm sao bây giờ!”. Nói xong thì nước mắt giàn giụa.
Hoàng Trung cẩn thận hỏi anh ta số lượng vàng và màu sắc của cái túi, quả nhiên đúng là cái túi mà ông đã nhặt được, mới an ủi anh ta: “Vàng đều ở chỗ tôi đây, tôi chờ anh lâu lắm rồi”. Nói xong liền lấy túi vàng còn y nguyên trả lại cho anh ta.
Người nọ vui mừng quá đỗi, vì để cảm tạ, định đem mười lượng vàng cho Hoàng Trung. Nhưng Hoàng Trung nhẹ nhàng từ chối nói: “Tôi nếu như có lòng tham thì đã lấy hết 60 lượng vàng kia luôn rồi, đâu cần phải chờ anh đến để lấy 10 lượng vàng làm gì?”. Dứt lời liền vẫy tay từ biệt, chèo thuyền rời đi.
Ông trời ban thưởng một cái “vò gốm”
Hoàng Trung chèo thuyền đi được nửa đường, đột nhiên mưa gió nổi lên, đành phải cho thuyền dừng bên cạnh một cái thôn hoang vắng. Lúc này, bờ đê của thôn bị nước xói mòn, sụp đổ ầm ầm, từ đó lộ ra một cái vò gốm, trên miệng vò gốm có tờ giấy bạc dán kín lại.
Hoàng Trung cũng không biết được là bên trong có gì, cái vò gốm này thực sự là rất nặng, Hoàng Trung phải vất vả lắm mới mang được nó lên thuyền. Một lát sau trời tạnh mưa, trăng cũng đã lên, Hoàng Trung chậm rãi chèo thuyền đi về phía trước, phải nửa đêm mới về đến nhà.
Nhưng rốt cuộc ông lại bị nhốt ở ngoài cửa, nguyên do là con trai của ông đã mách lại cho vợ của ông biết. Vợ ông nghe con nói xong, liền cố ý đóng cửa không cho Hoàng Trung đi vào, mặc cho ông kêu to thế nào cũng không mở.
Hoàng Trung không biết làm sao, đành phải nói với vợ: “Trên thuyền của tôi có một cái vò gốm rất quý, bên trong có thể toàn là bảo bối đấy!”.
Vợ của ông nghe xong, mới vội vàng cùng con trai mở cửa, chạy ra chỗ thuyền tìm cái vò gốm để kiểm tra. Sau khi mở vò gốm ra, cả nhà đều vô cùng kinh ngạc, ánh trăng chiếu vào vò gốm phát ra ánh sáng trắng như tuyết, dùng tay sờ vào trong thì toàn là bạc. Hoàng Trung thấy như đang trong mộng, bất chợt cũng không biết nghĩ sao.
Đâu ngờ, hàng xóm của Hoàng Trung nửa đêm nghe vợ chồng ông xì xào bàn tán, đã nghe được rõ ràng hết cả. Vì vậy ngày hôm sau, hàng xóm liền báo quan phủ là Hoàng Trung đã tự tiện khai quật đồ chôn giấu của người khác.
Huyện lệnh Long Khê mới cho gọi Hoàng Trung tới để hỏi. Hoàng Trung cũng không sợ hãi gì, đem hết chuyện trả vàng như thế nào rồi nhặt được bạc ra sao, kể lại hết cho huyện lệnh nghe.
Sau khi nghe xong, huyện lệnh cảm khái mà nói: “Người làm việc thiện được nhận phúc báo, đây chính là trời ban cho đấy, chẳng lẽ người khác có thể quản được sao?”.
Vì vậy huyện lệnh sai người bắt người hàng xóm đã tố cáo tới đánh cho một trận, đồng thời thả Hoàng Trung về nhà. Từ đó về sau, Hoàng Trung dời nhà vào trong thành, hưởng phú quý cả đời.
Đạo trời không thiên vị, thường giúp người lương thiện. Giữ vững thiện niệm rồi cũng sẽ được phúc báo. Trong chuyện này ông lão tuy nghèo khó, nhưng đối với 60 lượng vàng ở trước mặt vẫn có thể giữ được thiện niệm, thật sự là đáng quý!
Chân Chân biên dịch