Nhật Bản là quốc gia có nhiều thương hiệu lâu đời nhất thế giới, bao gồm các khách sạn lâu đời như Nishiyama Onsen Keiunkan ở Yamanashi, được thành lập vào năm 705. Nhật còn có khoảng 33.000 cửa hàng đã tồn tại trong nhiều thế kỷ qua.
Cửa hàng tráng miệng Candy Ichimonjiya Wasuke, một công ty có trụ sở tại Kyoto có niên đại từ năm 1000. Các cửa hàng Nhật Bản lâu đời này được gọi là cửa hàng cũ shinise. Vậy điều gì làm cho các công ty Nhật Bản tồn tại được lâu như vậy?
Câu trả lời rất đơn giản, đó là tôn trọng các yếu tố truyền thống và truyền lại doanh nghiệp từ thế hệ này sang thế hệ khác, duy trì khả năng cạnh tranh cốt lõi và không vội vã đổi mới.
Thương hiệu trà Tsuen được thành lập vào năm 1672 trên một góc phố bình thường ở Kyoto. Chủ sở hữu hiện tại là một người đàn ông Nhật Bản 38 tuổi tên Yusuke Tsuen. Anh ấy ngồi khoanh tay trên sàn và nói với phóng viên BBC: “Chúng tôi chỉ tập trung vào các sản phẩm làm từ trà, và phạm vi kinh doanh của chúng tôi chưa được mở rộng. Đây là lý do vì sao chúng tôi có thể tồn tại.”
Tôn trọng tinh thần và văn hóa truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Yusuke Tsuen nói rằng nhiều đồng nghiệp trong khu phố của anh ấy có bối cảnh gia đình tương tự như là những thế hệ trẻ nhất trong công việc kinh doanh của gia đình. Đối với Yusuke Tsuen, lựa chọn điều hành công việc gia đình là điều đúng đắn.
Anh chia sẻ: “Đây không phải là một doanh nghiệp mà tôi đã kiến tạo. Tôi đang điều hành một doanh nghiệp được để lại bởi tổ tiên của mình. Nếu tôi không kế thừa nó thì di sản này sẽ biến mất. Từ khi học mẫu giáo và tiểu học, bất cứ khi nào tôi được hỏi ước mơ tương lai của tôi là gì, thì tôi lập tức nghĩ đến việc tiếp tục điều hành cửa hàng của gia đình mình.”
Duy trì những nét riêng độc đáo và tập trung vào phát triển dịch vụ chăm sóc khách hàng
Điều quan trọng là phải chú ý duy trì các hoạt động và sản phẩm đặc trưng của các cửa hàng lâu đời, đó là khả năng “cạnh tranh cốt lõi”. Các sản phẩm truyền thống cũng là yếu tố làm cho các cửa hàng Nhật Bản duy trì lâu dài.
Trà Tsuen trong hàng trăm năm qua đã tập trung vào việc chỉ sử dụng các sản phẩm trà của riêng mình. Họ không đặc biệt mở rộng phạm vi sản phẩm của mình và cũng không bao giờ nới lỏng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Nhờ đó khách hàng luôn tìm đến họ, bao gồm cả những người khách quen và khách lạ.
Lựa chọn phong cách xưa cũ hoặc truyền thống hơn là đổi mới
Đổi mới và khởi nghiệp là những mô hình kinh doanh phổ biến ở phương Tây. Tuy nhiên, trong văn hóa Nhật Bản, người dân đều đồng lòng trung thành và công nhận các cửa hàng cũ hơn là các công ty sáng tạo.
Chủ cửa hàng trà Yusuke Tsuen nói: “Tôi đã được sinh ra ở đây. Tổ tiên của tôi bắt đầu và điều hành cửa hàng trà này, và bây giờ tôi đã tiếp quản. Mục tiêu của tôi không phải là mở rộng hoạt động hay biến nó thành một công ty quốc tế. Điều quan trọng nhất là tiếp tục các phương pháp gia đình truyền thống để điều hành công việc kinh doanh của tổ tiên.”
Bích Hải biên dịch (theo Vision Times)