Cổ nhân có câu: “Trăm việc thiện chữ Hiếu đứng đầu”, hiếu thảo là đức tính tốt đẹp đầu tiên của con người. Từ thường dân đến các bậc vua quan trong thế gian đều cần phải lấy “hiếu đạo” làm trọng. Đạo lý ấy không chỉ đơn thuần là hiếu thuận với cha mẹ, mà còn là một đức tính biểu thị cho đạo đức, tạo phúc cho hết thảy người trong thiên hạ.
Vượt ngàn dặm tìm hài cốt của cha
Một câu chuyện có thật tại Trung Quốc được người dân kể lại như sau:
Khi tầm tuổi, tôi nghe người anh họ của mình là Xán Nhược kể rằng: Có một người họ Tề ở quê tôi, bởi vì phạm tội đã bị kết án và đưa đến Hắc Long Giang để trấn giữ biên cương, được vài năm thì mất ở xứ người.
Sau khi con trai ông ta lớn lên, anh ta rất muốn di dời hài cốt của cha mình về quê. Nhưng gia cảnh bần hàn, không thể làm được như mong nguyện, vì thế mà ưu sầu không dứt.
Một hôm, anh ta tình cờ kiếm được vài đấu đậu và đã nảy ra một suy nghĩ, đó là nghiền đậu thành bột sau đó dùng nước nhào thành từng viên nhỏ, bên ngoài phủ một lớp màu đất nâu đỏ lên trông giống như những viên thuốc. Sau đó, đem những viên thuốc giả này đi bán, nói dối rằng mình là người bán thuốc để kiếm tiền làm lộ phí. Nghĩ vậy, anh ta lập tức lên đường tiến thẳng đến Hắc Long Giang.
Dọc đường, để có thể trang trải mọi việc ăn ở, anh ta hoàn toàn dựa vào việc bán thuốc giả làm từ đậu để sống qua ngày. Nhưng có một điều kỳ lạ là, hễ ai uống bột đậu của anh ta liền lập tức khỏi bệnh, ngay cả là bệnh nặng cũng chuyển biến tốt lên hẳn.
Thế là mọi người truyền tai nhau về sự thần kỳ của loại thuốc ấy. Từ đó, thuốc của anh ta bán rất được giá. Tuy vậy, nhưng anh không mảy may nảy sinh lòng tham, anh chỉ kiếm đủ tiền ăn uống và qua đêm ở khách điếm ven đường, trong đầu lúc nào cũng nghĩ nhất định phải kiếm được hài cốt của cha, đưa ông về lại quê hương, tổ tiên.
Cuối cùng anh ta cũng đến biên cương và tìm được di cốt của cha mình, sau đó bỏ hài cốt vào một chiếc hộp, ngay lập tức cõng nó trên lưng và quay trở về quê nhà.
Trên đường về, đến một khu rừng anh gặp phải ba tên cướp. Không nghĩ nhiều, anh lập tức vứt hết tiền trong tay nải cho bọn cướp, rồi cõng chiếc hộp trên lưng bỏ chạy. Thấy vậy, bọn cướp nghĩ rằng trong hộp ắt hẳn có thứ quý hơn nên đuổi bắt anh ta lại.
Nhưng khi mở hộp ra và nhìn thấy những mẩu xương, chúng cảm thấy hết sức kinh ngạc, vì vậy đã hỏi anh ta chuyện gì đã xảy ra. Anh vừa khóc vừa kể lại câu chuyện của mình cho chúng nghe. Sau khi biết chuyện, những tên cướp bỗng dưng động lòng, cảm hóa trước tấm lòng hiếu thảo của anh chàng, bèn trả lại tất cả số tiền đã lấy và còn tặng thêm một ít ngân lượng.
Bỗng nhiên, một trong ba tên cướp bật khóc và nói: “Chàng trai trẻ này gầy yếu như vậy, mà phải trải qua nhiều lần gian khổ, vượt qua hàng nghìn dặm để tìm kiếm hài cốt của cha mình. Tôi đường đường chính chính là một nam tử hán, tự cho mình là anh hùng hào kiệt, lại không bằng một thiếu niên! Quả thực đáng hổ thẹn. Các vị bảo trọng, tôi cũng phải đi Cam Túc một chuyến để tìm lại hài cốt của cha mình”.
Nói xong, hắn vẫy tay tạm biệt hai người còn lại và đi thẳng về hướng Tây. Đồng bọn gọi kêu anh ta về nhà nói với vợ một tiếng rồi hãy đi, nhưng anh ta rất kiên định, mạnh chân bước đi mà không quay đầu lại.
Chính vì lòng hiếu thảo của người con trai nhà họ Tề kia đã khiến tên cướp chấn động tâm can, quay đầu ăn năn. Đáng tiếc rằng thói đời xuống dốc, lòng người đổi thay, những việc làm chính nghĩa của người con trai nhà họ Tề không được người đời lưu truyền cho hậu thế. Tôi đã từng viết cuốn “Loan dương tiêu hạ lục”, nhưng cũng lại quên đưa câu chuyện này vào.
Sau này khi tôi sống ở Trực Lư, Quận Hải Điến, Bắc Kinh thì đột nhiên nhớ lại câu chuyện này, liền chép ra để bổ sung vào những thiếu sót của biên niên sử địa phương. Nếu mỹ đức của những người tốt này bị người đời lãng quên, nhưng trong cõi u linh sẽ lưu lại rất rõ ràng, và có lẽ họ cũng hiểu được tâm ý của tôi.
Có lẽ nhiều người đã hiểu được, vì sao người con trai nhà họ Tề kia làm giả thuốc bán, mà người mua lại vẫn hết bệnh đến thần kỳ như vậy? Bởi chính lòng hiếu thảo của anh đã cảm động trời đất. Hơn nữa, khi bán được tiền nhiều, anh ta không hề sinh ác niệm, vẫn đặt chữ “Hiếu” lên đầu, bất động tâm trước lợi ích thế gian, đây là điều hiếm thấy trong xã hội trượt dốc đạo đức như hiện nay.
Về tình về lý nên làm thế nào?
Chuyện xảy ra trên đời chẳng qua là do Thiên ý, nhân duyên tạo thành. Nhưng đôi khi, cũng sẽ gặp phải tình huống khó xử, không biết nên làm thế nào mới là tốt.
Cũng vào thời điểm trên, ở thôn chúng tôi có một bà mẹ chồng, luôn ngược đãi con dâu của mình bằng những thủ đoạn có thể nói là cực kỳ tàn bạo, khiến cô không thể chịu được đã phải lén trốn về nhà mẹ đẻ. Người mẹ thấy con gái của mình như vậy, vô cùng thương xót nên đã giấu cô đi. Sau đó nhà chồng đến tìm người nhưng gia đình mẹ đẻ nói dối là không thấy.
Thế là nhà chồng lập tức đi báo quan, rốt cuộc cả hai gia đình đều đưa nhau ra kiện. Có một ông già họ Chu – nhà sát cạnh với gia đình người con dâu. Vì lẽ đó, bà mẹ chồng tin rằng ông là người hiểu rõ sự việc hơn cả, nên đã yêu cầu ông làm chứng.
Ông Chu trầm tư suy nghĩ:
- Nếu đem câu chuyện đứa con dâu về với gia đình mẹ đẻ nói ra, thì tương đương với việc đưa người ta vào chỗ chết.
- Còn nếu nói dối rằng không thấy cô ấy về nhà mẹ, lại chẳng khác nào khuyên người khác ly hôn.
Sự việc này khiến ông do dự, không thể tự mình quyết định. Vì vậy, ông đã đi đến miếu thờ Thần để rút một quẻ. Nhưng cầm ống thẻ lắc cả nửa ngày mà không văng ra cây nào. Lắc mạnh hơn thì tất cả các thẻ lại bị văng hết ra ngoài. Xem ra ông trời cũng khó quyết định chuyện này.
Sau khi quan phủ biết được câu chuyện, bèn nói: “Đến cả Thần cũng sửng sốt. Một cô bé mười mấy tuổi suốt ngày bị hành hạ, đày đọa đã sớm đoạn tình với nhà chồng rồi. Ngay cả khi cô ấy chạy trốn, thì cũng có gì sai? Còn cần phải do dự như vậy?”.
Có người nói: Con người làm điều gì, thì Thần đều thấy hết. Không phải nhìn một đời này, mà phải xét đến mấy đời mấy kiếp. Con người làm sao biết được mối quan hệ sâu xa giữa cô gái và người mẹ chồng kia? Nếu Thần không thể nói ra, vậy thì buộc phải tự bản thân mỗi người quyết định cho tương lai của mình.
Việt Anh