Gặp trời mưa mà không mang dù, với người khác thì có thể là rất ‘thê thảm’. Tuy nhiên, đối với Tô Đông Pha lại không hề bối rối, hơn nữa còn tĩnh tại, tùy kỳ tự nhiên. Bởi chuyện không cách nào thay đổi, hãy cứ để nó tự nhiên đi…
Vào một ngày của năm 1082, Tô Đông Pha trên đường gặp mưa, không mang theo dù che mưa. Với người bình thường thì chỉ có hai chữ là ‘thê thảm’, nước mưa đổ xuống trong rừng trúc phát ra âm thanh rất rõ ràng, không tránh khỏi chạnh lòng.
Tô Thức lạ thường thay, cứ như vậy mà viết ra bài thơ “Định phong ba”, còn ghi chú: Ngày 7 tháng 3, ta ra chơi Sa Hồ, gặp mưa. Ai nấy đều bối rối. Ta cứ coi như không thấy gì. Sau đó trời tạnh, làm bài này.
Định phong ba
Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh,
Hà phương ngâm khiếu thả từ hành.
Trúc trượng mang hài khinh thắng mã,
Thuỳ phạ!
Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh.
Liệu tiễu xuân phong xuy tửu tỉnh,
Vi lãnh,
Sơn đầu tà chiếu khước tương nghinh.
Hồi đầu hướng lai tiêu sắt xứ,
Quy khứ,
Dã vô phong vũ dã vô tình.
Hai câu thơ: “Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh, hà phướng ngâm khiếu thả từ hành” (Chẳng nghe tiếng xuyên rừng gõ lá, sao không ngâm vang chậm rãi bước). Ông không dùng “bất thính” (không nghe) mà dùng “mạc thính” (chẳng nghe).
“Bất thính”, tính cương quyết đó, là phải vận dụng sức mạnh của ý chí, để đối kháng lại với tiếng mưa. Còn “mạc thính”, thì ta có thể lựa chọn nghe, nhưng âm thanh đó cũng chỉ là ngoại cảnh, tâm của ta có thể quyết định nghe thấy, hoặc không nghe thấy. Chỉ với một chữ “mạc” mà cảnh giới đã trở nên ung dung tự tại.
“Hà phướng ngâm khiếu”, từ “hà phướng” cũng là một sự thư thái, dù sao thì cái hiện thực bị ướt như chuột lột cũng không thể thay đổi, vậy chi bằng lúc đó ngâm lên khúc du hành. Chuyện không cách nào thay đổi, thì cứ để nó tồn tại một cách tự nhiên đi.
Tô lão lúc đó chỉ cầm một cây gậy trúc, chân đi loại giày cỏ, từ đầu đến chân đều bị ướt, cũng không cưỡi ngựa. Nhưng ông nói: “Trúc trượng mang hài khinh thắng mã, thùy phạ?” (Gậy trúc giày rơm nhẹ hơn ngựa, ai sợ?), từ sự tự chế giễu tiêu cực mà bộc phát thành thú vui, trong mưa cầm gậy đi giày rơm nhẹ nhàng thoải mái, còn tiện lợi hơn là cưỡi ngựa.
Mưa tạnh rồi, lại có lời vàng: “Hồi thủ hướng lai tiêu sắt xứ, quy khứ, dã vô phong vũ dã vô tình” (ngoảnh nhìn chốn hiu hắt trước nay, về thôi, cũng không mưa gió cũng không hanh). Cảnh giới đã tương đối cao: được rồi, mưa tạnh rồi, khô người rồi, mưa xong tự nhiên trời sẽ trong, làm người không cần phải phát hoảng khi đang trong nghịch cảnh.
Tô Đông Pha lại có thể hiểu thấu đáo không chút chướng ngại, mưa có thể không phải mưa, trong nghịch cảnh dựa vào tâm cảnh mà tự thấy an vui, vì vậy, trời trong cũng không phải trời trong, sự biến hóa của vạn pháp vô thường đã không liên quan đến tâm cảnh của ông nữa.
Nhiều người sau khi đọc được bài thơ này của Tô Đông Pha thì đã thu được nhiều lợi ích. Có người nghĩ, lỡ như vận số yếu gặp phải ma, cũng sẽ học tập Tô lão, trong lòng không có ma, nên là, không nhìn thấy. Không nhìn thấy, sau đó quay lưng bỏ đi, ngâm vang: “dã vô phong vũ dã vô tình” (cũng không mưa gió cũng không hanh).
Cảnh giới của bảy chữ này, đáng để chúng ta dùng làm khẩu thiền trong hoàn cảnh biến hóa của vô thường.
Chú thích:
*Tô Thức: Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.
*Tống từ : là một loại thơ ca được xem là văn chương thành tựu trong đời nhà Tống, câu cú có thể dài ngắn khác nhau nhưng âm tiết rất nhịp nhàng, có thể ngâm đọc hoặc hát.
Theo Đại Kỷ Nguyên