Tinh Hoa

Nhân quả báo ứng: Háo sắc giết người, bị oan hồn lấy mạng

Một vụ án tưởng chừng không có chút manh mối để tìm ra thủ phạm, nhưng cuối cùng oan hồn của đứa trẻ bị hại đã tiết lộ tất cả sự thật. Quả đúng là nhân quả báo ứng không chút sai lệch!

(Ảnh minh họa)

Vào một ngày năm Canh Ngọ thời vua Càn Long, quan khố bị phát hiện mất ngọc quý, vì thế nghi ngờ tập trung vào viên quan tạp dịch. Trong đó có một vị tên là Thường Minh, khi bị thẩm vấn, bỗng nhiên giọng nói thay đổi, dùng giọng nói của một đứa trẻ nói: “Ngọc quý không phải hắn trộm, nhưng hắn là người đã hại ta. Ta chính là oan hồn của người bị hắn giết”.

Quan thẩm án nghe vậy thì hoảng hồn, càng tra hỏi thì càng đúng sự thật. Nếu là chuyện xảy ra ở thời hiện đại, khẳng định là đã nhanh chóng đưa đi xét nghiệm tâm thần. Nhưng thời ấy, từ triều đình cho đến dân chúng, đều tin quỷ thần. Nói đến chuyện quỷ thần, quan phá án kia vẫn có chút sợ, ông không dám tùy tiện quyết định, bèn lệnh đưa Thường Minh đến Hình bộ.

Hình bộ vừa hay lúc đó là cha của Kỷ Hiểu Lam tiếp nhận bản án này. Ông cùng với quan phủ Giang Tô thụ lý vụ án. Phụ thể bám trên người Thường Minh nói:

“Ta tên là Nhị Cách, năm nay 14 tuổi, nhà ở Hải Điến. Cha ta tên là Tinh Vọng. Ngày 15 tháng Giêng tức Tết Nguyên Tiêu năm kia, Thường Minh cùng ta đi xem hội đèn lồng. Nào ngờ Thường Minh thích ta, lúc về đã trêu chọc ta. Ta liền liều mạng chống cự, la hét. Thường Minh nghe vậy liền cuống cuồng, dùng dây lưng siết cổ ta đến chết, rồi chôn xác ta ở dưới bờ sông. Sau đó, cha ta nghi ngờ Thường Minh hại ta, nên đã đến tuần thành Ngự Sử tố cáo hắn.

Vụ án được đưa đến hình bộ, nhưng vì không có chứng cứ, kết luận cần truy bắt thủ phạm khác. Vì vậy, oan hồn của ta luôn luôn bám theo Thường Minh, mới đầu đứng cách hắn chừng 4-5 thước đã thấy nóng hừng hực, không thể tới gần. Sau thì nhiệt độ tiêu giảm dần, ta có thể tới gần hắn chừng 2-3 thước, rồi có thể gần hắn 1 thước. Ngày hôm qua ta cảm thấy không còn nóng, cuối cùng có thể bám vào trên người hắn”.

Hình bộ tìm lại hồ sơ vụ án trước kia, quả nhiên đúng như lời oan hồn nói. Quan chủ thẩm hỏi: “Xác của ngươi hiện tại ở đâu?”. Oan hồn Nhị Cách nói rằng xác chôn bên cạnh cây liễu ở bờ sông. Quan chủ thẩm cho người đến điều tra, quả nhiên đã đào thấy một xác chết, vẫn chưa bị thối rữa. Quan chủ thẩm triệu cha của Nhị Cách tới nhận dạng, vừa nhìn thấy cái xác, ông liền khóc to: “Con ơi, cha bây giờ mới tìm được con!…”.

Vụ án tưởng chừng không có chứng cứ, đường đường là Hình bộ triều đình, rồi bao nhiêu quan phủ thẩm án cùng đám bà cốt vẫn không tìm ra chút manh mối. Nhưng mà oan hồn Nhị Cách đã chứng minh từng tình tiết vụ án, đều là sự thật, chứng cứ vô cùng xác thực.

Sau đó lại tra hỏi thêm Thường Minh, vừa gọi tên Thường Minh, thì là giọng của Thường Minh rất tỉnh táo ngụy biện; nhưng vừa gọi tên Nhị Cách, thì lại là giọng nói của Nhị Cách, mê mê tỉnh tỉnh. Tra thẩm đến cuối cùng, chứng cứ đã hết sức xác thực, không thể chối cãi, Thường Minh chỉ có thể nhận tội.

Bản án đến đây đã rõ ràng, Hình bộ trình báo với vua Càn Long. Kết quả, Thường Minh bị phán quyết xử trảm.

Vừa đưa ra phán xét, oan hồn Nhị Cách hưng phấn lạ thường, bỗng nhiên lớn tiếng hét to “Bán… bánh” – chính là lúc còn sống Nhị Cách đi bán bánh vẫn thường rao như vậy. Tiếng rao đó so với lúc Nhị Cách còn sống là giống nhau như đúc.

Cha của Nhị Cách nghe thấy vậy thì xúc động nói: “Lâu rồi ta mới được nghe thấy tiếng con!”. Ông lại hỏi: “Con ơi, bây giờ con muốn đi đâu?”. Oan hồn Nhị Cách nói: “Con cũng không biết, cha, con phải đi rồi!”. Từ đó về sau, khi hỏi lại Thường Minh, thì không thấy hắn nói giọng của Nhị Cách nữa.

Theo “Duyệt vi thảo đường bút ký”

Theo secretchina