Thường nghe nói về ‘Cô hồn dã quỷ’, đó là để chỉ những linh hồn không có nơi để đi, lang thang đói khát, rất tội nghiệp. Trong “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam cũng kể lại một câu chuyện rất chân thực về oan hồn, mà người chứng kiến chuyện này lại chính là cha của tác giả.
Vào năm Canh Ngọ thời vua Càn Long, ngọc bội trong quan khố bị đánh cắp. Quan lại lần lượt khám xét từng hộ gia đình trong khu vực xung quanh. Khi một người tên là Thường Minh đang bị thẩm vấn trên công đường, trong lúc trả lời thì giọng nói của anh ta đột nhiên thay đổi, giống như giọng của một đứa trẻ, lớn tiếng nói:
“Anh ta không ăn trộm ngọc, nhưng anh ta thực sự đã giết người. Người bị giết là con, con chính là oan hồn bị sát hại.”
Quan thẩm vấn kinh ngạc, liền áp giải Thường Minh đến bộ Hình để tiếp tục thẩm vấn. Diêu An Công (cha của Kỷ Hiểu Lam) lúc đó làm quan trong ty Giang Tô, cùng với Dư Văn Nghi và một số viên quan khác là những người thẩm vấn vụ án này.
Oan hồn nói: “Con tên là Nhị Cách, mười bốn tuổi, sống ở Hải Điến, cha con tên là Lý Tinh Vọng. Vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch năm ngoái, Thường Minh dẫn con đi xem đèn lồng, trên đường về đêm khuya vắng lặng, Thường Minh đã chọc ghẹo con, con cố gắng vùng vẫy chống cự và nói về nhà sẽ nói với cha con.
Thường Minh đã siết cổ con đến chết bằng thắt lưng và chôn con dưới bờ sông. Cha con nghi ngờ rằng Thường Minh đã giấu con đi, nên đã báo cáo với quan phủ ở đó, vụ án sau đó cũng được chuyển lên bộ Hình, nhưng vì không tìm ra bằng chứng, nên các quan đã phán định rằng cần truy nã hung thủ khác.
Oan hồn con luôn đi theo Thường Minh, lúc đầu, chỉ cần con cách anh ta bốn năm bước chân, đã cảm thấy người anh ta nóng như lửa đốt, con không thể lại gần anh ta. Về sau, sức nóng trên người anh ta yếu đi, con đã có thể cách xa anh ta hai ba thước, dần dần con có thể lại gần anh ta chừng một thước. Cho đến hôm qua, con hoàn toàn không cảm thấy nóng chút nào, con mới có thể nhập vào người anh ta”.
Oan hồn nói tiếp: “Trong lần xử án đầu tiên, con cũng đã theo Thường Minh đến bộ Hình, cánh cổng ở đó có ghi Quảng Tây ty”.
Chiểu theo ngày tháng oan hồn nói, quả đúng tìm thấy hồ sơ vụ án lúc đó. Các quan lại hỏi thi thể của Nhị Cách ở đâu? Oan hồn liền nói thi thể mình ở dưới bờ sông, bên cạnh vài cây liễu. Binh lính đào theo những gì oan hồn nói, quả nhiên nhìn thấy thi thể, vẫn chưa có mục nát, rồi gọi cha của Nhị Cách ra nhận người, người cha khóc lớn không thôi: “Ôi con của tôi…”
Vụ án này mặc dù khiến người ta cảm thấy huyền hoặc khó tin, nhưng từng chứng cứ một sau khi kiểm tra đều là thật. Khi thẩm vấn, nếu như gọi tên của Thường Minh, người đứng đó dường như đột nhiên bừng tỉnh, và trả lời với giọng của Thường MInh; nếu như gọi tên của Nhị Cách, người đứng đó lại dường như mê mờ đi, lời nói lại biến thành thanh âm của Nhị Cách.
Bằng cách này, một cơ thể hai giọng nói trả lời minh chứng cho nhau nhiều lần, lúc này Thường Minh mới nhận tội. Cha của Nhị Cách và oan hồn Nhị Cách thuật lại chuyện trong gia đình, từng câu chuyện một, rõ ràng và không hề sai sót. Đến đây, vụ án đã không còn điểm gì hoài nghi, liền được bẩm báo lên trên và xử theo pháp luật.
Ngày phán quyết được đưa ra, oan hồn của Nhị Cách cực kỳ cao hứng. Khi còn sống Nhị Cách kiếm sống bằng nghề bán bánh, lúc này đột nhiên hét lên “Bán bánh đây! Bán bánh!” Nghe thấy âm thanh này, người cha không khỏi buồn bã, xúc động nói: “Con ơi! Đã lâu không nghe thấy tiếng bán bánh của con, nó giống hệt như khi con còn sống”. Rồi hỏi Nhị Cách giờ sẽ đi về đâu?
Oan hồn trả lời: “Thưa cha, con cũng không biết, tạm thời đi đã”. Sau đó hỏi lại Thường Minh, cũng không thấy âm thanh của Nhị Cách nữa.
Phật giảng siêu độ, chính là siêu độ những người này, không nên chết nhưng đã bị giết chết, biến thành cô hồn dã quỷ, mà kẻ sát nhân này, tạo nghiệp cũng rất lớn. Những oan hồn đó rất mạnh, rồi sẽ bám theo người đã giết nó, nhập vào và đoạt mệnh để báo thù.
Chân Chân (Theo Soundofhope)