Dưới đây là những nhân vật nổi tiếng được ghi chép trong sử sách, những người dùng thủ đoạn mưu mô để cướp ngôi báu, hay bức hại hiền tài đều gặp phải kết cục bi thảm không những cho mình mà còn cho cả gia tộc.
Ngày nay, nhiều người dường như không còn tin vào nhân quả, hễ nghe nói đến quả báo hay báo ứng người ta thường coi đó chẳng qua chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, cho đến khi báo ứng thật sự xảy ra họ vẫn không tin rằng mình đã làm sai.
Tuy nhiên sự tình này chỉ mới xảy ra mấy chục năm nay, còn trước đó, trong các nền văn hóa truyền thống, luật nhân quả được xem là một điều tất yếu trong cuộc sống, là một quy tắc để câu thúc đạo đức và ổn định xã hội con người.
Bức hại hiền tài dẫn đến thảm họa diệt tộc
Năm 206 TCN, Lưu Bang từ một người nông dân ít học đã lên ngôi hoàng đế thống nhất Trung Hoa với sự giúp đỡ của một loạt các nhân tài như: Hàn Tín, Tiêu Hà, Trần Bình, Anh Bố, Bành Việt. Tuy nhiên, sau khi giành được thiên hạ, ông cùng với Lã Hậu lại tìm cách trừ khử các công thần trước đây.
Lưu Bang coi thường những người tu học đạo đức, ông từng nói: ”Ta ngồi trên lưng ngựa mà được thiên hạ, đâu cần đọc Thi, Thư”. Thậm chí có lần tức giận ông còn lột mũ nho sinh rồi tiểu tiện vào đó. Vì ông ít học, vô tài, tuy có dùng các nho sĩ vào việc trị quốc nhưng vẫn nghi kị họ, chỉ sợ bị họ lật đổ ngai vàng của mình nên cùng với Lã Hậu ngầm ám hại các nho sĩ.
Sau khi Lưu Bang mất, ngai vàng của họ Lưu thực sự bị mất và rơi vào tay Lã Hậu. Các vua Lưu Doanh, Lưu Hồng chỉ làm bù nhìn, quyền lực thực sự nằm trong tay bà. Dưới thời Lã Hậu sự đàn áp những người nho sinh tri thức càng mạnh mẽ, bà lần lượt sát hại các hoàng tử nhà Hán và những nho sĩ có uy tín sau đó đưa người trong họ hàng mình nắm giữ các vị trí quan trọng trong triều đình.
Năm 180 TCN, Lã Hậu mắc bệnh nặng qua đời. Tháng 9 năm đó các công thần Chu Bột, Trần Bình làm binh biến, tiêu diệt phe cánh của Lã Hậu, xóa sổ gia tộc họ Lã, lấy lại thiên hạ cho họ Lưu. Lưu Hằng lên ngôi tức Hán Văn đế. Hán Văn đế về sau tin dùng nho sinh, đề cao Khổng giáo, xem việc thông hiểu các tác phẩm kinh điển của Khổng giáo như một tiêu chuẩn giáo dục trong xã hội, vì vậy đạo đức người dân nâng cao, thiên hạ thái bình.
Dùng thủ đoạn cướp ngôi báu, kết quả bại vong
Trong lịch sử, tranh giành ngôi báu là chuyện không hiếm gặp ở các triều đại, nhưng thực sự có thể làm vua, trị vì thiên hạ thì phải thuận theo thiên mệnh, phải được lòng dân. Nếu vì tham vọng cá nhân mà bất chấp, tất sẽ phải nhận kết cục đau thương.
Chuyện kể thời cổ đại Trung Quốc có Hậu Nghệ, Nghệ được xem là một tráng sĩ, một thiện xạ bắn cung trăm phát trăm trúng. Theo sử sách, Hậu Nghệ là vua nước Hữu Cùng, một nước chư hầu thuộc quyền quản lý của nhà Hạ. Sau khi vua Hạ là Hạ Khải mất, con là Thái Khang lên thay.
Tuổi trẻ ham chơi, Thái Khang sau khi đăng cơ thường hay bỏ bê triều chính ham mê hưởng lạc, thích đi sắn bắn. Hậu Nghệ thường theo phục vụ Thái Khang, thấy Khang bỏ bê chính sự chẳng những không khuyên can mà còn nảy sinh ý định cướp ngôi. Năm 2159 TCN, trong một lần Thái Khang rời kinh đô đi săn bắt, Hậu Nghệ bí mật điều quân từ nước Hữu Cùng sang tập kích kinh đô nhà Hạ, không có binh lực trong tay Thái Khang đành bỏ quê, lưu vong nước ngoài cho tới hết đời.
Sau khi cướp được ngôi, Hậu Nghệ lại tỏ ra kiêu căng bỏ bê chính sự, chỉ thích uống rượu và săn bắt. Bầy tôi của Hậu Nghệ là Hàn Trác thấy vậy liền nảy sinh ý đồ cướp ngôi. Bề ngoài Trác ra sức tán tụng Hậu Nghệ nhưng bên trong ầm thầm lôi bè kết phái. Trác thường xuyên ra vào cung cấm còn tư thông với cả vợ của Hậu Nghệ. Một ngày năm 2120 TCN, Hàn Trác dâng lên Hậu Nghệ rượu ngon, nhân lúc Hậu Nghệ uống say Trác thừa cơ giết chết ông. Hàn Trác cướp ngôi, giết con, cướp luôn cả vợ của Hậu Nghệ.
Hàn Trác làm vua, tàn bạo mất lòng dân. Năm 2080 TCN, cháu của Thái Khang là Thiếu Khang được nhân dân ủng hộ khởi binh tiêu diệt Hàn Trác khôi phục vương triều nhà Hạ.
Hậu Nghệ nếu không mưu phản thì đã là vua nước Hữu Cùng được vạn dân kính trọng. Lưu Bang, Lã Hậu vì bức hại những nhân sĩ đạo đức mà triều đình của ông một phen khốn đốn. Trong khi những việc làm của Lã Hậu đã khiến cho cả gia tộc diệt vong.
Cho dù là ai, quyền lực hay thấp hèn, hễ làm bất cứ sự việc gì đều cũng sẽ nhận sự chi phối của luật nhân quả. Nó dường như là một quy luật của tạo hóa, chi phối con người chúng ta.
Xem thêm:
Hoàng An Tổng Hợp