Giữa người với người có thể gặp gỡ rồi kết duyên với nhau hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên, tất cả đều đã có sự sắp đặt của ông trời, con người dù muốn hay không cũng khó lòng thay đổi.
Người xưa tin rằng duyên phận giữa vợ chồng là do trời định, sức người khó lòng thay đổi được. Quan điểm này không chỉ phổ biến ở người phương Đông mà cũng phổ biến trong văn hóa phương Tây.
Hôn nhân xã hội truyền thống cổ đại phần lớn đều là do cha mẹ ước định, rồi sẽ nhờ người mai mối đi nói chuyện trước. Xã hội hiện đại lại giảng tự do yêu đương, con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó, đảo lộn luân thường.
Chuyện hôn nhân của người xưa phần lớn đều bền chặt, cam tâm tình nguyện với nhân duyên vợ chồng mà ông trời đã sắp đặt. Nếu nhân duyên ấy là tốt thì được hưởng mà không tốt cũng đành chịu. Vì họ tin đó là số mệnh của mình, không đòi hỏi gì nhiều, thuận theo tự nhiên, gặp ai thì yên phận với người đó.
Họ tin rằng, duyên phận vợ chồng nơi thế gian này là do Nguyệt Lão dùng sợi chỉ đỏ buộc hai người lại với nhau, bởi vậy cho dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ địa vị cao thấp cũng sẽ đúng thời gian mà gặp nhau, kết duyên làm vợ chồng, cùng dắt tay nhau đi qua quãng đời còn lại.
Nhân duyên từ bài thơ viết trên lá của Hầu Kế Đồ
Thượng thư Hầu Kế Đồ xuất thân là môn đệ của Vu Thư Hương, cả ngày tay không rời quyển sách, trong miệng không ngừng ngâm thơ.
Ông thường xuyên đến chùa Đại Từ ở Thành Đô để ngắm cảnh. Mỗi năm khi gió thu nổi lên, Hầu Kế Đô lại tao nhã leo lên ban công của chùa Đại Từ, dựa lan can ngắm cảnh sắc mùa thu.
Bỗng nhiên có một chiếc lá cây rơi xuống, phía trên có đề một bài thơ: “Thí thúy liễm song nga, vi úc tâm trung sự. Nạch quản hạ đình thu, thư thành tương tư tự. Thử tự bất thư thạch, thử tự bất thư chỉ. Thư hướng thu diệp thượng, nguyện trục thu phong khởi. Thiên hạ phụ tâm nhân, tẫn giải tương tư tử”.
Tạm dịch: Thử bắt cặp bướm xanh, vì đang buồn trong tâm. Ngắm mùa thu dưới sân, chữ hóa thành tương tư. Chữ không viết trên đá, chữ không viết trên giấy. Chữ trên lá mùa thu, nguyện theo gió thu lên. Thiên hạ phụ lòng người, cố giải sầu tương tư.
Hầu Kế Đô mang chiếc lá này bỏ vào trong rương giấu đi. Năm, sáu năm sau này, ông cùng với Nhậm Thị, tiểu thư khuê các ở Thành Đô kết mối lương duyên.
Một ngày Hầu Kế Đô ngâm bài thơ trên lá cây, Nhậm Thị sau khi nghe xong liền nói: “Đây là bài thơ ở trên lá cây, ngày trước thiếp đã ghi ở Tả Miên (nay là Miên Dương), chàng sao lại biết được bài thơ này?”.
Hầu Kế Đồ sau khi nghe xong cũng rất kinh ngạc, liền nói vợ mình viết lại toàn bộ bài thơ, rồi đem so với bài thơ ở trên lá thì giống y hệt.
Nhân duyên của Chu Hiển, mất mà lại được
Chu Hiển muốn kết hôn với Đỗ Thị, là con gái của của huyện lệnh huyện Bì là Đỗ Tập, hai người đã đính hôn rồi. Khi đó Tiền Thục Cao Tổ Vương Kiến tự lập làm hoàng đế, Đỗ Thị được tuyển chọn vào trong cung của Vương Kiến.
Lúc này Chu Hiển ra Bành Châu làm quan, nhờ mọi người tìm người phối ngẫu để lo đại sự, qua người mai mối đã lấy được cháu gái của Vương Thị. Sau khi kết hôn, Chu Hiển biết được rằng nàng vốn đã từng làm cung nữ.
Chu Hiển liền nói với nàng: “Ta trước đây định lấy Đỗ Thị làm vợ, nhưng thẹn vì gia cảnh bần hàn, không đảm đương được danh nghĩa và trách nhiệm của người con rể”.
Cháu gái của Vương Thị thở dài mà nói: “Thiếp chính là Đỗ Thị đây, Vương Thị là họ sau này của thiếp. Thiếp sau khi ra khỏi cung, không có chỗ nào để đi, là Vương Thị đã giúp đỡ thiếp tới ngày hôm nay”. Chu Hiển đổi buồn làm vui, tình cảm vợ chồng ngày càng sâu đậm.
Giấc mơ về mối nhân duyên của Trịnh Hoàn Cổ
Trịnh Hoàn Cổ vào thời hoàng đế Đường Văn Tông, đã đính hôn cùng với con gái của hình bộ thượng thư Lưu Công, hơn nữa ngày kết hôn cũng đã chọn lựa xong xuôi hết rồi.
Vào buổi tối một ngày, Trịnh Hoàn Cổ cùng với đạo sĩ Khấu Chương nghỉ lại ở huyện Chiêu Ứng. Ban đêm khi nằm ngủ, Trịnh Hoàn Cổ mộng thấy mình ngồi trên xe đi qua ba cây cầu nhỏ, đi đến một gia đình ở phía sau ngôi miếu, rồi cử hành hôn lễ với một cô nương nào đó, người chủ trì hôn lễ mang họ Phòng.
Trịnh Hoàn Cổ sau khi tỉnh lại thì kể lại kỹ càng tình tiết trong giấc mơ cho Khấu Chương nghe, cũng lấy giấy bút ghi chép lại chuyện này. Khấu Chương nói: “Sắp kết hôn nên mơ như vậy, không có gì ngạc nhiên cả”.
Vợ của Trịnh Hoàn Cổ là Lưu Thị sau này không may qua đời, vài năm sau, ông lại lấy Lý Thị ở Đông Lạc. Hôn lễ với Lý Thị được cử hành ở một ngôi nhà phía sau miếu ở huyện Chiêu Ứng, ngày đó Trịnh Hoàn Cổ đúng là đi qua ba cây cầu, chủ nhân ngôi nhà đó họ Hàn.
Lúc ấy Phòng Trực Ôn đảm nhiệm chức thiếu doãn Đông Lạc, ông là bạn bè với người nhà Lý Thị, nghi thức yến tiệc đều là do Phòng Trực Ôn chủ trì.
Trịnh Hoàn Cổ lúc này mới hiểu ra, giấc mơ lúc đó chính là nói đến cuộc hôn nhân ngày hôm nay. Ông kể lại chuyện này cho mọi người nghe, ai cũng cảm thấy xúc động.
Chân Chân biên dịch