Trong thế gian con người, những thứ biểu hiện ra thường không phải là mặt chân thực của sự vật. Người đang trong tu luyện khó mà thấy rõ được chân tướng, cho nên tín tâm với sư phụ sẽ quyết định người đó có thể tu thành hay không.
Ngụy Bá Dương, một nhà giả kim nổi tiếng thời Đông Hán (25 – 220 SCN), xuất thân cao quý, nhưng vô cùng yêu thích Đạo thuật. Sau này, ông đã dẫn ba đệ tử lên núi để luyện tiên đan.
Sau khi đan đã luyện thành, Ngụy Bá Dương biết có đệ tử không có tín tâm vững vàng, ông cố ý khảo nghiệm họ và nói: “Đan dù đã luyện thành, nhưng tốt nhất vẫn là nên để cho chó thử trước. Nếu nó bay lên trời thì khi đó chúng ta cũng ăn, còn nếu nó chết, thì không nên ăn nữa”.
Ông đã cho con chó nuốt một viên đan và nó chết ngay lập tức. Ngụy Bá Dương quay sang các đệ tử nói: “Luyện đan chỉ sợ luyện không thành công, giờ luyện thành rồi, vậy mà cho chó ăn xong nó chết ngay tức khắc. Chỉ e chúng ta luyện đan đã trái với ý chỉ thần linh, nếu như chúng ta ăn vào thì cũng chết giống như con chó kia thôi, giờ phải làm sao đây?”
Một đệ tử hỏi: “Sư phụ, Ngài có định ăn hay là không?”
Bá Dương nói: “Ta quay lưng với thế gian, rời xa gia đình đi vào núi sâu, không đắc được Tiên đạo, quay về thật là hổ thẹn. Bất kể sống chết ra sao, ta đều phải ăn thôi”.
Ông nói xong liền nuốt đan và lăn ra chết.
Ba đệ tử nhìn nhau trân trân mà nói: “Luyện đan vốn dĩ là vì trường sinh bất lão, nay ăn đan vào thì lại chết đi, thực là không còn cách nào rồi”.
Chỉ có một vị đệ tử nói: “Tôi thấy Sư phụ không phải là người bình thường, ăn đan vào rồi chết, có lẽ không phải thực sự như vậy“.
Nói rồi người này cũng lấy đan ra ăn, và cũng lập tức lăn ra chết.
Hai người còn lại bàn với nhau: “Chúng ta luyện đan để cầu được trường sinh. Giờ nuốt đan sẽ chết, vậy thì còn tác dụng gì nữa? Nếu không nuốt đan, chúng ta có thể sống thêm vài chục năm nữa”.
Vì thế hai người đã không uống đan. Thay vào đó, họ xuống núi và tìm quan tài cho sư phụ và vị đệ tử đã chết.
Sau khi họ rời đi, Ngụy Bá Dương đứng dậy và nhả viên đan ra. Ông đặt nó vào miệng của người đệ tử và sau đó đặt vào miệng con chó. Cả hai đã sống lại. Người đệ tử này mang họ Ngu, đã cùng Ngụy Bá Dương thăng tiên bay đi. Trước khi bay đi, họ thấy một người đàn ông đi ngang qua. Bá Dương đã viết một bức thư và nhờ người này chuyển cho hai đệ tử kia. Khi nhận được lá thư, hai người họ đã hối tiếc không nguôi.
Theo minhhue.net