Canada là quốc gia tổ chức Lễ Tạ ơn sớm nhất so với các quốc gia khác trong cùng khu vực. Chính vì vậy, xứ sở lá phong đỏ luôn tạo được sức hút lớn đối với những ai đang háo hức chờ đón dịp lễ đặc trưng này.
Lễ Tạ ơn tại Canada thường diễn ra vào cuối tuần. Đối với nhiều người, tuần lễ dài này là thời điểm bắt đầu của mùa thu. Khi đó người dân trên khắp đất nước sẽ dành thời gian cào lá, thu hoạch nông sản và đóng cửa căn nhà nhỏ của gia đình. Tất cả mọi người đều hân hoan trong niềm hy vọng được thưởng thức một bữa ăn thơm ngon cùng bạn bè và người thân. Nhưng bạn có biết truyền thống này được bắt nguồn từ đâu không?
Vào năm 1621, những người hành hương tại thành phố Plymouth Plantation, bang Massachusetts đã tổ chức Lễ Tạ ơn đầu tiên ở Bắc Mỹ, nhằm gửi lời tạ ơn vì hạn hán đã kết thúc và có một mùa màng bội thu.
Trong suốt quá trình hành hương, nếu không có sự giúp đỡ của người da đỏ Wampanoag qua việc chia sẻ kiến thức và kỹ thuật trồng trọt, săn bắn, câu cá, thì những người hành hương đã chết. Một số văn bản ghi chép cho thấy buổi Lễ Tạ ơn chính thức đầu tiên có khả năng xảy ra trước sự kiện này khoảng 14 năm.
Tuy nhiên, buổi Lễ Tạ ơn ở Canada hoặc ít nhất là vùng đất sau này trở thành Canada có lịch sử của riêng nó. Lịch sử này hoàn toàn khác biệt so với những quốc gia Bắc Mỹ khác. Truyền thống này đã xuất hiện từ rất lâu trước cả khi những người định cư châu Âu ở Bắc Mỹ có mặt tại khu vực.
Hóa ra các quốc gia đầu tiên trên Đảo Rùa đã có truyền thống riêng về Lễ Tạ ơn diễn ra vào mùa Đông. Khi đó họ xem mùa đông, hoa màu từ cây trồng và những trò chơi như phần thưởng cho công việc khó khăn của mình.
Đi kèm với truyền thống này có thể gồm cả những lễ hội, nghi thức cầu nguyện, hoạt động múa hát, tiệc tặng quà và các nghi lễ khác tùy thuộc vào những người tổ chức Lễ Tạ ơn. Đặc biệt khi nói đến Lễ Tạ ơn của người châu Âu ở Canada, chúng ta có một vài câu chuyện thú vị để kể.
Vào năm 1578, nhà thám hiểm người Anh – Martin Frobisher cùng thủy thủ đoàn của mình đã tổ chức buổi Lễ Tạ ơn và lễ Ban Thánh thể trên vịnh Frobisher (ngày nay là Nunavut), hoặc trên con tàu neo đậu gần đó. Trong buổi lễ, các nhà thám hiểm ăn tối cùng với thịt bò muối, bánh quy, đậu Hà Lan nấu mềm và tỏ lòng biết ơn của mình thông qua buổi lễ Ban Thánh thể. Bởi họ đã được an toàn sau khi vượt qua hòn đảo Newfoundland.
40 năm sau vào ngày 14/11/1606, cư dân của thành phố New France dưới thời nhà thám hiểm Samuel de Champlain đã tổ chức những buổi Lễ Tạ ơn giữa người Mi’kmaq địa phương và người Pháp.
Mặc dù vào thời điểm đó dân định cư không hề biết quả nam việt quất là thứ rất giàu Vitamin C và có thể phòng tránh bệnh scorbut (thiếu hụt vitamin C), nhưng họ cũng đã giới thiệu đến người ngoại bang loại quả này bằng tiếng Pháp với tên gọi táo đỏ.
Lễ hội của người Champlain không chỉ là lễ hội thường niên. Thêm vào đó, để ngăn chặn dịch bệnh scorbut làm suy yếu sức khỏe của người dân tại khu định cư thành phố Sainte-Croix trong mùa đông, Ordre de Bon Temps (Order of Good Cheer) – một khu trật tự thuộc địa đã được thành lập.
Đây là nơi cung cấp các bữa ăn lễ hội vài tuần một lần. Ngoài ra, mọi người còn có thể được điều trị y tế, nhận được các lời khuyến cáo dinh dưỡng tốt hơn và tham gia các hoạt động giải trí để chống lại căn bệnh scorbut.
Và mặc dù lịch sử của buổi Lễ Tạ ơn tại Canada vô cùng độc đáo, nhưng các khái niệm hiện đại về Lễ Tạ ơn đã bị nhiều nước láng giềng như Mỹ ảnh hưởng. Theo đó, các loại thực phẩm gắn liền với Lễ Tạ ơn truyền thống như gà tây Bắc Mỹ, bí đỏ và bí ngô được những người trung thành với đế chế Hoa Kỳ giới thiệu đến công dân Halifax vào những năm 1750. Sau đó họ tiếp tục truyền bá các món ăn truyền thống này đến nhiều khu vực khác của quốc gia.
Ngày nay Lễ Tạ ơn Canada được tổ chức vào ngày thứ Hai của tuần thứ 2 trong tháng 10 kể từ khi chính phủ Canada ban hành một đạo luật riêng cho nó vào ngày 31/1/1957. Trước đó Lễ Tạ ơn ở Canada được tổ chức rải rác và thường trùng ngày với các sự kiện lớn và ngày lễ kỷ niệm khác. Năm 1879, Lễ Tạ ơn được chính thức tuyên bố là ngày lễ quốc gia và được tổ chức vào ngày 6/11.
Nhưng sau đó, ngày Lễ Tạ ơn được đổi lại vào ngày thứ Hai của tuần lễ thứ 2 trong tháng 10. Sự thay đổi này bắt đầu từ sau khi Thế Chiến I và II nổ ra. Chính những cuộc chiến tranh đã đem đến cho đất nước Canada một ngày lễ tưởng niệm diễn ra vào ngày 11/11. Vì vậy, buổi Lễ Tạ ơn sẽ được diễn ra trước đó để không phải rơi vào cùng một ngày cuối tuần.
Và nếu quan sát lịch sử tổ chức buổi Lễ Tạ ơn ở Canada, bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng: Dù buổi lễ được quy định tổ chức vào ngày thứ Hai, nhưng nhiều gia đình thường ăn mừng vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật. Hầu hết người Canada đều chấp nhận sự thay đổi của buổi Lễ Tạ ơn diễn ra trong tháng 10. Bởi vì trong khoảng thời gian này phần lớn người dân trên đất nước đã hoàn thành công việc thu hoạch mùa màng.
Trong lời tuyên bố chính thức của Quốc hội Canada về buổi Lễ Tạ ơn có nói rằng: “Ngày Lễ Tạ ơn hướng về những vị thần quyền năng ban phước cho mùa màng bội thu sẽ được diễn ra vào thứ Hai giữa tháng 10”.
Mặc dù ý nghĩa thực sự của buổi Lễ Tạ ơn không được tất cả người dân Canada biết đến, nhưng hầu hết mọi người đều thể hiện lòng biết ơn và dành thời gian để thưởng thức một bữa ăn ngon cùng với gia đình. Truyền thống đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Tú Văn, theo Canada’s History