Từ xưa, nén nhang đã trở thành linh vật thiêng liêng trong tín ngưỡng của người phương Đông. Từ những ngôi chùa Phật giáo cho đến những nghi lễ thờ kính tổ tiên, nén nhang luôn được thắp lên với mong muốn cầu được hạnh phúc, may mắn, sức khỏe, và bình an trong tâm hồn.v.v.
Người xưa tin rằng, việc thắp hương bái Phật trong các ngôi chùa để bày tỏ lòng thành kính giống như một mối liên kết tâm linh giữa con người với Đức Phật.
Cũng có những giải thích khác cho rằng việc thắp hương lại giống như một sự hy sinh vì tín ngưỡng. Một nén nhang được thắp lên rồi từ từ lụi cháy giống như sự hy sinh để mang đến cho mọi người một tâm hồn bình yên cầu nguyện trước cõi Phật. Việc này cũng giống như các tín đồ tôn giáo năm xưa nguyện hy sinh bản thân để đổi lấy tình yêu, hạnh phúc cho những người xung quanh.
Nguồn gốc phát triển
Vào thời nhà Hán (206 TCN – 220 SCN), Trung Quốc bắt đầu nhập lượng lớn các nguyên liệu làm nhang từ nước ngoài vào trong nước để chế tạo. Khi đó, một số phương pháp điều chế nhang có những điểm tương đồng với điều chế thuốc thảo dược trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Vào trước triều đại nhà Đường, thành phần chính của nhang bao gồm hoa Lan, hoa Hui, quế Cassia và hạt tiêu Tứ Xuyên, cho đến nhà Đường (618 – 907), nhang mới được phổ biến thêm cả mùi Trầm hương, Long não, Gỗ đàn hương và Xạ hương.
Thời bấy giờ, nhang thơm rất phổ biến trong giới thượng lưu của xã hội. Các vị Hoàng đế thường dùng nhang và hương liệu của nó để làm vật phẩm biếu tặng các các nước láng giềng hoặc ban thưởng cho bề tôi trung thành và các phi tần trong cung.
Những người giàu có cũng thường mang theo những chiếc túi thơm trầm hương khi du lịch. Một số thậm chí còn dùng phung phí rất nhiều hương liệu cho chiếc túi thơm, vì họ cho rằng điều đó sẽ làm cơ thể tỏa ra một mùi thơm dễ chịu. Không chỉ vậy, kể cả đồ nội thất trong nhà cũng được làm từ gỗ thơm và trên các bức tường thường được phủ một lớp chất thơm.
Đến nhà Tống (từ năm 960 đến năm 1279) thì việc nghiên cứu, sử dụng và buôn bán nhang đã đạt đến đỉnh cao. Nhang được sử dụng phổ biến ở mọi giai tầng trong xã hội từ tầng lớp thượng lưu cho đến tầng lớp trung lưu. Những cuốn sách hướng dẫn sử dụng nhang thơm cũng được xuất bản rộng rãi thúc đẩy việc sử dụng và điều chế nhang thơm trong cuộc sống.
Tuy phổ biến như vậy, nhưng trong xã hội thời Đường và Tống, việc sử dụng nhang để thờ cúng các vị thần và tổ tiên vẫn được xem là một nét văn hóa đặc trưng và là mục đích chính của việc sản xuất nhang.
Các loại nhang phổ biến
Nhang được làm từ 100% hương liệu nguyên chất cộng thêm thành phần chất thơm, sẽ tỏa ra khói và có mùi thơm khi được đốt cháy. Có nhiều loại nhang được sản xuất tại Trung Quốc. Một trong những loại được sử dụng phổ biến nhất là nhang trầm hương. Bắt nguồn từ thời nhà Minh (1368 – 1644). Nhang trầm hương có 2 loại nổi tiếng, một loại có tăm và một loại không tăm.
Theo thông tin trên trang Kino Objects cho biết: “Tuy nguồn gốc bắt nguồn của loại nhang này đến từ Trung Quốc, nhưng trầm hương có tăm thường phổ biến nhiều hơn ở Ấn Độ. Nhang trầm Nag Chămpa được sản xuất với một trục trung tâm hay còn gọi là tăm làm bằng tre. Nhưng một số người lại không thích mùi của thanh tre đang cháy, nên nhang trầm hương chất lượng cao thường thay thế tre bằng gỗ đàn hương.
Loại không có tăm thì được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc và chỉ xuất khẩu độc quyền sang Nhật Bản và Tây Tạng. Loại nhang này được làm đơn giản bằng cách cuộn nhang thành hình que và phơi khô trước khi sử dụng.”
Một loại nhang khác là nhang cuộn với hình dạng xoắn ốc. Thường được sử dụng phổ biến trong các ngôi đền nổi tiếng ở Hồng Kông. Nhang cuộn cũng được biết đến với dạng hình khối hoặc hình nón, được sử dụng nhiều ở Trung Quốc. Tuy nhiên xuất xứ ban đầu của loại nhang này lại đến từ Nhật Bản sau đó du nhập sang Tây Tạng và được người Tây Tạng sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.
Khác với các loại nhang khác khi đốt khói thường cháy tỏa lên trên thì loại nhang nón ngược lại có một lỗ ở dưới, khi đốt khói thường thông xuống và tỏa ra ở phía dưới.
Như vậy với lịch sử tồn tại hàng nghìn năm nay, nén nhang đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người phương Đông như một nét đẹp truyền thống, gần gũi và thiêng liêng.
An Nhiên (Theo Vision Times)