“36 kế chạy là thượng sách”, đây là một thành ngữ rất phổ biến. Ý nghĩa là phàm việc gì khi phát triển đến mức không thể cứu vãn, suy đi nghĩ lại cũng không có cách nào làm tốt, thì đành phải buông xuống, chỉ có bỏ đi cho xong việc. Nguồn gốc của câu nói này bắt nguồn từ trận đánh của một vị danh tướng.
Nói về xuất xứ của ‘36 kế’, đây không phải là kế sách của đại sư Quỷ Cốc Tử, cũng không phải xuất phát từ kế thành trống mượn gió đông của Gia Cát Khổng Minh, mà có liên quan đến Đàn công – danh tướng khai quốc của nam triều Lưu Tống.
Đàn công chính là lão tướng Đàn Đạo Tế. Ông là người tính tình ôn hòa, cẩn thận, trời sinh rất có tài năng, lãnh binh đánh trận trí dũng song toàn. Ông đi theo Hoàng đế Lưu Dụ lập nên cơ đồ, xung phong đi đầu, đánh Nam dẹp Bắc, đánh đâu thắng đó, chiến công chói lọi. Khi ông còn sống thì giống như bức tường thành di động của Nam triều. Bắc Ngụy xuất binh đánh Nam triều chưa đánh đã lui, quân sĩ Bắc Ngụy đều rất e ngại ông, thậm chí còn lấy tranh vẽ chân dung của ông để xua đuổi ma quỷ, trừ tà.
Năm Nguyên Gia thứ 8, quân Ngụy hùng mạnh cướp lại Lạc Dương, Hà Nam và những nơi khác của Lưu Tống. Đàn Đạo Tế được lệnh tấn công để dành lại Hà Nam. Trong hơn 20 ngày, ông đã chiến đấu với quân Ngụy 30 trận và giành chiến thắng nhiều lần.
Nhưng khi đánh đến Lịch Thành, thì lương thảo gần như cạn kiệt nên đành chuẩn bị ngừng đánh hồi triều. Khi đó, có binh sĩ trong quân đầu hàng quân Ngụy, đem tin tức tình báo lập công, nói rằng lương thảo của quân Lưu đã hết. Những binh lính còn lại trong doanh trại lo sợ, mất hết nhuệ khí, lòng quân vô cùng dao động.
Đàn Đạo Tế nghĩ ra một kế, thừa dịp ban đêm diễn một tuồng “Xướng trù lượng sa” (dùng thẻ tre đong cát) để đánh lừa tai mắt kẻ thù, làm quân địch hoang mang. Ông đích thân vào trại kiểm tra lương thảo, để binh sĩ dùng đấu đo gạo, quân lính bên cạnh dùng thẻ tre đếm số. Trên mặt đất chất đầy bao gạo (kỳ thực bên trong chứa cát), lỗ hổng trên bao để lộ hạt gạo trắng như tuyết. Thám tử của quân Ngụy vội báo lại sự tình trong đêm, nói rằng trong doanh của quân Lưu còn rất nhiều gạo, vậy nên quân Ngụy từ bỏ việc truy kích.
Vào thời điểm lui quân trở về phương Nam, Đàn Đạo Tế ra lệnh cho tất cả quân sĩ mặc áo giáp, còn bản thân thì mặc đồ trắng, cưỡi chiến xa, bình tĩnh chầm chậm phá vòng vây. Quân Ngụy lo sợ có mai phục không dám tới gần quân Lưu, nên đành rút quân quay về phương Bắc. Lần này, mặc dù Đàn Đạo Tế không chiến thắng hồi triều, nhưng ở hoàn cảnh nguy nan trước mặt mà có thể đưa toàn quân trở về, điều này khiến danh tiếng của ông càng vang xa.
Theo ‘Nam sử – Liệt truyện’, Vương Kính Tắc, một phản thần của Nam Tề từng nói: “Đàn Công 36 kế, chạy là thượng sách.”
Câu này chính là Kính Tắc muốn mỉa mai Đàn công, ngụ ý muốn nói trong trận chiến này Đàn Công dù có tài giỏi đến đâu thì chỉ có chạy là thượng sách. Đây cũng chính là xuất xứ của câu “36 kế chạy là thượng sách” mà ngày nay chúng ta vẫn hay dùng.
Vào cuối thời nhà Minh, đầu nhà Thanh, có người đã tổng hợp những điển cố quân sự trong lịch sử lại thành 36 tên gọi bao gồm:
Giấu giếm, vây Nguỵ cứu Triệu, mượn đao giết người, dùng khoẻ ứng mệt, nhân lúc cháy nhà mà đi hôi của, giương đông kích tây, ăn không nói có, hoạt động bí mật, bình chân như vại, khẩu Phật tâm xà, thay mận đổi đào, mượn gió bẻ măng, đánh cỏ động rắn, mượn xác hoàn hồn, điệu hổ ly sơn, lạt mềm buộc chặt, thả con tép bắt con tôm, bắt giặc bắt vua, rút củi dưới đáy nồi, đục nước béo cò, ve sầu thoát xác, đóng cửa bắt tặc, giao kết nước xa tấn công nước gần, mượn đường cướp đất, thay xà đổi cột, chỉ cây dâu mà mắng cây hòe, giả si không điên, bên trên phòng rút bậc thang, trên cây nở hoa, đảo khách thành chủ, mỹ nhân kế, không thành kế, kế phản gián, khổ nhục kế, liên hoàn kế, tẩu vi thượng kế.
Tử Vi